Nằm giữa trung tâm TP. Biên Hòa, di tích cấp quốc gia Thành cổ Biên Hòa được các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá là nơi chứa đựng những giá trị quý giá về lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Dấu tích còn sót lại của thành cổ là một vòng thành được xây dựng bằng đá ong, bên trong có ngôi nhà kiến trúc theo kiểu Pháp.
Với bề dày lịch sử, Thành cổ từng chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử của vùng đất Biên Hòa nói riêng, Nam bộ nói chung. Ngày nay, Thành cổ vẫn còn đó như nhắc nhở các thế hệ hôm nay về hào khí yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm của cha ông ta.
“Trăm năm còn một chút này…”
Thành cổ Biên Hòa (hay còn gọi là Thành Kèn Biên Hòa; Thành Cựu; Thành Xăng Ðá) xưa tọa lạc tại thôn Bàn Lân (Tân Lân), huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hòa. Theo một số nguồn sử liệu, thành được đắp bằng đất lần đầu tiên vào năm Gia Long thứ 15 (1816), chu vi dài 280 trượng (1,187,2m), cao 4 thước ba tấc (1m996), dày 1 trượng (4m24), hào rộng 2 trượng (8m48), sâu 6 thước (2m544). Ðến năm Minh Mạng thứ 18 (1837) thành được xây lại bằng đá ong và đổi tên là thành Biên Hòa. Thành có 4 cửa và 1 kỳ đài (phía chánh diện), mỗi cửa có cầu đá bắc ngang qua hào để làm lối lưu thông ra vào.
Diện mạo Thành cổ Biên Hòa sau đợt trùng tu, tôn tạo giai đoạn 1.
Khi Pháp đánh chiếm các tỉnh Nam bộ, thành Biên Hòa trở thành nơi phòng ngự, phản công địch của quan quân nhà Nguyễn. Tháng 12 năm 1961, thành Biên Hòa rơi vào tay thực dân Pháp. Trong thời gian chiếm đóng, Pháp cho xây dựng lại, thu gọn chu vi thành còn 1/8 so với trước. Hào phía Ðông được lấp đất lại, xây cất phố xá, biệt thự, nhà thương… trong nội thành cho sĩ quan cao cấp và quân đội Pháp ở. Buổi sáng lính Pháp thường sử dụng kèn báo thức, âm thanh vang cả một vùng nên dân địa phương quen gọi là Thành Kèn.
Từ năm 1954 đến 1975, thành Biên Hòa không có thay đổi gì nhiều. Chính quyền Mỹ - Ngụy đã sử dụng công trình do thực dân Pháp để lại, chia thành Biên Hòa thành 2 khu vực: Tây Bắc và Ðông Nam bằng một con đường trồng hai hàng me, chạy dọc từ cổng chính vào. Sau năm 1975, Phòng Hậu cần Công an tỉnh Ðồng Nai quản lý, sử dụng di tích và xây dựng thêm một số hạng mục làm công sở, nhà kho. Năm 2001, do nhu cầu mở đường nội ô ở thành phố, một số hạng mục như: Lô cốt, vòng thành bị đập bỏ. Mặc dù diện tích của thành Biên Hòa bị thu hẹp, một số hạng mục bị phá vỡ so với hình thể ban đầu, nhưng vẫn bảo lưu được yếu tố gốc cần thiết. Thành cổ Biên Hòa đã được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2013.
Di sản độc đáo
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, Thành cổ Biên Hòa là một di sản hiếm có độc đáo hiện tồn trên vùng đất Ðồng Nai nói riêng và Nam bộ nói chung. Các công trình kiến trúc và những dấu tích còn lại là sự kết hợp độc đáo, hài hòa giữa văn hóa phương Ðông và phương Tây; là những tư liệu quý giá về kỹ thuật xây dựng vào thời kỳ đầu đô hộ của thực dân Pháp. Trong đó, khá rõ nét công trình phòng thủ quân sự, công trình nhà làm việc, nhà ở kiểu Pháp; các đoạn tường thành, lô cốt và các vị trí chiến đấu. Nơi đây còn chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng từ thời nhà Nguyễn đến công cuộc đấu tranh chống Pháp và Mỹ giành độc lập tự do cho Tổ quốc của nhân dân ta.
Giám đốc Ban quản lý Di tích và danh thắng tỉnh Lê Trí Dũng cho biết: Thành cổ Biên Hòa dù không còn nguyên bản của thành Biên Hòa dưới thời nhà Nguyễn nhưng Thành cổ Biên Hòa đã trở nên độc nhất vô nhị ở Nam bộ khi mà thành Gia Ðịnh, thành Vũng Tàu, thành Mỹ Tho… chỉ còn lưu truyền qua sử sách và hình ảnh. Có thể nói đây là sự may mắn của người dân Biên Hòa - Ðồng Nai. Mặc dù, có thời gian các hạng mục di tích gốc bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng sau khi được đầu tư để trùng tu, tôn tạo, Thành cổ đã và đang từng bước hồi sinh diện mạo ban đầu của di tích, góp phần quan trọng trong việc chỉnh trang diện mạo đô thị và khu dân cư, thu hút du khách đến tham quan.
Hiện nay, dự án trùng tu, tôn tạo di tích này mới hoàn thành giai đoạn 1 với các hạng mục: Hệ thống tường thành và lô cốt phía Ðông, Tây, Bắc; Ðông Bắc, Tây Bắc, hai ngôi biệt thự; sân đường nội bộ; nhà xe; nhà vệ sinh; hệ thống cấp, thoát nước, điện chiếu sáng. Dự án giai đoạn 2 phục hồi tường thành phía Nam, cổng thành và khu dịch vụ đang chờ chủ trương của tỉnh.
Trải qua gần 2 thế kỷ được tạo dựng với bao biến cố của lịch sử, thăng trầm suốt hơn 320 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Ðồng Nai, Thành cổ Biên Hòa vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa cần được bảo tồn và gìn giữ. Về Biên Hòa - Ðồng Nai hôm nay để ngược dòng về quá khứ, sống trong không gian lịch sử, tưởng nhớ đến thời kỳ dựng nước và giữ nước của cha ông, để rồi đọng lại trong tâm khảm mỗi người con đất Việt niềm tự hào, tự tôn dân tộc.
P.V
Tác giả: P.V
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập