Bảo tồn và phát huy giá trị di tích để phát triển du lịch

Thứ năm - 25/10/2018 22:04
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Ðồng Nai là vùng đất có lịch sử khá lâu đời, với nhiều di tích có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa phản ánh những dấu ấn quan trọng trong quá trình mở cõi, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, việc bảo tồn di tích lịch sử, đặc biệt là các di tích: Ðền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Ông, thành cổ Biên Hòa, nhà lao Tân Hiệp, Chiến khu Ð… không chỉ nhằm phát huy các giá trị để phục vụ cho các lợi ích xã hội, góp phần làm giàu kho tàng di sản văn hóa, mà còn quảng bá đến du khách trong và ngoài nước vẻ đẹp phong phú, đa dạng, độc đáo của địa phương.​

Nhiều khó khăn…

Ðồng Nai hiện có 56 di tích được xếp hạng (trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 29 di tích quốc gia, 25 di tích cấp tỉnh), hơn 1.500 di tích phổ thông, gần 400 nhà ở truyền thống, nhiều di chỉ khảo cổ học… Hằng năm, các di tích này đón nhiều lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Nhiều di tích gắn liền với những câu chuyện, truyền thuyết, lịch sử trong quá trình hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Ðồng Nai. Có thể kể đến: Ðền thờ Nguyễn Hữu Cảnh - gắn liền với sự kiện Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược xứ Ðàng Trong thành lập dinh Trấn Biên và dinh Phiên Trấn mở ra thời kỳ mới trong công cuộc khẩn hoang, khai phá vùng đất Nam bộ; chùa Ðại Giác gắn với chuyện Công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh (con Chúa Nguyễn Ánh, sau là Vua Gia Long) trên đường chạy trốn quân Tây Sơn đã đến trú tại đây 2 ngày... Ðó là lợi thế để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của Ðồng Nai.


Học sinh trên địa bàn TP. Biên Hòa tham quan, tìm hiểu di tích Nhà lao Tân Hiệp.

Theo Phó giám đốc Bảo tàng Ðồng Nai Nguyễn Thị Tuyết Hồng, mặc dù một số di tích (đặc biệt là di tích ở TP. Biên Hòa) gần đây được các cấp, ngành nỗ lực trùng tu, tôn tạo với nguồn kinh phí đáng kể nhưng việc khai thác di tích để phát triển du lịch vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Hoạt động du lịch tại các điểm di tích còn đơn lẻ, rời rạc theo từng điểm, chưa gắn kết với nhau nên chưa phát huy hiệu quả; phần lớn di tích chưa thực sự trở thành các điểm du lịch. Các di tích do Nhà nước quản lý vẫn còn mang nặng cơ chế “bao cấp” dựa vào nguồn ngân sách; hoạt động du lịch còn mang tính tự phát, chưa tạo được nguồn thu…

Giám đốc Trung tâm Sinh thái văn hóa lịch sử Chiến khu Ð Ðinh Thị Lan Hương cho biết: Hiện trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu có 3 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia: Căn cứ Khu ủy miền Ðông Nam bộ (1962 - 1967), Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1961 - 1962) và Ðịa đạo Suối Linh. Tuy hằng năm, Khu bảo tồn đón tiếp trên 35.000 lượt khách đến tham quan về nguồn và du lịch tâm linh, nhưng việc bảo tồn phát huy giá trị di tích Chiến khu Ð gắn với phát triển du lịch vẫn gặp nhiều khó khăn, các di tích chưa phát huy hết tiềm năng vốn có. Bởi vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch là một trong những yếu tố quan trọng góp phần phát triển du lịch địa phương.

Bày tỏ quan điểm trước thực trạng của di tích hiện nay, Giám đốc Ban quản lý Di tích và danh thắng tỉnh Lê Trí Dũng cho biết, ông rất tâm đắc phát biểu của nguyên Bộ trưởng Bộ VH-TTDL Lê Doãn Hợp tại một hội nghị ngành Di sản văn hóa nói về di sản văn hóa và du lịch: “Làm du lịch phải có 3 chữ “N” đó là: Ngoại hình, ngoại ngữ và ngoại giao. Muốn thu hút được đông khách du lịch “phải mời, phải đón, phải đưa, phải tiễn”; điều quan trọng nhất là phải thỏa mãn nhu cầu khám phá, hiểu biết, vui chơi, giải trí, ăn uống, nghỉ ngơi, mua sắm của du khách. Nhìn lại tất cả những thứ đó hầu như chúng ta chưa làm được”.

Để phát huy giá trị di tích gắn với du lịch

Việc xây dựng thương hiệu du lịch kết nối với di tích góp phần tạo nên những sản phẩm khác biệt đối với từng địa phương. Vấn đề quan trọng là việc phát huy giá trị của các di tích ấy như thế nào để vừa hiệu quả, vừa lâu bền. Bởi thực tế cho thấy, việc khai thác, phát huy giá trị các di tích trong quá trình kết nối và phát triển du lịch vẫn còn nhiều bất cập. Theo Trưởng phòng Quản lý du lịch Nguyễn Văn Hậu (Sở VH-TTDL), nguyên nhân chủ yếu là do di tích chưa được gắn với tuyến du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm chưa đáp ứng được yêu cầu. Các dịch vụ phụ trợ tại các di tích hầu như chưa có hoặc có nhưng chưa hấp dẫn; công tác tuyên truyền, quảng bá di sản chưa hiệu quả.

Giám đốc Khu du lịch Bửu Long Trần Ðăng Ninh cho hay, hiện nay việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích rất cần thu hút các doanh nghiệp tham gia thông qua hình thức xã hội hóa đầu tư. Tuy nhiên, để thu hút doanh nghiệp chung tay phát huy các giá trị gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh, cần phải có cơ chế, chính sách (ưu đãi thuế; về thời gian sử dụng đất…) cho doanh nghiệp đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, lợi ích nhà nước và doanh nghiệp.

Về vấn đề này, PGS.TS. Lâm Nhân (Ðại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, phát huy giá trị di tích cần gắn với tích hợp trong phát triển du lịch: Du lịch sinh thái; du lịch văn hóa (gắn với cộng đồng, dân tộc tại chỗ); du lịch mạo hiểm; du lịch trải nghiệm. Ðồng thời, tổ chức nhiều hơn các hình thức: về nguồn, sinh hoạt đoàn thể (kết nạp đoàn viên, hội viên, tổng kết, khen thưởng…) giáo dục truyền thống tại các di tích cho người dân, nhất là thế hệ trẻ. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức trân trọng lịch sử, học hỏi các tinh hoa ông cha để lại, trong đó, bao gồm việc bảo tồn các di sản.

Có thể nói, phát huy các giá trị của di tích để kết nối và phát triển du lịch là một xu thế tất yếu. Bởi sức hấp dẫn của các di tích, di sản đã tạo ra nhiều động lực trong phát triển du lịch và mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ðiều cần thiết và cũng là trách nhiệm của ngành du lịch là cần tăng cường phối hợp với các địa phương và các cơ quan chức năng trong việc góp sức bảo tồn các di tích, kết nối và đưa vào khai thác nguồn tài nguyên này một cách hợp lý, không tận thu và tránh tình trạng xâm hại di tích trong kết nối các tour, tuyến du lịch.

Hội thảo xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy giá trị các di tích

Trong 2 ngày (24 và 25-10), tại Khu bảo tồn Thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Ban quản lý Di tích và danh thắng tỉnh đã tổ chức hội thảo: “Xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy giá trị các di tích: Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Ông, thành cổ Biên Hòa, nhà lao Tân Hiệp, Chiến khu Đ gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”. Hội thảo có sự tham dự của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa, du lịch, đại diện lãnh đạo các sở ngành liên quan...

Hội thảo đã nhận được 28 bản tham luận với những  nội dung như: Những vấn đề chung về bảo tồn và phát huy giá trị di tích; giá trị tiềm năng của các di tích trên địa bàn tỉnh; giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch… Sau hội thảo, các đại biểu đã đến tham quan các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu.

Ly Na

Tác giả: Phạm My Ny

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây