Trong tháng 10 này, Sở GD-ÐT tổ chức đợt truyền thông cho khoảng 38.000 học sinh THCS, THPT trên địa bàn tỉnh về các nội dung như kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình bạn - tình yêu; phòng, chống lạm dụng và xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống bạo lực học đường, tệ nạn xã hội trong trường học; phòng, chống ma túy và tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trường học…
Những buổi truyền thông thường thu hút sự đón nhận tích cực của học sinh. Tuy nhiên, các em cũng mong muốn có nhiều hơn các buổi truyền thông như thế với hình thức phong phú hơn.
Học sinh hào hứng đón nhận
Cuối buổi học chiều thứ 2 ngày 22-10, hơn 1.700 học sinh khối 6 và khối 8 Trường THCS Trường Sa (TP. Biên Hòa) tập trung dưới sân trường. Theo thông báo của nhà trường, các em sẽ được nghe truyền thông về phòng, chống tệ nạn xã hội và bạo lực học đường do Sở GD-ÐT tổ chức. Sau 4 giờ chiều, trời có dấu hiệu mưa nhưng toàn bộ học sinh vẫn ngồi ngay ngắn để chuẩn bị cho buổi truyền thông. Báo cáo viên là ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh. Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong tư vấn pháp luật, từng đi đến các khu nhà trọ để tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho công nhân nên ông Hà có cách nói chuyện khá gần gũi, lôi cuốn và có nhiều ví dụ thực tế. Do đó, hơn 1.700 học sinh lắng nghe những điều “thầy Hà” nói một cách say sưa, hào hứng.
Học sinh Trường THCS Trường Sa (TP. Biên Hòa) hào hứng tham gia buổi truyền thông về phòng, chống tệ nạn xã hội và bạo lực học đường.
Em Bùi Trần Khánh Ngọc, học sinh lớp 6/21, Trường THCS Trường Sa cho biết: “Ðây là lần thứ 2 em được tham gia một buổi truyền thông về phòng, chống tệ nạn xã hội và bạo lực học đường. Những buổi nói chuyện như vậy giúp em trang bị những kỹ năng sống còn thiếu; trau dồi kiến thức để tự bảo vệ bản thân khi ra ngoài xã hội. Hoạt động ngoài trời như vậy khiến em cảm thấy thoải mái và vui, tiếp thu tốt hơn. Cách nói chuyện của thầy cũng rất thú vị, hài hước, sôi động; nói những vấn đề gần gũi mà học sinh gặp hằng ngày chứ không nói chuyện sâu xa, khó hiểu”.
Theo thầy Ðỗ Ngọc Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Trường Sa, để buổi chào cờ đầu tuần thiết thực, bổ ích, nhà trường chỉ dùng một khoảng thời gian ngắn để thông báo tình hình thi đua trong tuần, thời gian còn lại dành cho hoạt động như: ôn luyện kiến thức, giáo dục kỹ năng sống, tuyên truyền pháp luật. Ðặc biệt, “báo cáo viên” thường là thầy Hiệu trưởng hoặc giáo viên Tổng phụ trách Ðội và một số giáo viên trong trường. Tuần nào đích thân thầy Hiệu trưởng cũng nhắc nhở học sinh không được tham gia bạo lực học đường, không trấn lột, bắt nạt bạn bè, không hút shisha… Tuy vậy, việc mời được các báo cáo viên là người có chuyên môn sâu về các lĩnh vực cần tuyên truyền đến nói chuyện với học sinh sẽ tốt hơn, tạo cho học sinh sự hào hứng, vui vẻ... Theo đó, sự tiếp nhận cũng hiệu quả hơn.
Cần đa dạng hình thức tuyên truyền
Là người đã có 2 năm tham gia công tác truyền thông về tệ nạn xã hội và bạo lực học đường cho học sinh, ông Vũ Ngọc Hà nhận xét: “Qua các buổi truyền thông, tôi nhận thấy bản thân học sinh đã có được một lượng kiến thức nhất định và hưởng ứng nhiệt tình, tham gia rất hào hứng. Thông qua đó, lượng kiến thức về các vấn đề liên quan đến pháp luật, kỹ năng sống… của các em cũng được nâng lên”.
Các buổi truyền thông dù mang lại những hiệu khá tích cực nhưng thời gian kéo dài hiệu ứng này lại không lâu. Ða phần học sinh chỉ thích thú hưởng ứng và ghi nhớ được trong một thời gian ngắn rồi lại quên đi. Ðó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho số vụ bạo lực học đường hoặc vi phạm các nội quy khác thường xảy ra nhiều vào dịp gần cuối năm học, khi các hoạt động tuyên truyền pháp luật ít được tổ chức. Thầy Ðỗ Ngọc Thanh chia sẻ: “Ða phần, các vụ bạo lực học đường thường xảy ra vào cuối năm học, mặc dù nhà trường đã liên tục nhắc nhở nhưng vẫn không thể kiểm soát hết được. Thậm chí, năm học trước, trường đã phát hiện một số học sinh tham gia hút shisha, có em còn bán shisha nhưng không biết tác hại của nó”.
Tăng cường truyền thông về các vấn đề: pháp luật, sức khỏe sinh sản vị thành niên, bạo lực học đường, kỹ năng sống… là mong muốn của rất nhiều học sinh. Em Lê Ðình Huy, học sinh lớp 8/1, Trường THCS Trường Sa cho hay: “Gần đây, nhà trường và Sở GD-ÐT tổ chức nhiều hoạt động truyền thông về pháp luật và bạo lực học đường. Các thầy cô nói chuyện khá gần gũi, hài hước khiến chúng em dễ tiếp thu hơn. Tuy nhiên, các thầy cô nói dù hay nhưng vẫn chưa đủ để chúng em hiểu sâu, học hỏi và thực hành trong cuộc sống. Chúng em cần được xem những ví dụ một cách cụ thể hơn. Em cũng mong muốn mỗi tháng hoặc 2 tháng sẽ có một buổi sinh hoạt như vậy để chúng em không quên đi những điều mà các thầy cô đã truyền đạt”.
Theo ông Vũ Ngọc Hà, để các buổi truyền thông đạt hiệu quả, thời gian nói chuyện chỉ nên kéo dài trong vòng 90 phút vì đây là khoảng thời gian lý tưởng để học sinh tiếp thu tốt kiến thức. Ngoài ra, trong quá trình truyền đạt kiến thức cũng cần lồng ghép các trò chơi, nêu ví dụ cụ thể và gần gũi với lứa tuổi các em. Chẳng hạn như chiếu một bộ phim về bạo lực học đường để thấy nguyên nhân, diễn biến vụ việc và giải pháp cụ thể. Ngoài ra, có thể kịch hóa các vấn đề cần truyền thông, người thực hiện có thể là chính học sinh hoặc các thầy cô giáo.
Bên cạnh đó, hình thức tuyên truyền phải chú ý để gợi mở tinh thần của các em học sinh. Ðể học sinh ghi nhớ vấn để được lâu, mỗi năm, nhà trường nên có vài buổi truyền thông để nhắc nhở các em. Tuy nhiên, lần thứ nhất có thể mang tính tuyên truyền còn các lần kế tiếp nên tổ chức các hình thức khác để các em thể hiện sự hiểu biết của bản thân như: tuyên truyền thông qua hoạt động văn hóa - văn nghệ, cuộc thi học sinh thuyết trình…
H.Yến
Tác giả: Lê Hải Yến
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập