​Phát huy quyền làm chủ của người lao động

Thứ hai - 12/11/2018 08:29
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được các quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở như: quy chế dân chủ tại nơi làm việc, đối thoại định kỳ và tổ chức hội nghị người lao động.
Đây là một trong những kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện Nghị định 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Khoản 3, Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở tại nơi làm việc được rút ra tại buổi tọa đàm do Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC của tỉnh tổ chức ngày 9-11.

121118c.jpg
Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn phát biểu tại buổi tọa đàm.

Tạo mối quan hệ lao động hài hòa
Xác định việc thực hiện Nghị định 60 của Chính phủ có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động, hạn chế tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể, phát huy quyền làm chủ của người lao động, những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt công tác dân vận, mở rộng dân chủ trên từng lĩnh vực.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Văn Cộng, trong 6 tháng của năm nay, toàn tỉnh ký được 210 bản thỏa ước lao động tập thể, nâng tổng số bản thỏa ước lao động tập thể hiện có là 1.062 bản/1.407 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn (đạt tỷ lệ 75,5%). Khoảng 50% các bản thỏa ước lao động tập thể có những điều, khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật lao động.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hồ Thanh Hồng cho biết, Nghị định 60 quy định: việc tổ chức hội nghị người lao động là trách nhiệm của người sử dụng lao động, còn tổ chức đại diện người lao động chỉ là phối hợp. Nhưng thời gian qua, những doanh nghiệp tổ chức được hội nghị người lao động là do có đội ngũ Công đoàn cơ sở nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm, chủ động đề xuất với người sử dụng lao động để tổ chức hội nghị người lao động. Do đó, hằng năm Liên đoàn Lao động tỉnh đều rất quan tâm tập huấn cho cán bộ Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp về kỹ năng tổ chức đối thoại, thương lượng tập thể và tổ chức hội nghị người lao động để thực hiện hiệu quả Nghị định 60.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Chang Shin Việt Nam Đặng Tuấn Tú bộc bạch, Chang Shin Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc, hiện nay có hơn 31 ngàn lao động. Qua việc thực hiện QCDC ở cơ sở, nhất là đối thoại giữa người sử dụng lao động với người lao động, các vướng mắc của công nhân được lắng nghe, giải quyết kịp thời tạo sự phấn khởi, thúc đẩy năng suất lao động của công nhân tăng cao, đem lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp. Kết quả, nếu như năm 2003 năng suất của Chang Shin Việt Nam mới đạt 30 ngàn đôi giày/tuần nay tăng lên 100 ngàn đôi giày/tuần.

Xây dựng kỹ năng cho cán bộ Công đoàn

Việc thực hiện Nghị định 60 của Chính phủ thời gian qua tuy đã đem lại kết quả đáng kể trong phát huy quyền làm chủ của công nhân, viên chức, lao động; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp nhưng vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế.

Các ý kiến tại buổi tọa đàm cho rằng, phần lớn người sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện QCDC, việc tổ chức hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc. Người lao động khi tham gia đối thoại và hội nghị người lao động còn mang tâm lý rụt rè, đa phần chỉ đề xuất quyền lợi của bản thân mà chưa đóng góp các giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Tại một số doanh nghiệp, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoạt động kiêm nhiệm, làm công, ăn lương của chủ nên chưa tích cực trong phối hợp tổ chức, triển khai các nội dung liên quan đến QCDC trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Việc triển khai QCDC cơ bản chỉ diễn ra ở những doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn, còn những doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn hầu như không triển khai QCDC theo quy định, cũng như chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật lao động, dẫn đến không quan tâm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng người lao động, dễ phát sinh tranh chấp lao động tập thể, đình công.

Bên cạnh đó, mức xử phạt hành chính đối với việc không thực hiện nghiêm QCDC cơ sở còn quá thấp so với chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra để tiến hành đối thoại hoặc tổ chức hội nghị người lao động nên không đủ sức răn đe (hiện nay mức xử phạt nội dung này chỉ từ 1-2 triệu đồng).

Nhằm phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế trong thực hiện Nghị định 60 của Chính phủ, theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Văn Cộng, đa số các doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh thời gian tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc 3 tháng/lần thành 6 tháng/lần hoặc bất kỳ theo yêu cầu của một bên. Vì 3 tháng/lần là khoảng thời gian quá ngắn, gây khó khăn cho doanh nghiệp về bố trí thời gian, công việc và nhân sự để thực hiện đối thoại. Tuy nhiên thực tế vẫn có những doanh nghiệp không cần đợi đối thoại theo định kỳ mà khi đơn vị phát sinh vấn đề nổi cộm, bức xúc, cần giải quyết ngay thì tổ chức đối thoại ngay.

Ông Cộng còn cho rằng, phải tăng mức xử phạt hành chính đối với hành vi không thực hiện QCDC cơ sở và không tổ chức hội nghị người lao động để đảm bảo tính thực thi đối với quy định pháp luật về QCDC cơ sở.

Ông Trương Tấn Sĩ, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Trảng Bom, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC huyện kiến nghị, hằng năm tỉnh nên mở các lớp bồi dưỡng về lý luận chính trị, kỹ năng phương pháp tuyên truyền vận động, đặc biệt bản lĩnh trong thương lượng, đàm phán ký kết thỏa ước lao động tập thể cho cán bộ Công đoàn, nhất là đội ngũ ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Đồng thời, tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp ngoài Nhà nước về thực hiện chế độ, chính sách và chấp hành pháp luật đối với người lao động, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động; tránh những bị động, phức tạp có thể xảy ra như vừa qua.
Toàn tỉnh hiện có 942/1.407 (67%) doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn đã xây dựng được quy chế dân chủ cơ sở; 787doanh nghiệp (56%) xây dựng quy chế đối thoại định kỳ theo quy định; 878 doanh nghiệp (62,4%) tổ chức được hội nghị người lao động. Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn phát biểu tại buổi tọa đàm. 
Phương Hằng
 

Tác giả: Phương Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây