Gìn giữ “báu vật” làng xã

Thứ ba - 30/10/2018 20:44
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Biên Hòa - Đồng Nai 320 năm hình thành và phát triển, là mảnh đất chứng kiến những cuộc giao tranh lịch sử, là nơi giao thoa của các vùng miền văn hóa. Ngay trong chính mảnh đất này đang chứa đựng một kho tàng thư tịch cổ quý giá, là tinh hoa, tâm huyết của bao thế hệ tiền nhân. Nhiều người từng ví von rằng, một trong những “báu vật” quý giá nhất của làng, xã, dòng họ chính là các đạo sắc phong xưa. Và lẽ đương nhiên, việc bảo tồn, phát huy những tinh hoa văn hóa ấy sẽ góp phần lưu giữ các giá trị truyền thống, hồn cốt dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.​

Nguồn tư liệu quý hiếm

Sắc phong là văn bản truyền mệnh lệnh của vua phong chức tước cho quan chức, khen thưởng những người có công hoặc phong thần và xếp hạng cho các vị thần được thờ trong các đình đền của người Việt. Dưới triều nhà Nguyễn, cơ bản có hai loại sắc phong: sắc phong nhân vật và sắc phong thần linh. Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Khắc Thuần, trong lịch sử Việt Nam có khoảng 13.069 đạo sắc phong. Sắc phong cung cấp những thông tin quý giá, bổ sung thêm lịch sử và là một nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu các tín ngưỡng văn hóa dân gian.

Riêng ở Đồng Nai hiện còn 37 đạo sắc phong lưu giữ tại các đình. Ở TP.Biên Hòa có 19 đạo sắc; TX. Long Khánh có 2 đạo sắc; các huyện: Long Thành (2 đạo sắc), Nhơn Trạch (4 đạo sắc), Vĩnh Cửu (9 đạo sắc) và Thống Nhất (1 đạo sắc). Trong đó, đạo sắc cổ xưa nhất đang được lưu giữ tại đình Bình Thiền vào đời Minh Mạng năm 1822 và đạo sắc đời Minh Mạng năm 1823, Thiệu Trị tam niên năm 1844 tại đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh…


Một trong 04 bản sắc thần lưu giữ tại di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (TP. Biên Hòa).

Hầu hết, các sắc phong đều làm bằng chất liệu giấy màu vàng, có in chìm hình rồng ẩn trong mây, xung quanh có khung hoa văn, viết bằng chữ Hán, từ phải qua trái, từ trên xuống dưới. Mặt sau sắc phong có vẽ quyển thư, hoa lá. Bên góc trái sắc phong có triện đỏ hình vuông dưới niên hiệu vua ban. Không chỉ là nguồn tư liệu ghi lại trung thực về tên, tuổi và công lao của một số nhân vật lịch sử mà sắc phong còn biểu thị sự tôn vinh của vương triều và cộng đồng cư dân với họ. Ngoài ra, qua sắc phong người ta có thể biết thêm những thông tin về hệ thống hành chính với những địa danh và đơn vị hành chính mang niên đại cụ thể.

Theo Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Lưu Văn Du, sở dĩ các sắc phong tồn tại được đến ngày nay, dù trải qua nhiều thế kỷ, chịu nhiều tác động của thiên nhiên và con người là do được viết trên chất liệu giấy sắc hay còn gọi là giấy Nghè. Đây là một loại giấy được sản xuất bằng kỹ thuật cổ truyền đặc biệt để chuyên cung cấp cho triều đình sử dụng. Loại giấy này quý trước hết là ở nguyên liệu dùng để vẽ lên bề mặt giấy là vàng, bạc và kim nhũ. Nhờ nguyên liệu này mà giấy sắc có hình thức và màu sắc đã đẹp lại bền, có thể tồn tại hàng trăm năm mà không hề hư hỏng.

Gìn giữ văn hóa dân tộc

Đồng Nai là mảnh đất sản sinh những người con ưu tú trên các lĩnh vực khác nhau. Theo ông Nguyễn Trung Cang (thành viên Ban Quý tế, người trông coi đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, TP. Biên Hòa), có được điều trên chính bởi người dân nơi đây luôn tâm niệm thực hiện theo lời dạy bảo, khuyên răn của các thế hệ đi trước thông qua các bức sắc phong cổ. Truyền thống tốt đẹp này được lưu giữ và truyền đạt qua nhiều thế hệ khác nhau. “Tôi mong rằng, thời gian tới các ngành chức năng quan tâm hơn và có biện pháp bảo vệ, giữ gìn những bức sắc phong này lâu dài. Từ đó, giúp người dân biết được ý nghĩa để hiểu tổ tiên ông bà ngày xưa căn dặn lại điều gì cho con cháu mọi người cùng thực hiện theo”, ông Cang nói.

Nguyễn Ngọc Bảo Trân, là đoàn viên thanh niên ở xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa cho biết, mỗi dịp đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh có đông du khách tham quan, em thường đến “phụ” giới thiệu, thuyết minh di tích. Nhắc đến sắc phong đang lưu giữ tại di tích, Bảo Trân chia sẻ: “Là một người của thế hệ sau, bản thân tôi nói riêng và những người con làng xã Hiệp Hòa nói chung luôn thành kính ngưỡng vọng các vị thần được vua ban sắc phong đi trước để lại. Chúng tôi sẽ cố gắng học tập, lao động, cống hiến sức mình cùng xây dựng quê hương giàu đẹp”.

Tiền nhân đã để lại cho nhiều thế hệ con cháu nguồn di sản văn hóa quý báu. Đó còn là những bài học ứng nhân xử thế, là lời nhắc nhở các bậc hậu sinh nghĩ về quá khứ, sống tốt cho hiện tại. Chúng là minh chứng cho bề dày trầm tích lịch sử, văn hóa truyền thống của vùng đất phương Nam. Những sắc phong quý giá tiếp tục được bảo tồn qua các dòng họ, làng, xã, nơi chúng được sinh ra, nhưng vẫn luôn chờ đợi các cuộc khám phá sâu rộng hơn của đội ngũ chuyên gia nghiên cứu. Để từ đó, có thêm nhiều phát kiến, giá trị mới sẽ được khơi mở, làm giàu thêm truyền thống tốt đẹp của quê hương Biên Hòa - Đồng Nai, xứng tầm với lịch sử 320 năm hình thành và phát triển. 

P.V

Tác giả: P.V

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây