Cần có tiếng nói chung trong việc giao dự toán BHYT

Thứ hai - 14/12/2020 08:38
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

​Trong 11 tháng của năm 2020, tổng số lượt khám, chữa bệnh nội trú, ngoại trú của 81 cơ sở y tế trong tỉnh là hơn 6,1 triệu lượt với chi phí gần 2,3 ngàn tỷ đồng, chiếm 96% dự toán cả năm.

11.12-H2 WEB C.jpg
Người dân đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai 
Có nhiều nguyên nhân lẫn khách quan và chủ quan dẫn đến việc các cơ sở y tế thực hiện vượt dự toán BHYT như: Số lượng bệnh nhân tăng, các cơ sở sử dụng nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao với chi phí lớn… 
Ngành Bảo hiểm nói gì?
Về nguyên nhân gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT do các cơ sở triển khai nhiều kỹ thuật mới, ông Phạm Minh Thành cho rằng, đó là lý giải chung của các cơ sở y tế. Còn khi các cơ sở triển khai dịch vụ kỹ thuật mới đều có văn bản gửi BHXH. BHXH sẽ tính toán và tăng chi phí dự toán BHYT cho các cơ sở. Mức tăng chủ yếu là chỉ định chụp chiếu lãng phí. Ví dụ, một người bình thường đi chơi thể thao có triệu chứng đau khớp vào khám bệnh, bác sĩ sẽ hỏi lý do vì sao đau, nếu người bệnh khai do chơi thể thao, về mặt y thuật, bác sĩ sẽ tư vấn do vận động quá sức và cho thuốc giảm đau, khuyên người bệnh nghỉ ngơi một thời gian thì chắc chắn hết nhưng một số cơ sở lại lạm dụng, chỉ định chụp phim, kết quả bệnh nhân không có bệnh gì. Khi BHXH giám định thì chỉ ra đây là những trường hợp chỉ định không cần thiết.
Ông Phạm Minh Thành cũng cho rằng, tình trạng các cơ sở y tế, nhất là các phòng khám tư nhân kê nhiều thuốc đắt tiền cho bệnh nhân cũng cần phải xem lại. Thuốc đắt tiền không hẳn đã đem lại hiệu quả điều trị cao mà phải là thuốc đúng liều lượng, đúng phác đồ, phù hợp với cơ địa của từng người, không nên kê thêm các loại thuốc bổ trợ gây lãng phí.
Ngành Y tế phản biện
11.12-H1 WEB C.jpg
Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh triển khai dịch vụ khám bệnh cho học sinh để có thêm nguồn thu
Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung thừa nhận, việc vượt dự toán quỹ BHYT hoặc gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT thời gian qua của nhiều cơ sở y tế trong tỉnh có nguyên nhân chủ quan đến từ các đơn vị. Một số đơn vị đã chỉ định quá mức cần thiết, cố tình kéo dài thời gian bệnh nhân nằm nội trú, cấp khống giấy nghỉ ốm cho công nhân để vừa có nguồn thu, vừa thu hút bệnh nhân. Sở Y tế cũng đã có cảnh báo để các đơn vị sử dụng có hiệu quả quỹ BHYT, không để xảy ra tình trạng lạm dụng, trục lợi từ quỹ.
Tuy nhiên, về cơ bản, giữa BHXH và ngành Y tế còn có nhiều khúc mắc và không thống nhất với nhau ở nhiều vấn đề. Lãnh đạo Sở Y tế bày tỏ, ngành Y tế đánh giá mức giao dự toán BHYT của Chính phủ 3 năm qua thấp hơn nhu cầu thực tế của các đơn vị. Theo tính toán của ngành Y tế, mỗi năm tỷ lệ bệnh nhân sẽ tăng từ 5-10%, cùng với đó là các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao tốn nhiều tiền, vật tư, hóa chất hơn nhưng dự toán BHYT mà Chính phủ giao năm sau lại thấp hơn mức thực chi của năm trước gây thiếu hụt quỹ, gây khó khăn cho hoạt động của các đơn vị.
“Các cơ sở y tế không thể hoạt động theo kiểu “lựa cơm gắp mắm” được. Bởi nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân đòi hỏi ngành Y tế phải không ngừng đổi mới, cải tiến, sử dụng các loại thuốc tốt, triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao nhằm đem lại lợi ích cho người bệnh, đảm bảo an toàn cho người bệnh và phát triển chuyên môn. Nhưng khi các cơ sở triển khai các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, kê thuốc đắt tiền cho người bệnh thì lại vượt quỹ và bị BHXH xuất toán. Việc thanh toán số tiền vượt quỹ khó khăn khiến các bệnh viện, phòng khám phải nợ tiền các đơn vị cung cấp thuốc men, vật tư, hóa chất, không có tiền để chi thu nhập tăng thêm cho bác sĩ, nhân viên. Nếu lương của một bác sĩ làm việc 5 năm chỉ khoảng hơn 4 triệu đồng, không có khoản thu nhập tăng thêm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tâm tư của họ. Do đó, xảy ra tình trạng nhiều bác sĩ sau khi lấy được chứng chỉ hành nghề đã sẵn sàng “dứt áo ra đi”, tìm nơi làm việc mới có thu nhập cao hơn, nhất là các bác sĩ có trình độ cao” – BS Trung cho hay.
Về nguyên nhân phía BHXH cho rằng các cơ sở y tế lạm dụng các chỉ định, xét nghiệm, lãnh đạo Sở Y tế cho rằng, việc này có nhưng không phải là tất cả. Bởi việc chỉ định làm một xét nghiệm tầm soát để khi bệnh nhân trở nặng có thể xử trí nhanh chóng thì không thể gọi là lạm dụng. Có những trường hợp, bác sĩ chỉ định xét nghiệm để loại trừ thì có thể cho kết quả âm tính hoặc dương tính. Nhưng kết quả âm tính cũng có ý nghĩa của nó bởi khi đó bác sĩ sẽ loại trừ một bệnh và nghĩ tới bệnh khác…
“Do quan điểm chuyên môn giữa ngành BHXH và ngành Y tế chưa thống nhất với nhau nên dễ xảy ra mâu thuẫn trong quá trình thẩm định và thanh toán BHYT. Chúng ta đã thử nhiều cơ chế, trước đây là khoán định suất, sau đó là giao dự toán theo thực chi nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Quan điểm của ngành Y tế là có thể đến một lúc nào đó, các cơ sở y tế sẽ phải tự chủ hết, mức viện phí phải tính đúng, tính đủ để đảm bảo hoạt động của đơn vị thì khúc mắc giữa 2 ngành mới giảm bớt được. Mặt khác, có lẽ cũng cần có một đơn vị giám định BHYT độc lập để đảm bảo tính khách quan cho các bên” – Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung đề xuất.
Rõ ràng cả 2 ngành Y tế và Bảo hiểm đều có những lý lẽ riêng của mình về việc giao dự toán và thực hiện quỹ BHYT. Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT và đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân, rất cần 2 ngành tìm được tiếng nói chung để mọi hoạt động được thông suốt, hiệu quả.
 
Việt Anh
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây