Xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi heo nông hộ: Vướng khâu tiêu thụ sản phẩm

Thứ năm - 07/06/2018 21:26
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

​Nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho chăn nuôi heo nông hộ, ý tưởng về một mô hình chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ đã được triển khai bước đầu trên địa bàn tỉnh.

Với ưu điểm sản xuất khép kín, giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất và đảm bảo khâu tiêu thụ đầu ra, đây được xem là giải pháp để “cứu” chăn nuôi nông hộ trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, đến nay mô hình chuỗi này vẫn chưa khởi động vì gặp vướng ở khâu khó nhất: tiêu thụ.

Chuỗi liên kết cho chăn nuôi nông hộ

Cuối năm 2017, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT), Hiệp hội Chăn nuôi Ðồng Nai (HHCN) đã có buổi làm việc với Công ty TNHH De Heus (Công ty De Heus, chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi nổi tiếng thế giới) để xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi heo dành cho người chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh.


 Việc cung cấp thức ăn chăn nuôi bằng silo sẽ giúp giảm chi phí cho người nuôi. Trong ảnh: Một trang trại chăn nuôi sử dụng công nghệ cung cấp thức ăn cho heo thông qua hệ thống silo.

Theo đề xuất của HHCN Ðồng Nai, trong chuỗi liên kết chăn nuôi heo sẽ được xây dựng, Công ty De Heus sẽ đóng vai trò là đơn vị cung cấp cám cho người nuôi nhằm giảm đi chi phí về thức ăn chăn nuôi, hạ giá thành sản xuất. HHCN Ðồng Nai sẽ là tổ chức có trách nhiệm khảo sát và tập hợp các hộ chăn nuôi có nguyện vọng tham gia để xây dựng chuỗi.

Tại buổi làm việc, Tổng giám đốc châu Á của Công ty De Heus, ông Gabor Fluit cho biết, nếu xây dựng được chuỗi liên kết, Công ty De Heus sẽ chịu trách nhiệm phân phối thức ăn đến người nuôi. Theo đó, ông đề nghị HHCN Ðồng Nai, Sở NN-PTNT khảo sát và lựa chọn các địa điểm để xây dựng các bồn chứa thức ăn (silo) để công ty có thể phân phối thức ăn trực tiếp cho người nuôi. Bởi, theo ông Gabor Fluit, hiện nay ngoài việc phải mua cám qua đại lý thì chi phí vận chuyển, bốc vác và bao bì là những yếu tố đẩy giá thành thức ăn khi đến tay người chăn nuôi tăng cao. Do đó để hạ giá thành, cách tốt nhất là hỗ trợ người chăn nuôi có thể mua cám trực tiếp từ công ty.

Ðể thực hiện việc cung cấp thức ăn chăn nuôi đến tận nông hộ, Công ty De Heus cũng cho biết sẽ xây dựng các silo theo hình thức doanh nghiệp chịu chi phí đầu tư ban đầu. Sau đó, số tiền xây dựng silo sẽ được cấn trừ dần vào giá cám. “Mỗi silo có giá khoảng 500 triệu đồng, như vậy nếu trừ dần vào các chi phí trên thì khoảng 2 - 2,5 năm là chúng tôi thu hồi vốn. Lúc đó, silo sẽ thuộc về người nuôi. Có silo, công ty mới có thể bán cám trực tiếp với giá gốc cho người chăn nuôi, qua đó giảm được giá thành cám”, ông Gabor Fluit cho biết.

Ngoài ra, Công ty De Heus cũng cam kết sẽ hỗ trợ người chăn nuôi chương trình phần mềm quản lý trại heo của công ty để giúp cho việc thực hiện kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc heo trong chuỗi. Ðồng thời, Công ty De Heus sẽ hỗ trợ nhằm cải thiện chất lượng con giống để nâng cao năng suất.

Chủ tịch HHCN Ðồng Nai Nguyễn Trí Công cho biết, việc hình thành chuỗi sẽ giúp người chăn nuôi nhỏ lẻ nâng cao sức cạnh tranh và đứng vững trong tình hình khó khăn của ngành chăn nuôi hiện nay. Theo ông Công, hai điểm yếu cố hữu của chăn nuôi nông hộ hiện nay là chi phí thức ăn quá cao và năng suất thấp. “Như heo nái, bình quân của thế giới hiện nay là mỗi heo nái sinh 28 con heo con mỗi năm, trong khi tại Việt Nam, con số này mới chỉ 18 con. Do đó, chỉ khi giải quyết được 2 vấn đề này, người chăn nuôi nhỏ lẻ mới có thể tồn tại”, ông Công cho hay.

Sớm làm rõ nghi vấn doanh nghiệp “bắt tay” đẩy giá heo hơi

Tại cuộc họp ngày 4-6 về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phải sớm làm rõ nghi vấn có xảy ra tình trạng các doanh nghiệp bắt tay nhau làm giá để đẩy giá heo hơi? Bên cạnh đó, phải rà soát lại các dự án nước ngoài đầu tư vào tỉnh trên lĩnh vực chăn nuôi, theo đăng ký là sản phẩm làm ra tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu để có dự báo thị trường chính xác và định hướng phát triển chăn nuôi phù hợp.

Vướng khâu đầu ra

Theo HHCN Ðồng Nai, sau buổi làm việc trên, việc triển khai công tác xây dựng chuỗi đã được tiến hành. Về phía Nhà nước, Sở NN- PTNT cũng đã đồng ý với chủ trương xây dựng chuỗi.

Ðối với HHCN Ðồng Nai, việc rà soát các hộ chăn nuôi cũng đã được thực hiện. “Hiện chúng tôi đã có danh sách các trang trại quy mô đàn từ 50 - 70 heo nái có đủ điều kiện tham gia vào chuỗi”, Chủ tịch HHCN Ðồng Nai cho hay.

Cũng theo lãnh đạo HHCN Ðồng Nai, những cam kết về việc xây dựng silo, cung cấp cám và hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi cũng đã được Công ty De Heus đồng ý thực hiện. Tuy nhiên, một vướng mắc chính khiến chuỗi liên kết này vẫn chưa thể khởi động chính là khâu đầu ra cho con heo trong chuỗi.

Ông Nguyễn Trí Công cho biết, theo kế hoạch xây dựng chuỗi, Công ty De Heus và HHCN Ðồng Nai sẽ đảm bảo khâu đầu ra cho sản phẩm của chuỗi. Thế nhưng, hiện phía Công ty De Heus vẫn chưa có thông tin chính thức về việc này. Theo ông Công, nếu phía Công ty De Heus chỉ tham gia vào chuỗi với vai trò bán cám thì không ổn. Ðể phát triển bền vững, HHCN Ðồng Nai muốn công ty phải cùng đảm nhận khâu tiêu thụ sản phẩm để tạo được sự an tâm cho các hộ tham gia chuỗi. “Trước mắt, chúng tôi cũng đã đề nghị Công ty De Heus đảm nhận tiêu thụ khoảng 30 - 40% sản lượng heo trong chuỗi. Về lâu dài, chúng tôi cũng đề nghị họ tham gia xây dựng lò mổ cùng HHCN để tạo được một chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ”, ông Công cho hay.

Diễn biến giá heo cho thấy sự cấp thiết phải xây dựng chuỗi

Theo Chủ tịch HHCN Đồng Nai, diễn biến giá heo thời gian qua cho thấy sự cấp thiết phải xây dựng chuỗi đối với chăn nuôi nông hộ. Theo đó, sau một thời gian dài “rớt giá”, giá heo đã tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên, thực tế chỉ có các công ty chăn nuôi lớn là được hưởng lợi từ sự tăng giá này. Bởi, do có chuỗi liên kết, các công ty đã đứng vững qua “cơn bão giá” và khi giá tăng thì có heo bán để thu lợi. Trong khi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ do khó khăn vì giá bán thấp kéo dài nên đã ngưng nuôi. Do đó, đến khi giá tăng thì không còn heo để bán. “Thực sự chỉ có xây dựng được chuỗi liên kết, chăn nuôi nông hộ mới có thể tồn tại trong bối cảnh hiện nay”, ông Công nhấn mạnh.

 

Lê Văn

Tác giả: Phạm Văn Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây