Đề phòng bệnh sởi bùng phát

Thứ ba - 12/03/2019 20:44
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

​Dù đã có dấu hiệu “dịu” đi, nhưng từ những tháng cuối năm 2018 đến nay, bệnh sởi vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, bệnh thường rơi vào những trẻ là con em công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp chưa được tiêm ngừa sởi.

Nhiều trẻ chưa được tiêm ngừa sởi

BS. Nguyễn Văn Trai, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Biên Hòa cho biết, năm nay, bệnh sởi có nhiều diễn biến khác so với mọi năm. Theo đó, cùng kỳ năm 2017, trên địa bàn TP. Biên Hòa không ghi nhận ca bệnh sởi nào. Những tháng cuối năm 2018 đến nay, bệnh sởi dù đang có chiều hướng “dịu” lại nhưng chưa thật bền vững. “Chúng tôi phải theo dõi ca bệnh hằng ngày. Vài tuần trở lại đây, số ca mắc bệnh đã giảm, chỉ vài ca/ngày. Nhưng do bệnh sởi lây lan nhanh nên nguy cơ sởi bùng phát trở lại luôn “chực chờ”. Chúng tôi phải giám sát chặt chẽ các ca bệnh”, BS. Trai chia sẻ.

Đáng chú ý, năm nay, bệnh sởi không chỉ mắc ở các trẻ nhỏ tuổi, ngay cả các trẻ từ 15 tuổi cũng bị mắc. Thống kê cho thấy, bệnh sởi chủ yếu xảy ra ở con công nhân tại các khu công nghiệp, chưa được tiêm vắc xin ngừa sởi. Suốt nhiều tháng qua, TP. Biên Hòa đã thực hiện điều tra, xuống khu dân cư tuyên truyền, vận động công nhân ở các khu nhà trọ đưa con đi tiêm vắc xin. Do công nhân thường đi làm theo ca, Trung tâm Y tế TP. Biên Hòa phải nhờ đến các trưởng khu phố để vận động công nhân đưa con em mình đi tiêm vắc xin. Trong đợt tiêm vét vừa qua, Trung tâm Y tế TP. Biên Hòa đã thành lập các điểm tiêm di động đến tận các nhà trẻ tư nhân, tự phát và trường mầm non để tiêm. “Tuy nhiên, một số phụ huynh vẫn không đồng ý tiêm phòng cho con mình”, BS. Trai nói.


 Nhiều người lớn cũng mắc sởi. Trong ảnh: Bệnh nhân đang điều trị sởi tại BVĐK Đồng Nai.

BS. Trai cũng thừa nhận, việc nhân viên y tế vào trực tiếp các công ty để tuyên truyền, hướng dẫn công nhân gặp rất nhiều khó khăn. Do đa phần thời gian của công nhân làm việc tại công ty, Trung tâm Y tế TP. Biên Hòa đã phối hợp với Liên đoàn Lao động TP. Biên Hòa vào các doanh nghiệp tuyên truyền nhưng không hiệu quả. Đến nay, số lượng trẻ tiêm vắc xin sởi vẫn chưa đạt 100%, TP. Biên Hòa vẫn đang tiếp tục thực hiện tiêm vét vắc xin ngừa sởi tại các trạm y tế.

Huyện Long Thành cũng là địa phương tập trung đông công nhân lao động với 4 khu công nghiệp, trên 60.000 công nhân sinh sống và làm việc. Trong đó các ca mắc bệnh sởi tập trung ở xã Tân An, An Phước, thị trấn Long Thành. Đây là địa bàn có sự di động dân số khó kiểm soát, số công nhân có con trong độ tuổi tiêm chủng cao. Trong hai tháng đầu năm nay, trên địa bàn huyện đã có 74 ca bệnh sởi, trong đó tháng 1 là 45 ca, tháng 2 là 29 ca. Các ca bệnh chủ yếu tập trung ở những trẻ sinh sống tại khu nhà trọ công nhân, trong đó, trẻ bị sởi trên 15 tuổi chiếm đến 38%.

Tiếp tục tiêm vét vắc xin ngừa sởi

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính từ tháng 1-2019 đến cuối tháng 2-2019, toàn tỉnh ghi nhận gần 720 ca mắc sởi phải nhập viện điều trị, trong đó có nhiều ca bệnh nặng. Những trường hợp mắc bệnh chủ yếu rơi vào số trẻ chưa được tiêm phòng sởi. Đáng chú ý, nhiều trường hợp người lớn cũng bị mắc sởi (trẻ trên 15 tuổi chiếm 22%). Trong khi cùng kỳ năm trước, toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp nào mắc sởi.

TS.BS. Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết, Đồng Nai là địa phương có tỷ lệ trẻ em tiêm chủng ngừa cao, trên 95%. Tuy nhiên, từ tháng 7-2018, trên địa bàn tỉnh đã manh nha bùng phát bệnh sởi, biểu hiện là chỉ trong thời gian rất ngắn trong tỉnh đã có vài trăm ca mắc sởi (2 tháng ghi nhận gần 720 ca mắc).

Ngành Y tế Đồng Nai đã tiến hành điều tra, đi thực tế nhằm tìm nguyên nhân bệnh sởi gia tăng nhanh trong thời gian qua. Kết quả thực tế cho thấy, Đồng Nai là địa phương có nhiều khu công nghiệp, số lượng lao động nhập cư đông, trong khi đa số trẻ là con em công nhân chưa được tiêm chủng ngừa sởi. “Hiện ngành Y tế Đồng Nai vẫn chưa có cách để quản lý hiệu quả số trẻ em này. Nguyên nhân là trẻ không lưu trú lâu dài tại địa phương mà chỉ ở vài tuần hoặc vài tháng lại di chuyển đến nơi khác”, BS. Vũ nói.

BS. Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh cho hay, trong tháng 2-2019, toàn tỉnh có 275 ca bệnh sởi. So với tháng 12-2018 (trên 500 ca), bệnh sởi có giảm. Tuy nhiên trong tháng 3 này, bệnh sởi có thể sẽ tăng cao hơn. Hiện nay, Trung tâm y tế các huyện, bệnh viện phải báo cáo ca bệnh hằng ngày. Ngoài ra, ngành Y tế vẫn đang thực hiện chiến dịch tiêm vét vắc xin ngừa sởi. Các trạm y tế phải thực hiện tiêm vét cho các trẻ trong độ tuổi,  tập trung ở các địa bàn có nhiều ổ dịch.

“Thời điểm này, bệnh sởi đang tương đối ổn định, mỗi ngày chỉ ghi nhận vài ca bệnh. Trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây đang ở giai đoạn bệnh sởi tăng cao. Nhiều tỉnh đang khó khăn trong việc triển khai tiêm vét vắc xin ngừa sởi do không đủ vắc xin Đồng Nai là tỉnh đầu tiên tổ chức tiêm vét và tiêm bổ sung cho trẻ 1 - 5 tuổi.”, BS. Bình cho biết.

Tiên phong tiêm vét vắc xin ngừa sởi

TS.BS. Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu ngành Y tế tỉnh phối hợp với Ban quản lý khu công nghiệp tuyên truyền cho công nhân, vận động họ đưa con đi tiêm vắc xin, cả vắc xin ngừa sởi lẫn ComBE Five. Tuy nhiên, số trẻ là con em công nhân trên địa bàn tỉnh, ngành Y tế không thể quản lý được do biến động thường xuyên. Đồng Nai là tỉnh có số ca mắc bệnh sởi sớm nên ngành Y tế đã tổ chức dập dịch, tiêm vét vắc xin ngừa sởi sớm. Do đó, bệnh sởi đang có xu hướng giảm dù các tỉnh lân cận đang có dịch bùng phát. Nhờ việc phòng chống dịch tốt, hệ điều trị cũng giảm bớt áp lực.

Khánh Ngọc

Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây