Tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực Y tế, Giáo dục

Thứ ba - 13/09/2022 14:52
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Trải qua hơn 2 năm đại dịch Covid-19, không chỉ riêng ngành Y tế mà các ngành Giáo dục đang gặp phải rất nhiều khó khăn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm hỏi nhân viên y tế, bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm hỏi nhân viên y tế, bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Thiếu nhân lực

Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Lê Quang Trung cho hay, ngành Y tế Đồng Nai hiện gặp phải 3 khó khăn chính. Khó khăn lớn nhất là thiếu nhân lực do nhân viên y tế tại các bệnh viện công lập nghỉ việc nhiều do thu nhập thấp, áp lực cao, đa số là những người có trình độ cao. Công tác đào tạo nhân lực y tế tại Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai không đạt chỉ tiêu đề ra.
Sở Y tế đang trình lãnh đạo tỉnh đề án về nâng cao thu nhập cho nhân viên y tế nhằm san sẻ phần nào khó khăn cho nhân viên y tế.

Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ tại các bệnh viện, cơ sở y tế, trạm y tế khó khăn vì nhiều người dù giỏi chuyên môn nhưng không đáp ứng đủ các điều kiện về trình độ chính trị, quốc phòng…gây ít nhiều khó khăn cho cơ sở.

Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Trương Thị Kim Huệ thì cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 27,8 ngàn người đang làm việc tại các cơ sở giáo dục. Ngành GD-ĐT đang tiếp tục tuyển dụng hơn 1,7 ngàn chỉ tiêu. Hiện, định mức số lượng người làm việc được giao thiếu so với định biên là hơn 1,5 ngàn người dẫn đến áp lực của giáo viên tăng cao do phải thực hiện thêm nhiều nhiệm vụ, nhất là đối với bậc mầm non.

Qua thống kê từ năm 2020 đến hết tháng 6-2022, toàn tỉnh có hơn 1,1 ngàn viên chức (gồm giáo viên và nhân viên) nghỉ việc, riêng từ đầu năm 2022 đến nay là 324 viên chức. Viên chức nghỉ việc nhiều nhất ở bậc mầm non, tiếp đến là tiểu học, THCS và THPT.

Những nguyên nhân khiến viên chức ngành GD-ĐT nghỉ việc là do bệnh, nghỉ theo tinh giản biên chế và các lý do cá nhân, gia đình.
 
Mặc dù HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ và triển khai thực hiện hiệu quả nhưng đến nay, thu nhập của giáo viên, nhân viên ngành giáo dục còn thấp, đặc biệt là ở cấp học mầm non. Hơn nữa, Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, lương công nhân nhà máy, xí nghiệp cao nên nhiều giáo viên trẻ chưa có nhiều thời gian gắn bó với nghề đã thay đổi nghề…

Ngành Giáo dục Đồng Nai hiện còn thiếu khoảng 2 ngàn biên chế. Do đó, kiến nghị Chính phủ giao đủ biên chế theo định biên. Sớm ban hành chính sách tiền lương để phần nào đảm bảo đời sống cho giáo viên, nhân viên ngành giáo dục.

“Năm học này, toàn tỉnh tăng lên 20 ngàn học sinh, nếu tinh giản biên chế nữa sẽ gây áp lực rất lớn cho cán bộ, giáo viên. Do đó, kiến nghị Chính phủ không thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 19 đối với ngành giáo dục” - Bà Trương Thị Kim Huệ đề xuất.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm con công nhân đang học tại Trường mầm non Thái Quang (TP.Biên Hòa).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm con công nhân đang học tại Trường mầm non Thái Quang (TP.Biên Hòa).

Sáng tạo, mạnh dạn triển khai các giải pháp

Tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, y tế và giáo dục là 2 vấn đề quan trọng, liên quan đến mọi người, mọi nhà nên được toàn dân quan tâm. Để hài hòa giữa mong muốn của người dân và khả năng của địa phương, lãnh đạo tỉnh và các Sở, ngành cần phải có cách làm sáng tạo, linh hoạt.

Phó Thủ tướng đánh giá rất cao kết quả công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Đồng Nai thời gian qua và đề nghị tỉnh tiếp tục triển khai tốt hơn nữa công tác tiêm vaccine phòng Covid-19, nhất là với trẻ em. Rà soát lại hệ thống máy móc, trang thiết bị, thuốc men hậu Covid-19 để sử dụng hợp lý, không để lãng phí, nỗ lực phục hồi sau đại dịch.

Ngoài ra, cần củng cố lại toàn bộ hệ thống y tế dự phòng, bố trí, phân bổ lực lượng cho phù hợp. Quán triệt đầy đủ thực chất các văn bản trước đây về y tế cơ sở. Y tế cơ sở là thuộc Trung tâm y tế huyện, y tế xã không còn là một cấp riêng nữa mà là cánh tay nối dài của y tế huyện. Thực hiện ngiêm túc, hiệu quả việc luân chuyển cán bộ, y, bác sĩ từ xã lên huyện, từ huyện về xã để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ. Khẩn trương xây dựng các gói dịch vụ ở trạm y tế cấp cơ sở được làm; các gói mà nhân lực y tế xã phải đủ trình độ làm; gói dịch vụ y tế dự phòng mà theo quy định BHYT không thanh toán mà ngân sách thanh toán.

Đặc biệt, khẩn trương xây dựng gói quản lý và theo dõi sức khỏe của mọi người dân trên địa bàn. Y tế xã là gần dân nhất, hiểu dân nhất, phải giao trách nhiệm hệ thống y tế cơ sở từ tuyến huyện trở xuống và y tế trong khu công nghiệp quản lý được sức khỏe của từng người dân, từng công nhân lao động. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, phải làm triệt để.
 
Ngành Y tế và Giáo dục cần phối hợp quan tâm đến y tế học đường, tăng cường các hoạt động liên quan đến tư vấn tâm lý học đường.
Muốn thu nhập của nhân viên y tế ổn định phải tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế, tăng mệnh giá BHYT. Tỉnh cần có cơ chế đặt hàng đào tạo nhân lực y tế để có nguồn nhân lực dự phòng.

Về lĩnh vực Giáo dục, tỉnh cần vận dụng sáng tạo để giải quyết khó khăn về thiếu biên chế và thu nhập của giáo viên. Bằng mọi hình thức để huy động sự tham gia của xã hội vào công tác giáo dục. Nên triển khai thí điểm một số trường có điều kiện được phép thu học phí cao hơn để có tiền tăng thu nhập cho giáo viên, giúp giáo viên an tâm công tác.

Ngoài ra, tỉnh nên nghiên cứu phương án chuyển đổi một số trường công lập, cho phép tư nhân tham gia đầu tư, phát triển nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ trường công lập, tư thục, có sự hỗ trợ của nhà nước, có điều tiết về học phí sao cho con em của công nhân lao động bình thường vẫn có thể đi học được. Từ đó giải quyết được vấn đề thu nhập cho giáo viên, vừa giải quyết vấn đề thiếu biên chế giáo dục.

Tác giả: Bảo Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây