Đã từ lâu, Đồng Nai được coi là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp mạnh của khu vực và đất nước. Đồng Nai cùng với TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu tạo nên khu vực phát triển sôi động, thu hút đầu tư lớn, tạo việc làm cho hàng triệu lao động.
Trong xu thế mới, Đồng Nai đang hướng tới sự phát triển bền vững với việc tạo điều kiện, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) tư nhân phát triển, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tìm kiếm những mô hình tăng trưởng mới.

Cơ khí, chế tạo là một trong những lĩnh vực công nghiệp chủ chốt của Đồng Nai
Cơ khí, chế tạo là một trong những lĩnh vực công nghiệp chủ chốt của Đồng Nai
Cực phát triển quan trọng của đất nước
Trên lĩnh vực phát triển công nghiệp, địa phương phát triển được 32 khu công nghiệp (KCN) trong đó có 31 khu đã đi vào hoạt động. Khi nguồn quỹ đất để thu hút đầu tư ngày càng được lấp đầy, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch cho Đồng Nai bổ sung thêm 7 KCN. Hiện các khu này đang được thực hiện các thủ tục pháp lý, kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng để bổ sung vào quỹ đất cho thuê thêm hàng ngàn ha, đáp ứng nhu cầu phát triển. Đã có 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai với 1,8 ngàn dự án có tổng vốn đăng ký hơn 33 tỷ USD.
Song song đó, gần đây, việc thu hút DN đầu tư vào khu vực nông nghiệp nông thôn với những nhà máy, xí nghiệp chế biến nông sản và các dự án tận dụng nguồn lao động tại địa phương cũng đã góp phần tạo điều kiện cho các huyện vùng núi, vùng nông thôn phát triển. Nhiều khu, cụm công nghiệp cũng dần dịch chuyển về khu vực nông thôn, tạo động lực mới cho phát triển của khu vực. Từ những nỗ lực của cộng đồng DN, kinh tế Đồng Nai phát triển nhanh về quy mô kinh tế và luôn ở tốp đầu cả nước. Tính đến cuối năm 2021, quy mô GRDP toàn tỉnh đạt hơn 214,3 ngàn tỷ đồng (giá so sánh 2010), thu nhập bình quân đầu người hiện ở mức hơn 5,1 ngàn USD/năm, xếp vào hạng cao của cả nước.
Tìm kiếm mô hình phát triển mới
Trong xu thế phát triển chung, Đồng Nai hướng tới phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh, thân thiện môi trường. Chuyển hướng thu hút đầu tư, thay đổi từ lượng sang chất, có sự chọn lọc mạnh mẽ. Theo đó, mục tiêu của Đồng Nai là thu hút các dự án có chất lượng cao nên sẽ có chọn lọc kỹ lưỡng, điều này có thể ảnh hưởng đến dòng vốn vào tỉnh nhưng về lâu dài sẽ đảm bảo cho phát triển kinh tế bền vững hướng đến nền kinh tế xanh.
Chia sẻ tại hội nghị gặp gỡ cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh tổ chức vào tháng 7 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng thước đo đánh giá sự thành công của địa phương hiện nay là sự lớn mạnh của cộng đồng DN. Đối với Đồng Nai, tương lai của sự phát triển là đang hướng tới là phát triển theo chiều sâu, công nghệ cao, chính vì vậy, DN cũng phải đồng lòng cùng chính quyền, phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư theo chuẩn mực mới. Sự hợp tác, tương tác giữa chính quyền và DN thể hiện ở chỗ tháo gỡ khó khăn của DN, tiêu cực, nhũng nhiễu phải được xử lý.
Cùng quan điểm trên, khi về làm việc với tỉnh vào đầu tháng 8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận định với vị thế của mình, trong thời gian tới Đồng Nai cũng phải tìm kiếm cho mình động lực tăng trưởng mới. Theo đó, xác định tầm nhìn mới, khát vọng mới trong điều kiện khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phát triển nhanh, mạnh như hiện nay. Chủ tịch nước nhấn mạnh Đồng Nai phải là nơi đáng làm, đáng sống, đáng ở. Không chỉ phát triển cho riêng mình mà Đồng Nai còn phải trở thành cực lan tỏa cho sự phát triển cho các địa phương lân cận.