Nỗ lực phục hồi hoạt động xe buýt sau đại dịch

Thứ bảy - 10/09/2022 10:28
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Trong suốt thời gian dài do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến tình hình hoạt động xe buýt ở Đồng Nai gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ngay sau khi tình hình dịch cơ bản được kiểm soát, tỉnh nhà đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm sớm khôi phục lại hoạt động xe buýt trên địa bàn tỉnh.

Các tuyến xe buýt tại Trạm xe Big C (ngã tư Vũng Tàu, TP.Biên Hòa) đã hoạt động ổn định trở lại sau một thời gian dài tạm ngưng vì dịch Covid-19
Các tuyến xe buýt tại Trạm xe Big C (ngã tư Vũng Tàu, TP.Biên Hòa) đã hoạt động ổn định trở lại sau một thời gian dài tạm ngưng vì dịch Covid-19

Đến nay, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại Đồng Nai đã mang lại những tín hiệu phục hồi tích cực khi nhu cầu sử dụng xe buýt của người dân có xu hướng tăng. Hiện lượng hành khách đi lại đã đạt 60 - 70%.

Qua rồi giai đoạn khó khăn

Trong thời gian xảy ra đại dịch, ông Thái Văn Trung (chủ xe buýt số 10, tuyến từ Trạm xe buýt Big C ngã tư Vũng Tàu đi bến xe Xuân Lộc) đã gặp rất nhiều khó khăn, bởi chiếc xe buýt dùng làm phương tiện “kiếm cơm” hàng ngày của gia đình phải tạm ngưng hoạt động trong 6 tháng, không có doanh thu, cuộc sống khá chật vật. Đã vậy, khi tình hình dịch được kiểm soát, vận tải buýt được phép hoạt động trở lại thì ông phải bỏ ra khoản tiền lớn để tu sửa phương tiện, như: thay bình, lắp đặt camera giám sát hình ảnh trên xe theo quy định. “Giá xăng, dầu lúc bây giờ tăng cao, trong khi lượng hành khách quay trở lại đi xe công cộng còn thấp, nhưng tôi vẫn phải chấp nhận bù lỗ trong 2 tháng đầu để tiếp tục duy trì hoạt động” - ông Trung nhớ lại.

Tuy nhiên, ông Trung chia sẻ tín hiệu vui là nhu cầu sử dụng xe buýt của người dân hiện đã có xu hướng tăng dần trong những tháng gần đây. Hiện ông chạy xe mỗi ngày được 4 chuyến và lượng khách đạt khoảng 50 - 60% so với lúc chưa có dịch. “Ví dụ hồi trước mình chạy mỗi ngày kiếm được 1 triệu đồng thì giờ được 500 - 600 ngàn đồng”- ông Trung tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy (Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển vận tải Vĩnh Phú, TP.Biên Hòa) cho hay, trước đây, công ty quản lý 4 tuyến xe buýt, gồm: 603, 5, 7 và 8; trong đó, 2 tuyến: 7 và 8 được trợ giá ngân sách của nhà nước. Công ty cũng gặp nhiều khó khăn trong thời gian dài dịch bệnh tác động. Trong đó, phương tiện sau thời gian ngừng hoạt động do giãn cách xã hội nên bị hư hỏng, xuống cấp. Để hoạt động trở lại, đơn vị phải bỏ ra một khoản chi phí lớn để sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, đăng kiểm và lắp đặt camera theo quy định.

Hiện công ty đã cho ngưng tuyến xe số 603 vì hoạt động không hiệu quả, còn 3 tuyến xe: 5, 7 và 8 vẫn tiếp tục duy trì hoạt động bình thường. Thời gian đầu hành khách đi xe công cộng còn rất ít, nhưng từ tháng 4-2022 đến nay thì người dân đã bắt đầu chuyển xe cá nhân sang xe buýt ngày càng tăng. “Mặc dù chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian dịch bệnh nhưng chúng tôi vẫn cố gắng tìm mọi cách để vượt qua. Hiện hoạt động xe buýt đã dần phục hồi trở lại, lượng hành khách đi tuyến xe số 5 đạt trên 50%, còn lượng hành khách đi 2 tuyến: 7 và 8 đạt từ 80 - 90%” - bà Thủy cho hay.

Phục hồi và phát triển

Đại diện Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở GT-VT) cho biết, trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19, trên địa bàn tỉnh có 21 tuyến xe buýt đang hoạt động; trong đó có 5 tuyến được trợ giá. Bắt đầu từ tháng 7-2021 các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh phải tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đến tháng 2-2022, các tuyến xe buýt hoạt động trở lại.

Cơ bản các tuyến xe buýt hoạt động trở lại đều đạt 100% điều độ nhưng sản lượng vận chuyển hành khách vẫn còn thấp hơn so với thời điểm trước dịch. Hiện bình quân mỗi ngày có 900 chuyến xe hoạt động và vận chuyển 15.000 lượt hành khách. Sản lượng vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt 8 tháng năm 2022 là 3,7 triệu lượt hành khách, đạt khoảng 60 - 70% so với kế hoạch.

Theo Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng, việc sản lượng vận chuyển hành khách chưa đạt 100% là do các tuyến xe buýt hoạt động trở lại sau dịch đã gặp một số khó khăn, như: lượng khách quay trở lại đi xe buýt tương đối thấp, do tâm lý người dân vẫn còn e ngại dịch bệnh nên hạn chế di chuyển đến nơi đông người. Bên cạnh đó chỉ có một số ít các tuyến xe buýt hoạt động nên khó khăn cho hành khách trong việc kết nối, đấu nối các tuyến xe buýt để di chuyển đến nơi cần đi, nên họ đã lựa chọn phương tiện cá nhân để thuận tiện hơn. Một lý do nữa mà hành khách chưa lựa chọn xe buýt để đi lại trong thời điểm này là do tần suất hoạt động xe buýt còn thấp nên thời gian chờ đợi của hành khách lâu hơn.

Bên cạnh đó, các khoản chi phí mà các chủ phương tiện bỏ ra khi đưa xe hoạt động trở lại là tương đối lớn và cao hơn so với trước đây, như: giá nhiên liệu biến động tăng, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện để hoạt động trở lại sau thời gian nghỉ dài, chi phí lắp camera giám sát trên xe... Do vậy, một số đơn vị đã không có khả năng phục hồi nên đành phải ngưng hoạt động. Hiện trên địa bàn tỉnh chỉ còn 16 tuyến đang hoạt động trở lại (trong đó có 5 tuyến được trợ giá).

Ông Phan Hồng Quang, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện (Sở GT-VT) cho biết, trong thời gian qua, Sở và Trung tâm luôn đồng hành, hỗ trợ và hướng dẫn các đơn vị vận tải trong việc xây dựng phương án hoạt động các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh sao cho linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị cũng như nhu cầu đi lại của hành khách để từng bước phục hồi hoạt động các tuyến xe buýt sau dịch Covid-19. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị vận tải chú trọng công tác bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện trong tình hình chưa có điều kiện đầu tư thay đổi, nâng cao chất lượng phương tiện do ảnh hưởng của dịch bệnh và thực hiện tốt các tiêu chí “tuyến xe buýt nâng cao chất lượng” đặc biệt là tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, thái độ phục vụ của đội ngũ lái xe, tiếp viên để thu hút nhu cầu đi lại bằng xe buýt của người dân.

Trong thời gian tới, Phòng tiếp tục tham mưu lãnh đạo Sở GT-VT triển khai nhiều giải pháp để hoạt động xe buýt ngày càng tốt hơn. Cụ thể, Sở hiện đang tổ chức mời gọi các đơn vị vận tải đăng ký khai thác trở lại tuyến xe buýt nội tỉnh số: 4, 9, 14, 19, 21, 24 và đăng ký mở mới các tuyến xe buýt theo danh mục mạng lưới tuyến xe buýt đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời phối hợp với Sở GT-VT TP.Hồ Chí Minh trong việc tổ chức lựa chọn đơn vị vận tải để hoạt động trở lại 3 tuyến xe buýt: 601 (bến xe Biên Hòa - bến xe Miền Tây), 603 (KCN Nhơn Trạch - bến xe Miền Đông), 605 (bến xe Biên Hòa - bến xe An Sương) và mở mới tuyến xe buýt 607 (bến xe Biên Hòa - bến xe Tân Phú).

“Phòng sẽ tiếp tục tham mưu lãnh đạo Sở GT-VT trình UBND tỉnh chương trình nâng cao chất lượng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh tới năm 2025, trong đó thực hiện các cơ chế hỗ trợ về đầu tư, nâng cao chất lượng phương tiện và các cơ chế, chính sách khác để hoạt động xe buýt ngày càng hiệu quả hơn” - ông Quang chia sẻ.

Tác giả: Nhân Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây