Chương trình OCOP khó đạt mục tiêu năm 2022

Thứ sáu - 09/09/2022 10:56
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cao Tiến Sỹ, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng, an toàn của sản phẩm. Câu chuyện sản phẩm OCOP, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến vật chất mà giá trị tinh thần cũng rất quan trọng; đem ly rượu ra đãi bạn phải có câu chuyện về sản phẩm; chủ cơ sở nên quảng bá, giới thiệu câu chuyện về sản phẩm của mình để người tiêu dùng có thể tiếp cận ngay chứ không phải tìm mới ra, thậm chí phải in cả tiếng anh, tiếng Việt đi kèm sản phẩm để người tiêu dùng tiếp cận được ngay.
Trong đợt 1 thẩm định, đánh giá Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022, toàn tỉnh chỉ có 4 địa phương với 11 sản phẩm OCOP được công nhận, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ mọi năm cũng như so với kế hoạch đặt ra.

Sản phẩm OCOP của tỉnh được trưng bày tại Khu trưng bày sản phẩm OCOP, nông sản tại trụ sở Hội Nông dân tỉnh. Ảnh: B.Nguyên
Sản phẩm OCOP của tỉnh được trưng bày tại Khu trưng bày sản phẩm OCOP, nông sản tại trụ sở Hội Nông dân tỉnh. Ảnh: B.Nguyên

Khó khăn khiến một số hộ sản xuất có quy mô nhỏ lẻ có các sản phẩm nhưng vẫn chưa đủ điều kiện để đưa vào danh sách đánh giá, công nhận do vướng một số ràng buộc, quy định về mặt thủ tục, hồ sơ của chương trình.

Ít địa phương có sản phẩm mới
 
Theo báo cáo của Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng OCOP cấp tỉnh, trong đợt 1 năm 2022, đơn vị đã họp để thẩm định hồ sơ sản phẩm và chấm điểm 22 sản phẩm của 11 chủ thể của 6/11 huyện, thành phố đề nghị cấp tỉnh đánh giá, phân hạng. Trong đó, có 1 sản phẩm đánh giá nâng hạng sao và 1 sản phẩm đánh giá, phân hạng lại do hết hiệu lực. Kết quả, chỉ có 11 hồ sơ của 8 chủ thể thuộc 4 huyện, thành phố đủ điều được công nhận sao OCOP. Trong đó, có 5 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Đặc biệt, H.Vĩnh Cửu có 6/11 sản phẩm đạt OCOP với 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao.

Nguyên nhân các sản phẩm còn lại chưa đạt sao chủ yếu do có một số chỉ tiêu chưa đạt như: yêu cầu hoàn thiện về thủ tục môi trường do UBND huyện/phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện cấp; giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa hết hiệu lực… Đối với các sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao, để được nâng sao, các chủ thể cần tiếp tục xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP theo hướng gắn kết, liên kết tiêu thụ, xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh, hướng đến xuất khẩu. Cần nâng cao tính chủ động, sáng tạo, quan tâm đến chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu... để nâng cao giá trị sản phẩm, duy trì và nâng chất, thăng hạng sao đối với các sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP.

Nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ
 
Đại diện Phòng Nông nghiệp H. Định Quán phản ánh, thời gian qua, việc một số chủ thể là hộ gia đình, cá thể quy mô nhỏ gặp khó khăn trong đăng ký tham gia Chương trình OCOP như: yêu cầu cơ sở sản xuất phải nằm trên đất thương mại, dịch vụ trong khi đa số các chủ thể này ở các vùng nông thôn; trong việc xin thủ tục về đủ điều kiện an toàn thực phẩm cũng như điều kiện về môi trường cũng khó thực hiện. Địa phương kiến nghị tỉnh nên có cơ chế riêng đặc thù hỗ trợ cho các chủ thể tham gia chương trình OCOP để nâng cao giá trị sản phẩm địa phương.

Cùng quan điểm, ông Lê Minh Hân, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NN-PTNT tỉnh) cho biết, số sản phẩm được công nhận sao OCOP năm 2022 còn thấp do một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, điều kiện để đạt sản phẩm OCOP, chủ thể phải có giấy chứng nhận cơ sở an toàn thực phẩm trong đó có yêu cầu không được sản xuất tại trụ sở. Để xây dựng được cơ sở sản xuất cần rất nhiều thủ tục, giấy phép con mà các cơ sở sản xuất tại nông thôn rất khó đáp ứng.

Tại hội nghị thẩm định, đánh giá Chương trình OCOP năm 2022, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhận xét, hội nghị thẩm định, đánh giá Chương trình OCOP năm 2022, số sản phẩm đạt OCOP vẫn còn ít so với mục tiêu, kế hoạch tỉnh đặt ra. Trong đó có nguyên nhân nhiều sản phẩm đăng ký nhưng chưa đủ điều kiện để được đánh giá. Ở đây có vai trò, trách nhiệm của địa phương cũng như các sở, ngành liên quan trong hỗ trợ cho các chủ thể thực hiện; nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tập huấn để các chủ thể tích cực tham gia đồng thời có thể chủ động từ khâu làm hồ sơ đến hoàn thiện quy trình sản xuất đạt chuẩn OCOP có ý nghĩa quan trọng.

Tác giả: Phan Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây