Nhu cầu tuyển dụng lao động giảm

Thứ bảy - 17/09/2022 14:49
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Trong quý III-2022, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh gần như chững lại do phần lớn các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn về đơn hàng, khiến nhu cầu tuyển dụng giảm mạnh.

Ít lao động tham gia tuyển dụng lao động
Ít lao động tham gia tuyển dụng lao động

Ít DN tham gia tuyển dụng tại sàn

Nếu như đầu năm 2022, các DN liên tục tuyển dụng lao động phổ thông để đáp ứng nhân lực nhằm phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19 thì nay thị trường lao động không còn sôi động như trước. Hầu như các sàn giao dịch việc làm gần đây đều vắng cả đơn vị tuyển dụng và người lao động (NLĐ) đến tìm việc. Một số ngành cần đông lao động như may mặc, giày da cũng không còn treo bảng tuyển dụng liên tục mà thay vào đó, thu hẹp sản xuất để đợi đơn hàng trở lại trong những tháng cuối năm.

Phó chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) Đoàn Thị Kim Loan cho biết, đầu năm 2022, DN liên tục thông báo tuyển dụng khoảng 3 ngàn lao động phổ thông phục vụ sản xuất giày da. Tuy nhiên, bước sang quý II và III, việc tuyển dụng phải dừng lại vì đơn hàng của DN giảm mạnh. Để duy trì việc làm cho trên 42 ngàn lao động, công ty phải sắp xếp cho NLĐ nghỉ phép ngày thứ bảy hàng tuần và giảm tăng ca. “Năm nay, các DN giày da đều mong việc sản xuất, kinh doanh khởi sắc hơn sau đại dịch. Tuy nhiên, ảnh hưởng của thị trường thế giới đã làm cho các DN khó khăn về đơn hàng. Hy vọng cuối năm đơn hàng dồi dào thì việc tuyển dụng sẽ khả quan hơn” - bà Loan nói.

Tương tự, các DN ngành gỗ cũng không còn tuyển dụng lao động phổ thông ồ ạt như trước. Nhiều DN ngành gỗ cho biết, tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đơn hàng xuất khẩu. Một số DN đã bị trả hàng về, còn phần lớn DN thì bị cắt giảm đơn hàng. Kéo theo đó, NLĐ thiếu việc làm, không còn được tăng ca, thu nhập sẽ bị giảm sút. Một số DN đang phải thu hẹp sản xuất, giảm lao động, cho công nhân nghỉ không lương vì đơn hàng không có.

Cụ thể như Công ty TNHH San lim furniture Việt Nam (H.Trảng Bom), từ cuối năm 2021, DN này thường xuyên tuyển dụng lao động phổ thông để phục vụ cho những đơn hàng đã ký kết đến năm 2022. Tuy nhiên, từ tháng 5 đến nay, đơn hàng giảm, hàng làm không xuất được buộc công ty ngừng tuyển lao động và thu hẹp sản xuất. Hiện một số lao động đang làm việc tại đây đang phải nghỉ việc không lương, đợi DN có đơn hàng mới đi làm trở lại.

Phát triển thị trường lao động linh hoạt

Trong 8 tháng của năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai đã tổ chức 13 phiên giao dịch việc làm với 276 lượt DN tham gia tuyển dụng. Theo đó, có trên 53 ngàn lao động được tư vấn việc làm và trên 2,2 ngàn lao động được tuyển dụng. Ngoài ra, trung tâm phối hợp giới thiệu việc làm cho gần 7 ngàn lượt lao động tại các DN; đồng thời, phối hợp các tỉnh hỗ trợ DN đưa NLĐ về làm việc tại Đồng Nai. Song thời điểm này, các DN đều hạn chế tuyển dụng nên việc giới thiệu việc làm cho NLĐ gặp khó khăn. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức 4 sàn giao dịch việc làm để kết nối việc làm cho DN và NLĐ.

Tại các công ty giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh, hiện bình quân mỗi ngày các đơn vị tiếp nhận khoảng 50 hồ sơ tìm việc. Trong đó, phần đông là lao động phổ thông, sinh viên tìm việc làm bán thời gian, kinh doanh hay giúp việc văn phòng... Nhu cầu tuyển dụng của các DN rất ít, do phần lớn các DN đang trong giai đoạn khó khăn. Mặt khác, một số DN đang phục hồi sản xuất phù hợp với tình hình mới nên không tuyển dụng mà áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất để thay thế con người.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” mới đây, Bộ trưởng LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung cho biết, cùng với đà tăng trưởng và phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II-2022 là 50,5 triệu người. Thời điểm hiện nay, thị trường lao động Việt Nam vẫn là thị trường dư thừa lao động có trình độ kỹ năng thấp và có sự phát triển không đều, đang tồn tại tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động. Phương thức quản trị thị trường lao động còn nhiều yếu kém, rời rạc; hệ thống an sinh xã hội phát triển chưa bền vững, chưa đủ sức đảm đương cho việc phòng ngừa, khắc phục và chống chọi với rủi ro bền vững cho NLĐ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi tham dự hội nghị trên nhận định: thị trường lao động Việt Nam vẫn còn manh mún, chưa chuyên nghiệp, chưa bền vững và thiếu tính linh hoạt; công tác nghiên cứu, dự báo, khớp nối cung cầu và cập nhật hệ thống thông tin thị trường lao động chưa thực sự hiệu quả. Thủ tướng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức về thị trường lao động. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập quốc tế. Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng chính sách việc làm trên nguyên tắc có tính dự báo và tầm nhìn chiến lược.

Tác giả: Phong Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây