Tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Thứ sáu - 09/09/2022 14:05
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Bộ Tư pháp vừa chọn tỉnh Đồng Nai làm nơi tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Đại diện các cơ quan, đơn vị tham gia phát biểu ý kiến tại hội thảo
Đại diện các cơ quan, đơn vị tham gia phát biểu ý kiến tại hội thảo

Nhiều vấn đề liên quan đến đề án được nêu ra tại hội thảo để cùng nhau trao đổi, thảo luận, gồm: nhu cầu thực tế tại địa phương; quá trình triển khai công tác hỗ trợ pháp lý (HTPL) cho doanh nghiệp (DN); khó khăn, vướng mắc; đề xuất, kiến nghị và các vấn đề khác liên quan. Qua đó giúp Bộ Tư pháp có được dữ liệu thông tin quan trọng để bổ sung, hoàn thiện đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ dự kiến cuối năm 2022.

Tầm quan trọng của đề án

Ông Trần Minh Sơn, Trưởng Văn phòng Chương trình HTPL liên ngành cho DN nhỏ và vừa (Bộ Tư pháp) cho biết, công tác HTPL cho DN, đặc biệt DN nhỏ và vừa trong thời gian qua đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước. Cơ sở pháp lý cho hoạt động HTPL cũng liên tục được củng cố, phát triển từ Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28-5-2008 của Chính phủ, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2017 đến Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Song song với việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho công tác HTPL cho DN, các chương trình HTPL cũng được xây dựng và triển khai thực hiện.

Đến nay, hoạt động HTPL cho DN nói chung, DN nhỏ và vừa nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được ghi nhận trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “HTPL cho DN có bước phát triển mạnh”. Đồng thời, Văn kiện cũng đã xác định trọng tâm và các định hướng của công tác hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, trong đó có HTPL cho DN trong giai đoạn 2021-2030, gồm: tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của DN; hỗ trợ DN các vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế; có chính sách hỗ trợ hiệu quả hoạt động của DN; hoạt động hỗ trợ DN theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia và thể hiện tính liên ngành, liên vùng.
 
Trước yêu cầu của Văn kiện đặt ra, Chính phủ đã có 4 nghị quyết giao cho Bộ Tư pháp xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác HTPL cho DN giai đoạn 2021-2030”. Mục tiêu của đề án nhằm hoàn thiện khung pháp lý về HTPL cho DN, hướng tới 100% DN được HTPL miễn phí khi có nhu cầu; giải quyết, tháo gỡ vướng mắc khó khăn về mặt pháp lý cho DN nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa khi có nhu cầu; vận hành hiệu quả hệ thống mạng lưới tư vấn viên pháp luật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý cho DN...

Hướng đến quyền lợi doanh nghiệp

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đại diện các sở, ban, ngành, Đoàn Luật sư đã tham gia phát biểu tham luận về thực tiễn công tác HTPL cho DN trên địa bàn tỉnh và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác HTPL cho DN gắn với đề án: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, Sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa theo luật định và chỉ đạo của Chính phủ, nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN trên địa bàn. Hàng năm, Sở còn tham mưu UBND tỉnh tổ chức nhiều hội nghị gặp gỡ DN nhằm nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ cho DN, tạo điều kiện cho DN phát triển ổn định.

Theo đại diện Sở Công Thương, hàng năm, Sở đều xây dựng kế hoạch về tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các DN trên địa bàn tỉnh, nhằm tăng cường hỗ trợ cho DN nắm bắt kịp thời các quy định của pháp luật; kịp thời thông tin các quy định, chính sách mới của nhà nước liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh qua nhiều hình thức. Việc tuyên truyền HTPL cho các DN có liên quan đến lĩnh vực quản lý của Sở đã đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thông tin của các DN, hạn chế mức thấp nhất các vấn đề liên quan đến tranh chấp pháp lý hay vi phạm quy định không mong muốn của các DN.

Ông Phan Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho hay, với quy hoạch 39 KCN và gần 19.000 ha, Đồng Nai đang là tỉnh có nền công nghiệp mạnh trong khu vực Đông Nam bộ, cũng như cả nước. Hiện tỉnh có trên 38 ngàn DN, trong đó DN nhỏ và vừa chiếm trên 86%. Từ đó, nhu cầu của DN trong việc tiếp cận các quy định của pháp luật và chính sách liên quan là rất lớn.

Thời gian qua, Sở Tư pháp cũng đã tích cực triển khai công tác HTPL cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, như: ban hành văn bản triển khai đề án; xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật của tỉnh; tư vấn, giải đáp vướng mắc pháp lý… “Các DN đã được tiếp cận các thông tin pháp luật nhanh chóng; các chế độ, chính sách, pháp luật được giới thiệu, tập huấn kịp thời đến DN, góp phần nâng cao trình độ pháp luật cho các DN; giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính, khó khăn, vướng mắc, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho DN, hạn chế rủi ro, tranh chấp trong kinh doanh của DN” - ông Tuấn chia sẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác HTPL cho DN trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, một số các quy định pháp luật chưa cụ thể hóa các nội dung hoặc còn chồng chéo giữa các văn bản pháp luật; một số DN còn chưa mặn mà với các chính sách hỗ trợ của địa phương, ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật chưa cao; đội ngũ cán bộ, nhân viên của các DN còn hạn chế trong việc tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng pháp luật; công chức làm công tác HTPL cho DN ở các cơ quan, đơn vị, địa phương đều là kiêm nhiệm, chưa thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật và kỹ năng HTPL cho DN.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác HTPL cho DN gắn với đề án. Trong đó, cần ban hành quy định cụ thể về các chương trình HTPL cho DN đối với từng bộ, ngành; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tăng cường công tác trao đổi, chia sẻ nhằm kịp thời hỗ trợ cung cấp thông tin pháp lý cho DN. Đồng thời cũng thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho mạng lưới tư vấn pháp luật cấp tỉnh, đội ngũ cán bộ làm công tác HTPL cho DN…

Phát biếu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Phó trưởng Ban Quản lý Chương trình HTPL liên ngành cho DN nhỏ và vừa (Bộ Tư pháp) đánh giá cao chất lượng buổi hội thảo, các ý kiến đóng góp cho dự thảo đề án đều có trọng tậm, thiết thực. Đoàn công tác sẽ tiếp thu, ghi nhận các ý kiến của các đại biểu và sẽ bổ sung hoàn thiện dự thảo đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.

Tác giả: Nhân Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây