Thấu hiểu được sự đau thương, mất mát của những đứa trẻ phải chịu cảnh mồ côi sau đại dịch Covid-19 và do nhiều nguyên nhân khác, vào năm 2021, Trung ương Hội LHPN Việt Nam xây dựng Chương trình Mẹ đỡ đầu và được nhân rộng trong cả nước. Trong đó, Hội Phụ nữ Công an tỉnh Đồng Nai hưởng ứng nhiệt tình và là một trong những đơn vị tham gia nuôi dưỡng nhiều trẻ mồ côi nhất trong tỉnh.

Hội Phụ nữ cơ sở Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh thăm và tặng quà cho cháu Trần Thị Quỳnh Như (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc)
Hội Phụ nữ cơ sở Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh thăm và tặng quà cho cháu Trần Thị Quỳnh Như (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc)
Để các con luôn được kết nối tình mẹ con, những người mẹ đỡ đầu đã thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ về mặt vật chất và tinh thần để các con tự tin vững bước trong chặng đường thực hiện ước mơ như bao trẻ em khác.
Con không còn thiếu mẹ
Căn nhà gắn bảng nhà tình thương tại xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) của 3 cha con em Trần Thị Quỳnh Như (11 tuổi) khá bừa bộn bởi thiếu bàn tay chăm sóc của phụ nữ. Thấy chúng tôi từ xa, hai chị em Như nhanh nhẹn khoanh tay chào.
Như kể, cách đây hơn 1 năm, cha con Như được xây tặng căn nhà kiên cố này thay cho căn nhà tạm bợ, dột nát. Cũng chính vì hoàn cảnh quá nghèo khó nên mẹ em đã bỏ đi biệt xứ để lại Như và người em trai (bị thiểu năng trí tuệ) cho cha nuôi. Hằng ngày, cha phải đi làm kiếm tiền, còn Như đảm nhận chăm sóc em.
Biết được hoàn cảnh của chị em Như, Hội Phụ nữ cơ sở Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã nhận đỡ đầu cho em ăn học đến khi 18 tuổi với số tiền hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, những người mẹ đỡ đầu cũng thường xuyên đến thăm hỏi, trao tặng nhiều phần quà thiết thực cho em vào các dịp năm học mới, lễ, Tết gồm: 1 xe đạp, cặp, sách, vở và các dụng cụ học tập, bánh, trái cây…
Tương tự, Lê Thị Tường Vy (13 tuổi, ngụ xã Phú Lập, H.Tân Phú) cũng rất phấn khởi khi thấy các mẹ đỡ đầu thuộc Hội Phụ nữ cơ sở Công an H.Tân Phú đến thăm vào ngày 16-8. Từ nhỏ đã thiếu sự chăm sóc, vỗ về của mẹ, nay lại thiếu vắng cha nên lần nào các mẹ đỡ đầu đến thăm Vy đều quấn quýt, bịn rịn.
Theo lời ông bà nội Vy kể lại, lúc Vy 2 tuổi thì mẹ bỏ đi để lại em cho cha chăm sóc. Không may đến năm 2021, trong một vụ tai nạn lao động, cha Vy cũng mất, em phải chịu cảnh mồ côi và sống nhờ vào sự chăm sóc của ông bà nội. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Hội Phụ nữ cơ sở Công an H.Tân Phú, ông bà nội của Vy cũng bớt phần nào lo lắng về chi phí cho cháu ăn học. Bản thân Vy cũng luôn tự hào vì em đã có nhiều mẹ đỡ đầu làm công an.
Cũng nhờ sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ Công an tỉnh, chị Trần Thị Loan (27 tuổi, ngụ xã Bảo Hòa, H.Xuân Lộc) cũng bớt phần nào nhọc nhằn khi một mình phải nuôi 3 con nhỏ (7 tuổi, 6 tuổi và gần 1 tuổi) sau khi chồng chị đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Biết hoàn cảnh của chị Loan, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã nhận đỡ đầu cho 3 con của chị. Ngoài việc hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng/3 con, những người mẹ đỡ đầu còn góp tiền mua thêm nhiều phần quà như: sách vở, đồ dùng học tập, quần áo và thực phẩm khi ghé thăm hỏi, động viên các con.
Trên địa bàn tỉnh, sau thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2021 đã để lại 176 trẻ mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ. Trong số đó có 3 con của anh Ngô Văn Bằng (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) không may mất mẹ trong đại dịch. Trong căn nhà chật hẹp được xây bằng tường gạch thô sơ còn dang dở, anh Bằng không khỏi xúc động kể lại, trong đại dịch, 5 người trong gia đình anh đều bị nhiễm Covid-19 và vợ anh đã qua đời. Từ đó anh phải chịu cảnh gà trống nuôi con. Thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn và sự tổn thương sau khi mất mẹ của các con anh Bằng, Hội Phụ nữ Công an tỉnh cũng đã nhận đỡ đầu cho 3 bé.
“Tình thương của cha không thể bù đắp được tình mẫu tử thiêng liêng. Tôi chỉ biết kiếm tiền để lo cho con nên không có nhiều thời gian quan tâm chăm sóc. May nhờ có chị em Hội Phụ nữ Công an tỉnh đỡ đầu, quan tâm, hỏi han các cháu thường xuyên, nên các cháu cũng nguôi ngoai phần nào nỗi đau khi mất mẹ. Còn tôi cũng vơi bớt phần nào gánh nặng của người vừa làm cha vừa làm mẹ” - anh Bằng bộc bạch.

Hội Phụ nữ cơ sở Công an H.Tân Phú đến thăm và tặng quà cho cháu Lê Thị Tường Vy (13 tuổi, ngụ xã Phú Lập, H.Tân Phú)
Hội Phụ nữ cơ sở Công an H.Tân Phú đến thăm và tặng quà cho cháu Lê Thị Tường Vy (13 tuổi, ngụ xã Phú Lập, H.Tân Phú)
Giúp ước mơ con thành hiện thực
Thượng tá Nông Thị Minh Huệ, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh cho biết, ngay sau khi Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động và triển khai chương trình Mẹ đỡ đầu vào cuối năm 2021 với mục tiêu vận động các cán bộ, hội viên, tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng những đứa trẻ mồ côi do dịch bệnh Covid-19, các chị em trong Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã rất ấn tượng với chương trình này vì rất thiết thực và nhân văn.
Ban đầu, theo hướng dẫn chương trình, mẹ đỡ đầu sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do dịch bệnh Covid-19 đến khi con đủ 18 tuổi. Tuy nhiên tùy vào tình hình thực tế của mỗi đơn vị, địa phương sẽ có thể mở rộng nhận đỡ đầu những trẻ em mồ côi do nhiều hoàn cảnh khác nhau (như: cha mẹ bị mất do tai nạn, trẻ em không nơi nương tựa…).
Hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình này, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã tích cực vận động chị em trong đơn vị tham gia nhận đỡ đầu các em mồ côi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, với những cơ sở Hội có đông hội viên sẽ nhận đỡ đầu từ 2-3 em, với cơ sở Hội ít hội viên sẽ nhận đỡ đầu 1 em. Tất cả các em sẽ nhận được sự hỗ trợ từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/tháng/em cho đến khi 18 tuổi. Ngoài ra, những người mẹ đỡ đầu của Hội Phụ nữ Công an tỉnh còn thường xuyên quan tâm, động viên; tặng sách vở, đồ dùng học tập; hướng dẫn các con học tập, dạy các kỹ năng sống, cách tự chăm sóc bản thân... Tất cả số tiền và vật chất để hỗ trợ trẻ mồ côi đều do hội viên Hội Phụ nữ Công an tỉnh đóng góp.
Theo đại úy Trần Thị Vân, Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là cầu nối yêu thương giữa mẹ đỡ đầu và trẻ mồ côi. Điều này sẽ tạo điều kiện giúp các em có điều kiện học tập đầy đủ, phát triển toàn diện, trở thành người con ngoan trong gia đình và là công dân có ích cho xã hội.
Mô hình mẹ đỡ đầu đang ngày càng lan tỏa và nhân rộng ở Hội Phụ nữ công an các địa phương trong tỉnh. Nhờ đó, những ngôi nhà từng thiếu tình thương, hơi ấm của cha mẹ lại được sưởi ấm bằng tình thương của những người mẹ đỡ đầu mang quân phục công an. Chương trình không chỉ mang ý nghĩa nhân văn mà còn lan tỏa hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an nói chung và những nữ chiến sĩ công an nói riêng vì nhân dân phục vụ, có trách nhiệm với cộng đồng và đất nước.