Đồng Nai được đánh giá là một trong những địa phương thu hút tốt các nguồn lực đầu tư vào giáo dục theo hình thức xã hội hóa. Do đó, đến nay tỉnh đã có nhiều các hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học tư thục quy mô lớn.

Hệ thống giáo dục Á Châu (TP.Biên Hòa) hiện có quy mô 4 trường mầm non và 1 trường phổ thông nhiều cấp học với môi trường giáo dục hiện đại, góp phần đáng kể giảm tải cho TP.Biên Hòa
Hệ thống giáo dục Á Châu (TP.Biên Hòa) hiện có quy mô 4 trường mầm non và 1 trường phổ thông nhiều cấp học với môi trường giáo dục hiện đại, góp phần đáng kể giảm tải cho TP.Biên Hòa
Những ngôi trường xã hội hóa
Trường Mầm non Eclat Hiệp Phước (xã Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch) được xây dựng trên diện tích hơn 1.500m2 với tổng vốn đầu tư 5 tỷ đồng cách đây gần 10 năm nhờ một DN hỗ trợ. Nhờ đó mà trong 10 năm qua hàng trăm lượt trẻ em là con công nhân và trẻ em địa phương có được nơi học tập khang trang. Không chỉ có Trường Mầm non Eclat được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã quan tâm xây dựng cho huyện khá nhiều những ngôi trường khác.
Tuy là huyện miền núi nhưng Xuân Lộc lại thu hút khá tốt nguồn vốn xã hội hóa vào giáo dục với các công trình trường học có quy mô như: năm 2013, một DN trong nước đã hỗ trợ huyện xây dựng Trường THCS Trần Phú tại TT.Gia Ray trên diện tích 31 ngàn m2 với số vốn lên đến 45 tỷ đồng và là một trong những trường chuẩn quốc gia của huyện. Ngoài ra còn có Trường Mầm non Dona Standard dành cho con công nhân tại Khu công nghiệp Xuân Lộc trị giá xây dựng 65 tỷ đồng, đưa vào hoạt động từ năm 2016 do Tập đoàn Phong Thái đầu tư. Hiện nay, Tập đoàn này tiếp tục đầu tư cho huyện xây dựng Trường TH-THCS Huỳnh Văn Nghệ với số vốn 44,3 tỷ đồng.
Với sự hỗ trợ của DN, từ năm 2018 TP.Long Khánh đã thu hút được gần 30 tỷ đồng xây dựng Trường Mầm non Bảo Quang tại xã Bảo Quang với diện tích 5 ngàn m2, quy mô 2 tầng, 12 phòng học và các hạng mục phụ trợ… Ngoài ra với nguồn vốn xã hội hóa giáo dục trên địa bàn còn có một số trường tư thục ở bậc mầm non, phổ thông chất lượng cao và một trung tâm trải nghiệm văn hóa quốc tế của Trường Đại học quốc tế Sài Gòn.
Nhờ có chính sách xã hội hóa giáo dục đến nay huyện đã có những cơ sở giáo dục quy mô lớn như Trường TH-THCS-THPT Trần Đại Nghĩa quy mô gần 10 ngàn học sinh; Trường THCS-THPT Trịnh Hoài Đức quy mô hơn 2 ngàn học sinh; Trường Mầm non Phong Thái quy mô gần 500 trẻ… Ngoài ra, còn hàng chục cơ sở mầm non tư thục ra đời, góp phần làm giảm áp lực trường lớp cho địa phương.
Khó khăn vẫn tồn tại
Hệ thống các cơ sở giáo dục tư thục được đầu tư bằng nguồn lực xã hội hóa 100% ngày càng tỏ rõ sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Các trường không những quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất mà chương trình dạy và học cũng được tập trung phát triển phong phú có chất lương phù hợp với xu hướng phát triển của toàn cầu đem lại nhiều lợi ích hơn cho học sinh. Nhiều đơn vị chủ động hợp tác với các đối tác giáo dục đưa các chương trình dạy học tiên tiến vào áp dụng, giúp học sinh trở nên tự tin, năng động, đặc biệt là khả năng tiếng Anh.Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực xã hội hóa đang gặp không ít khó khăn do liên quan đến quỹ đất quy hoạch giáo dục phù hợp.
Anh Nguyễn Ngọc Thuận (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) chia sẻ băn khoăn: “Gia đình tôi muốn chuyển đổi nhóm trẻ thành trường mầm non tư thục để phát triển lớn hơn nhưng hiện tại đất của gia đình thuộc loại đất ở đô thị, không phù hợp với đất giáo dục. Hoặc nếu tôi chấp nhận chuyển đổi thành đất giáo dục đi chăng nữa, sau này không làm giáo dục nữa thì có được chuyển đổi lại mục đích sử dụng ban đầu là đất ở hay không?”.
Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết, việc thu hút nguồn lực xã hội hóa giáo dục đang gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất quy hoạch giáo dục phù hợp. Chẳng hạn, Sở đang phối hợp với TP.Long Khánh để giới thiệu địa điểm cho một trường tư thục trên địa bàn nhưng rất khó vì vướng quy hoạch, vướng đền bù giải phóng mặt bằng, thủ tục cũng không đơn giản. Nếu có triển khai được cũng cần đến cả năm, thậm chí lâu hơn.