So với cùng kỳ năm 2019, số trường hợp mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị trong tỉnh giảm mạnh. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bệnh nặng rất nguy hiểm.
Nhân viên y tế phun
thuốc diệt muỗi tại huyện Nhơn Trạch
Bác sĩ năn nỉ bệnh nhân nhập viện điều trị
BS CKI.Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị trong tỉnh không nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các cơ quan chức năng đã tiến hành phun xịt thuốc, hóa chất trên diện rộng. Việc phun xịt thuốc đã tiêu diệt muỗi và các loại côn trùng. Người dân cũng có ý thức tự giác phòng bệnh nên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ hơn, diệt muỗi tích cực hơn. Mặt khác, dịch sốt xuất huyết năm nay xảy ra cùng với tuýp sốt xuất huyết của năm ngoái. Do đó, số người dân trong cộng đồng có kháng thể cũng khá lớn, khả năng nhiễm bệnh giảm nhiều so với năm ngoái.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 10 đến nay, số lượng bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng do mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sôi, phát triển. Trung bình mỗi ngày, khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp nhận từ 5-10 trường hợp sốt xuất huyết người lớn. Trong đó có nhiều trường hợp đã rơi vào tình trạng sốc, phải truyền từ 4-6 đơn vị máu, điều trị tích cực.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng có nhiều bệnh nhân người lớn rơi vào tình trạng sốc sốt xuất huyết nặng, BS Đồng Minh Hùng cho rằng, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhiều người dân hạn chế đến bệnh viện, hạn chế nhập viện do lo sợ bị lây nhiễm tại bệnh viện. Nhiều người lớn khi bị sốt cao, mệt mỏi thường có tâm chủ quan, tự đến nhà thuốc, báo bệnh và mua thuốc về nhà sử dụng. Đến khi bệnh nặng mới vào bệnh viện để cấp cứu, điều trị. Thậm chí, có những bệnh nhân bệnh đã trở nặng, sốt ngày thứ 4, thứ 5, đến khám tại bệnh viện nhưng không chịu nhập viện, bác sĩ phải khuyên, thậm chí năn nỉ bệnh nhân nhập viện để điều trị nhằm đảm bảo an toàn tính mạng thì bệnh nhân mới chịu nhập viện.
Mới đây nhất, BS Đồng Minh Hùng đã điều trị cho một bệnh nhân nam gần 50 tuổi, ở nhà sốt cao liên tục, tự mua thuốc uống nhưng không hạ. Do bệnh nhân chủ quan nên chỉ đi khám, điều trị tại phòng khám tư nhân. Đến ngày thứ 4, bệnh nhân bị chảy máu chân răng nhiều mới bắt đầu nhập viện. Các bác sĩ đã phải truyền tổng cộng 2 đơn vị máu, 4 đơn vị tiểu cầu để bổ sung nguồn máu, tiểu cầu đã mất cho bệnh nhân. Đến ngày thứ 7, răng bệnh nhân hết chảy máu, tình trạng sức khỏe ổn, bệnh viện mới cho bệnh nhân xuất viện.
Ngoài ra, có vài trường hợp bệnh nhân tự ý điều trị tại nhà, đến khi mệt lả người không chịu được nữa mới vào bệnh viện. Lúc này, các bệnh nhân đã bị tụt huyết áp, rơi vào tình trạng sốc.
“Gần đây, tuần nào khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cũng tiếp nhận các ca sốc sốt xuất huyết. Khoảng 30% bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết bị bệnh nặng. Người dân không nên chủ quan khi có các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết, nếu cảm thấy sốt cao liên tục mà không hạ, nhức mỏi toàn thân, người dân nên sớm đến bệnh viện, cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị phù hợp, không nên tự ý mua thuốc điều trị vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe” – BS Hùng cho hay.
Phát hiện và điều trị sớm
Trong khi đó, trung bình mỗi ngày, khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai điều trị cho khoảng hơn 100 bệnh nhân, có thời điểm lên đến 130 bệnh nhân. Trong đó có khoảng 20-30 ca bệnh sốt xuất huyết.
BS Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới cho biết, những trường hợp đang điều trị tại khoa đều từ mức độ 2A trở lên (mức độ cần phải nhập viện điều trị, theo dõi sát). Riêng những trường hợp bệnh nặng được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực chống độc của bệnh viện để theo dõi, điều trị.
Đang chăm sóc con bị sốt xuất huyết tại bệnh viện, chị Trần Phương Thảo Ly (ngụ P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa) cho hay, con trai chị 16 tháng tuổi sốt liên tục 3 ngày ở nhà không khỏi. Nghi ngờ con bị sốt xuất huyết, gia đình đã đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để khám và được bác sĩ chỉ định nhập viện để điều trị.
Tương tự, trường hợp bé H.L.H.V., 10 tuổi, ngụ xã Phước Thiền, H.Nhơn Trạch cũng sốt cao 40-41 độ C, uống thuốc hạ sốt nhưng không hạ. Kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân cho thấy, bệnh nhân dương tính với sốt xuất huyết và được xem là trường hợp điển hình của bệnh.
BS Nguyễn Thanh Quyền,
Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng
Đồng Nai thăm khám cho 1 bệnh
nhân bị sốt xuất huyết
Còn bé N.N.L., 8 tuổi, ngụ xã Bảo Quang, TP.Long Khánh thì không biết bị muỗi đốt khi nào. Đến khi trên da có nổi những mụn đỏ, L. được mẹ đưa đến bệnh viện khám và được bác sĩ chẩn đoán bị sốt xuất huyết.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra khi con bị bệnh nặng, BS Nguyễn Thanh Quyền lưu ý, bệnh sốt xuất huyết hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Do đó, phụ huynh cần thực hiện tốt việc phòng chống dịch bệnh cho trẻ bằng cách vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, diệt muỗi, diệt lăng quăng. Khi phát hiện con bị sốt cao liên tục 2, 3 ngày không hạ, da đỏ, ói mửa, đau bụng, bứt rứt, lừ đừ, tiểu ít cần ngay lập tức đi khám bệnh và nhập viện điều trị. Tuyệt đối không được tự ý điều trị, tự ý truyền dịch. Bởi việc tự ý truyền dịch cho trẻ nếu không đúng thời điểm sẽ không mang lại hiệu quả gì, ngược lại còn có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ.
Việt Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập