Để người lao động nhanh chóng tiếp cận chính sách hỗ trợ đào tạo nghề

Thứ năm - 07/04/2022 09:55
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động (NLĐ) là một trong 12 chính sách hỗ trợ NLĐ, doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Tại Đồng Nai, chính sách này đã được triển khai từ năm 2021 nhưng đến nay có rất ít DN gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ. Do đó, số lao động được tiếp cận với chính sách nhân văn này không nhiều.
Vẫn còn ít DN gửi hồ sơ
Theo Nghị quyết số 68, điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ là người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại Khoản 1, Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020. Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.
Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, thời gian qua, ngành lao động đã đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền và phổ biến các văn bản về chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ đến các DN trong tỉnh. Đây là chính sách rất nhân văn nhằm giúp NLĐ được đào tạo nghề sau thời gian gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đến nay mới chỉ có 3 DN trên địa bàn tỉnh gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ từ chính sách trên về Sở với hơn 9 ngàn lao động. Trong đó, mới chỉ có 1 DN được phê duyệt hỗ trợ đào tạo cho 30 NLĐ với số tiền 73,5 triệu đồng. Còn 2 DN, do hồ sơ chưa đầy đủ nên được trả lại để nghiên cứu, bổ sung các điều kiện theo đúng quy định của chính sách trên.
Theo bà Hiền, nguyên nhân các DN còn nộp hồ sợ đề nghị ít vì sau đại dịch, các DN đang tập trung khôi phục sản xuất, kinh doanh, chưa có thời gian chuyển đổi ngành nghề nên chưa quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề cho NLĐ. Do đó, số lượng hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ gửi về Sở LĐ-TBXH rất hạn chế. Mặt khác, các DN tăng cường tuyển dụng lao động phổ thông nhằm ổn định sản xuất nên chưa mặn mà với việc chuyển đổi ngành nghề sau đại dịch.
Là một trong những DN gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho 4 ngàn lao động về Sở LĐ-TBXH, từ đầu năm 2022, đại diện Công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) cho biết, chính sách hỗ trợ NLĐ đào tạo nghề rất quan trọng và phù hợp tình hình hiện nay. Cụ thể, NLĐ có thể lựa chọn ngành nghề học tập theo đúng vị trí công việc hoặc học thêm vi tính, nghề may, an toàn lao động… Công ty đã chọn được trường nghề để phối hợp đào tạo nghề cho NLĐ. Tuy nhiên, do hồ sơ còn vướng một số thủ tục nên đến nay NLĐ vẫn chưa được đi học và tiếp cận với chính sách trên. Công đoàn và công ty mong rằng các thủ tục sẽ nới lỏng hơn để NLĐ nhanh chóng được tiếp cận với chính sách nhân văn trên.
Giúp nâng cao tay nghề cho NLĐ
Đoàn giám sát của tỉnh vừa tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh tại Sở LĐ-TBXH. Tại buổi giám sát, Đoàn đóng góp nhiều ý kiến về công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ. Đoàn đề nghị Sở LĐ-TBXH tăng cường tuyên truyền để DN và NLĐ hiểu được ý nghĩa của việc đào tạo nghề nghiệp và tiếp cận chính sách hỗ trợ thuận lợi nhằm duy trì việc làm tốt, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập ổn định của NLĐ cũng như góp phần vào sự phục hồi và phát triển của DN.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hồ Thanh Hồng, chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ cần được thực hiện sớm để giúp NLĐ được học tập và hưởng chính sách nhân văn trên. Thực tế, NLĐ nếu được học nghề sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp DN ngày càng phát triển sản xuất ổn định. Do đó, Sở LĐ-TBXH cần có văn bản phổ biến rõ để DN hiểu thêm về chính sách này, tạo điều kiện cho NLĐ được đi học nghề nhằm duy trì việc làm ổn định, đáp ứng yêu cầu công việc của các DN, đặc biệt, khi các DN chuyển đổi ngành nghề, NLĐ vẫn có thể thích.
Cùng quan điểm trên, đại diện Tỉnh đoàn cho rằng, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp tập trung đông lao động nên Sở LĐ-TBXH cần đổi mới công tác tuyên truyền và có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về chính sách nhân văn trên cũng như về thủ tục, hồ sơ rõ ràng để DN nắm chắc các quy định về chính sách, tạo điều kiện cho NLĐ đi học, nâng cao tay nghề. Bởi thực tế, khi DN chuyển đổi ngành nghề phù hợp sau dịch rất cần có đội ngũ lao động cứng nghề và tay nghề giỏi, làm việc nhanh. Ngoài ra, DN phải có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp lên phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề phù hợp từng vị trí công việc để duy trì việc làm cho NLĐ.
Theo Sở LĐ-TBXH, chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ có thời gian đến ngày 30-6-2022. Tuy nhiên, Sở LĐ-TBXH sẽ kiến nghị với Bộ LĐ-TBXH kéo dài thời hạn hưởng chính sách này để DN có thêm thời gian làm thủ tục, hồ sơ cho NLĐ được đi học nhằm chuyển đổi nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu công việc tại DN. Đối với NLĐ nếu được phê duyệt hồ sơ đi học, cần nỗ lực học tập nghiêm túc để công tác đào tạo nghề mang lại hiệu quả, đúng mục đích và tính nhân văn, đáp ứng yêu cầu thực tế với công việc tại đơn vị mình.
Phong Lan

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây