Từ năm học 2022 - 2023, chương trình lớp 10 mới sẽ bắt đầu được đưa vào giảng dạy ở bậc THPT. Điểm mới nhất của chương trình là học sinh được tự chọn môn học theo sở thích và năng lực cá nhân. Thiết kế chương trình này là phù hợp với định hướng dạy học phát triển năng lực của học sinh, đồng thời gần với định hướng nghề nghiệp của các em.
Giáo viên Trường THPT Vĩnh Cửu (H.Vĩnh Cửu) nghiên cứu sách giáo khoa
lớp 10 mới.
Đến thời điểm hiện nay,
các trường THPT trong toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành đề xuất chọn SGK lớp 10
cho năm học 2022-2023. Theo kế hoạch, đến tháng 5 UBND tỉnh sẽ ban hành quyết
định công nhận danh mục SGK lớp 10 sử dụng trên địa bàn tỉnh.
Thú vị với các chuyên đề học tập
Theo thiết kế, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Bắt đầu từ lớp 10, thay vì phải học 17 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc như chương trình hiện hành, học sinh sẽ học ít môn hơn và được lựa chọn theo năng khiếu, sở thích của mình. Cụ thể, học sinh sẽ học 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, 5 môn học tự chọn và 3 chuyên đề học tập.
Theo đó, các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Giáo dục địa phương. Các môn học tự chọn gồm: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật (nhóm môn khoa học xã hội (KHXH)), Vật lý, Hóa học, Sinh học (nhóm môn khoa học tự nhiên (KHTN)), Công nghệ, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật (nhóm môn công nghệ và nghệ thuật). Đối với nhóm môn tự chọn, học sinh sẽ chọn 5 môn trong 3 nhóm môn này, mỗi nhóm môn phải có ít nhất 1 môn.
Ngoài việc lựa chọn môn học, đối với nhóm môn công nghệ và nghệ thuật, học sinh còn được chọn nội dung học trong mỗi môn. Chẳng hạn, trong môn Mỹ thuật có 10 nội dung để học sinh lựa chọn (mỗi nội dung là 1 sách giáo khoa riêng biệt) gồm: Thiết kế mỹ thuật sân khấu điện ảnh, Hội họa, Thiết kế công nghiệp, Đồ họa, Kiến trúc, Thiết kế mỹ thuật đa phương tiện, Thiết kế đồ họa, Điêu khắc, Thiết kế thời trang, Lý luận và lịch sử mỹ thuật.
Trừ ngoại ngữ, tất cả môn học đều xây dựng các cụm chuyên đề. Cụm chuyên đề của môn học, nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng kiến thức và kỹ năng thực hành để giải quyết các vấn đề thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp. Chẳng hạn, Ngữ văn lớp 10 có các chuyên đề Tập nghiên cứu và viết báo cáo về một vấn đề văn học dân gian; Sân khấu hóa tác phẩm văn học; Đọc, viết và giới thiệu một tập thơ, truyện ngắn hoặc tiểu thuyết.
Mỗi học sinh sẽ phải chọn để học 3 cụm chuyên đề học tập sao cho phù hợp với nguyện vọng bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. Giáo viên các Trường THPT đều đánh giá cao nội dung của các chuyên đề học tập. Theo đó, việc học chuyên đề theo đúng năng lực, sở thích sẽ khơi gợi sự hào hứng của học sinh, giúp các em phát huy được năng lực, sở trường của bản thân một cách tốt nhất. Việc thiết kế các chuyên đề cũng tạo thuận lợi cho giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học theo hướng đa dạng, phong phú hơn, đặc biệt là có thể kết hợp với các hoạt động giáo dục STEM, trải nghiệm sáng tạo…
Phù hợp với định hướng nghề nghiệp
Theo cô Bùi Thị Ngọc Nga, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Cửu (H.Vĩnh Cửu), chương trình GDPT mới được xây dựng như vậy là phù hợp với việc phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Đồng thời, việc phân hóa môn học như vậy cũng gắn liền với định hướng nghề nghiệp của học sinh.
Là người có nhiều năm bồi dưỡng kiến thức mỹ thuật cho học sinh thi đại học cần đến môn Vẽ, thầy Mai Hữu Thành, giáo viên Trường THPT Đoàn Kết (H.Tân Phú) nhìn nhận, việc đưa các môn nghệ thuật vào chương trình GDPT là hướng đi đúng. Hiện nay, có rất nhiều ngành nghề đòi hỏi học sinh phải được dạy các kiến thức mỹ thuật cơ bản như: đồ họa, kiến trúc, thiết kế thời trang, truyền thông đa phương tiện… Tuy nhiên, do ở bậc phổ thông hiện nay học sinh chưa được học nên nhiều học sinh đã bỏ lỡ cơ hội thi vào những ngành này.
“Nếu môn Mỹ thuật được dạy ở trường phổ thông sẽ đáp ứng được cho một bộ phận học sinh có nhu cầu thực sự, có định hướng nghề nghiệp liên quan đến môn học. Đồng thời, cho thấy sự thừa nhận của xã hội về một môn học mà lâu nay bị bỏ quên” - thầy Thành chia sẻ.
Về mặt thiết kế chung, rõ ràng chương trình GDPT mới có rất nhiều ưu điểm, giúp học sinh thực sự phát triển được năng lực, phẩm chất và có định hướng nghề nghiệp sớm, đúng với sở trường của bản thân và nhu cầu nhân lực của xã hội. Tuy nhiên, do thiếu sự đồng bộ giữa thiết kế chương trình với công tác đào tạo, chuẩn bị đội ngũ giáo viên nên trong năm học tới đây, các môn nghệ thuật sẽ vắng bóng trong hầu hết các trường THPT.
Hoàng Giang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập