Từ năm học 2022-2023, chương trình lớp 10 mới sẽ bắt đầu được đưa vào giảng dạy ở bậc THPT. Theo quy định, học sinh bậc THPT sẽ chỉ học 7 môn bắt buộc, các em được tự chọn 5 môn học và 3 chuyên đề theo sở thích và năng lực cá nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, các trường THPT sẽ chủ động xây dựng tổ hợp môn học và học sinh chỉ được lựa chọn trong khuôn khổ những gì mà trường THPT có.
Học sinh lớp 10 năm học 2022-2023 sẽ đăng ký học theo các tổ hợp mà Trường
THPT đã công bố
Hiện nay, các trường THPT đang tính toán phương án xây dựng tổ hợp môn học. Trong khi đó, học sinh lớp 9 còn khá “lơ mơ” về chương trình lớp 10 mới mà các em sẽ học trong năm học tới đây.
Sẽ “vắng bóng” các môn nghệ thuật
Chương trình lớp 10 mới sẽ có 2 môn học hoàn toàn mới là âm nhạc và mỹ thuật. Riêng môn mỹ thuật được thiết kế làm 10 chuyên đề (mỗi chuyên đề là 1 SGK riêng biệt), học sinh sẽ chọn 4 trong 10 chuyên đề để học. Tuy nhiên, trong quá trình đề xuất chọn SGK cho năm học 2022-2023, các trường THPT đều bỏ qua việc lựa chọn 2 môn học này vì nhà trường không có giáo viên để dạy.
Bộ GD-ĐT cho rằng các trường có thể hợp đồng với giáo viên âm nhạc, mỹ thuật ở các trường THCS (giáo viên phải có bằng cử nhân) hoặc giảng viên ở các trường văn hóa, mỹ thuật để dạy học. Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn về việc trên nên không có trường THPT nào triển khai. Như vậy, có thể thấy chắc rằng môn âm nhạc, mỹ thuật sẽ vắng bóng trong các trường THPT trong vài năm nữa.
Theo ông Trần Đình Vinh, Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 (Sở GD-ĐT), nhà trường sẽ dựa vào điều kiện thực tế của đơn vị, xu hướng của học sinh trong vùng để xây dựng các tổ hợp môn học sao cho vừa đáp ứng được yêu cầu tổ chức dạy học của nhà trường, vừa đáp ứng một phần nhu cầu của học sinh. Các trường cũng phải công khai tổ hợp môn học trước khi học sinh đăng ký thi tuyển, xét tuyển lớp 10 để các em lựa chọn.
Như vậy, khi vào lớp 10, học sinh sẽ đăng ký học theo những tổ hợp mà nhà trường đã xây dựng. Học sinh phải dựa vào tổ hợp mà các trường THPT đã thông báo để xem có phù hợp với bản thân hay không rồi mới đăng ký thi. Tránh trường hợp học sinh chưa biết tổ hợp mà đã chọn trường, đến khi thi đậu thì không được học những tổ hợp môn mong muốn.
Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn (H.Long Thành) Hoàng Thị Thủy băn khoăn, xét về học lực chung, học sinh của trường này sẽ có xu hướng chọn khối các môn KHXH nhiều hơn khối các môn KHTN. Nếu đáp ứng theo học sinh thì nhà trường sẽ thiếu giáo viên môn KHXH và thừa giáo viên môn KHTN. Ngược lại, ở những trường học sinh có xu hướng chọn khối các môn KHTN nhiều hơn thì nhà trường sẽ thừa giáo viên môn KHXH.
Đây cũng là khó khăn chung của hầu hết các trường. Vì vậy, để xây dựng được các tổ hợp môn học, nhà trường phải tính toán rất kỹ về đội ngũ giáo viên, tỉ mỉ cân đối số tiết dạy để tránh tình trạng thừa - thiếu giáo viên trong chính nhà trường.
Học sinh lớp 9 Trường THCS Thạnh Phú - huyện Vĩnh Cửu trong giờ học môn Hóa
Nhiều phương án xây dựng tổ hợp môn học
Cho học sinh tự chọn môn học theo tinh thần chương trình GDPT mới ngay từ năm học 2022-2023 là không khả thi vì các trường hiện không có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực để “chạy” theo nhu cầu của học sinh. Bên cạnh đó, việc cho học sinh tự chọn môn học cũng sẽ dẫn đến tình trạng thừa - thiếu giáo viên ngay trong chính các trường.
Do đó, các trường THPT sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế của đơn vị mình để xây dựng nên các tổ hợp môn học. Hiện nay, việc này đang được các trường THPT trên toàn tỉnh thực hiện song song với công tác chọn sách giáo khoa. Về cơ bản, các trường xây dựng tổ hợp môn học theo phân ban KHTN, KHXH hoặc theo các tổ hợp thi đại học.
Chẳng hạn, với số lượng tuyển sinh 12 lớp 10, Trường THPT Vĩnh Cửu đã xây dựng 6 nhóm tổ hợp, mỗi nhóm tổ hợp có 2 lớp. Theo đó, ngoài 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các tổ hợp môn gồm những môn tự chọn và chuyên đề như sau: KHTN 1 (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Tin học; chuyên đề: Toán, Vật lý, Hóa học); KHTN 2 (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Tin học; chuyên đề: Toán, Hóa học, Sinh học); KHTN 3 (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ; chuyên đề: Toán, Vật lý, Tiếng Anh); KHXH 1 (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Tin học; chuyên đề: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý); KHXH 2 (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Hóa học, Tin học; chuyên đề: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh); KHXH 3 (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Sinh học, Công nghệ; chuyên đề: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật).
Trong khi đó, Trường THPT Thanh Bình (H.Tân Phú) cũng có 12 lớp 10 nhưng lại dự kiến xây dựng các tổ hợp môn học gắn liền với các tổ hợp thi đại học gồm: A1, A2, A3 (mỗi tổ hợp sẽ gồm 2 lớp), B1, B2, C1, C2, C3, D (mỗi tổ hợp có 1 lớp).
Còn tại Trường THPT Định Quán, hiện Ban giám hiệu đã họp sơ bộ để định hướng chọn tổ hợp môn. Sau khi tổ chức cho học sinh kiểm tra giữa học kỳ 2 xong, trường sẽ họp các tổ bộ môn để thống nhất về việc xây dựng tổ hợp môn học. Dự kiến trường sẽ xây dựng 2 nhóm tổ hợp môn gồm tổ hợp các môn KHTN (đáp ứng cho 4 lớp) và nhóm tổ hợp môn KHXH (đáp ứng cho 6 lớp).
Đại diện Ban giám hiệu một số trường THPT cho biết, trong trường hợp học sinh đăng ký tổ hợp môn học “lệch pha” so với dự kiến của nhà trường thì trường sẽ tổ chức đánh giá năng lực đầu vào để xếp lớp. Một giải pháp khác cũng được đặt ra là có sự luân chuyển giáo viên giữa các cụm trường. Tuy nhiên, điều này là rất khó khả thi trong giai đoạn hiện nay.
Hoàng Giang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập