Công tác ban hành các văn bản xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) và thi hành quyết định xử phạt VPHC hiện cho thấy vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Thực tế, hiện có nhiều văn bản VPHC do cơ quan chức năng ban hành xong vì nhiều lý do chưa được thực thi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật mà còn gây “thất thu” cho ngân sách nhà nước…
Một công trình xây dựng trái phép bị cơ quan chức năng cưỡng chế, tháo dỡ
* Vướng mắc trong thực thi quyết định VPHC
Theo UBND TP.Biên Hòa, trong năm 2021, người có thẩm quyền trong cơ quan chức năng của thành phố đã ban hành nhiều quyết định xử phạt VPHC. Tuy nhiên, vì nhiều lý do dẫn đến tình trạng các văn bản VPHC chưa được thực thi hoặc chỉ thực thi một phần.
Trên lĩnh vực xây dựng, năm 2021, lực lượng chức năng của thành phố đã phát hiện 114 trường hợp vi phạm và ban hành 49 quyết định xử phạt theo thẩm quyền với tổng mức tiền phạt hơn 1,1 tỷ đồng. Trong số đó, chỉ có 7 trường hợp vi phạm đã khắc phục hậu quả nhưng chưa nộp phạt (tổng số tiền 145 triệu đồng); 42 trường hợp còn lại đã nộp phạt hơn 1 tỷ đồng nhưng chưa thực hiện khắc phục hậu quả.
Ở lĩnh vực an ninh trật tự, lực lượng chức năng của TP.Biên Hòa đã phát hiện 38 vụ VPHC và ban hành 49 quyết định xử phạt đối với các đối tượng vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 655 triệu đồng, nhưng chỉ có 27 quyết định được thi hành với tổng số tiền thu nộp ngân sách hơn 262 triệu đồng. Riêng lĩnh vực môi trường, việc thực thi quyết định xử phạt VPHC trong năm 2021 đạt mức cao với 13/14 quyết định đã được thực thi.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Duy Tân, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác quản lý đất đai ở một số phường, xã còn thiếu chặt chẽ, chưa kiên quyết trong xử lý vi phạm, chưa kịp thời tham mưu cho UBND thành phố ban hành các quyết định cưỡng chế, việc tổ chức cưỡng chế chậm trễ, chưa dứt điểm… Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao, lực lượng chức năng còn mỏng. Nhất là ở lĩnh vực môi trường, thành phố có quy mô dân số hơn 1,4 triệu dân nhưng lực lượng công chức phụ trách công tác này làm việc tại Phòng TN-MT thành phố chỉ có 5 người. Trên địa bàn có nhiều dự án đã quy hoạch “treo” khá lâu, người dân bị hạn chế quyền sử dụng đất. Nhiều khu đất đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng lại phải đóng tiền sử dụng đất cao (như: khu vực gia đình quân nhân tại các phường: Tân Phong, Long Bình, Phước Tân…) dẫn đến người dân gặp khó khăn trong việc chuyển mục đích sử dụng, xin phép xây dựng…
Theo đại diện Công an TP.Biên Hòa, vướng mắc đối với lĩnh vực an ninh trật tự là quy định về xử phạt hành chính còn nhiều điều khoản chưa phù hợp, cụ thể là Luật Xử phạt VPHC quy định thời gian chuyển giao hồ sơ quá ngắn, dẫn đến việc chuyển giao hồ sơ đến người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt không đảm bảo. Việc chuyển các quyết định xử phạt VPHC đến cá nhân, tổ chức bị phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan khác để thi hành cũng gặp khó khăn, nhất là đối với các trường hợp người vi phạm ở xa, vụ việc có nhiều đối tượng. Song song đó, việc cưỡng chế thi hành quyết định khó thực hiện đối với trường hợp vi phạm không có tài sản...
* Để quyết định xử phạt VPHC không tồn đọng
Để hạn chế tình trạng “tồn” quyết định xử phạt VPHC, tại buổi làm việc với Ban Pháp chế HĐND tỉnh về công tác phát hiện, ngăn chặn và xử phạt VPHC trong các lĩnh vực an ninh trật tự, xây dựng, môi trường và kết quả thi hành quyết định xử phạt VPHC mới đây, lãnh đạo TP.Biên Hòa kiến nghị HĐND tỉnh trình UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ phân cấp thẩm quyền cho cấp cơ sở xử phạt, hạn chế việc phải chuyển hồ sơ lên cấp trên, mất nhiều thời gian, gây quá tải cho cấp trên dẫn đến chậm trễ. Xem xét bổ sung quy định cụ thể về hình thức, biện pháp, trình tự thực hiện đình chỉ hoạt động cưỡng chế bắt buộc di dời đặc biệt đối với trường hợp các tổ chức, cá nhân VPHC không tự nguyện chấp hành.
Thành phố kiến nghị các sở, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý các tổ chức được giao đất nhưng chậm trễ thực hiện, để kéo dài, không quản lý chặt chẽ dẫn đến việc các hộ dân lấn, chiếm đất và xây dựng không phép gây áp lực lên công tác quản lý đất đai, dẫn đến khiếu kiện gây mất an ninh trật tự; thường xuyên thực hiện kiểm tra các dự án chậm triển khai trên địa bàn; mở các lớp tập huấn chuyên sâu về công tác xử lý VPHC…
Theo Phó Chánh thanh tra Sở TN-MT Chu Tiến Dũng cho rằng, theo quy định hiện nay, việc xử lý các VPHC đòi hỏi có nhiều lực lượng tham gia xử phạt, với nhiều trình tự thủ tục. Tuy nhiên, việc thực hiện đúng quy trình mất thời gian, nhưng nếu lực lượng chức năng không làm theo quy trình thì việc xử lý vi phạm có thể bị khiếu kiện…, có trường hợp phát hiện xây dựng trái phép đến khi làm xong quy trình thủ tục xử phạt VPHC, người vi phạm cũng xây dựng xong cả căn nhà. Vì vậy, có những quyết định người vi phạm chỉ nộp tiền chứ không khắc phục hậu quả là khôi phục hiện trạng ban đầu. “Nên chăng có một đội ngũ chuyên đi xử lý các vi phạm này, khi có tin báo, đủ cơ sở xác định công trình xây dựng trái phép thì xử lý nhanh, dứt điểm. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, các giải pháp liên quan đến cơ sở pháp lý để đội ngũ chuyên trách việc xử lý vi phạm hoạt động hiệu quả, đúng luật. Riêng các lĩnh vực khác, cũng cần có lực lượng chuyên theo dõi việc thực thi các văn bản xử lý VPHC. Giống như cơ quan tòa án sau khi ban hành bản án sẽ có lực lượng riêng là cơ quan thi hành án theo dõi, tổ chức thi hành, đôn đốc, cưỡng chế việc chấp hành bản án của tòa” - ông Dũng đề xuất.
Nhật Huy
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập