Mạng xã hội (MXH) hiện nay đang được sử dụng rất phổ biến, bên cạnh mặt tích cực, MXH đang dần bộc lộ nhiều tiêu cực trong đó bao gồm: việc phát tán thông tin không kiểm chứng, dùng từ ngữ nhục mạ, xúc phạm người khác… Chứng kiến sự lấn lướt của những nội dung “bẩn” trên MXH nhiều người không khỏi lo âu, e ngại, bức xúc…
Một số trang mạng xã
hội hướng dẫn học sinh, sinh viên “né” điểm danh khi học online cũng như hack
đáp án khi kiểm tra online. Ảnh chụp màn hình
* “Câu view” bất chấp
Hiện nay, rất nhiều người, nhất là những người trẻ đang sở hữu ít nhất một tài khoản MXH Facebook, YouTube, Tiktok. Để thu hút lượt người xem, chủ trang MXH đã sử dụng nhiều chiêu trò “câu view”, trong số đó thì “bóc phốt”, “chửi” người khác được xem là một thủ thuật được nhiều người sử dụng.
Chẳng cần biết chửi đúng hay sai, văn hóa hay vô văn hóa, chỉ cần chửi nghe thật mượt, thật đã tai là khả năng cao sẽ “hót”. “Chửi theo” để có nhiều subscribe (lượt đăng ký), nhiều like nhằm mục đích… bán hàng online.
Trước khi bị bắt, các buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng có đề cập đến hoạt động từ thiện, phán xét đời tư của nhiều nhân vật nổi tiếng như: nghệ sĩ Hoài Linh, MC Trấn Thành, ca sĩ Thủy Tiên, Vy Oanh... được rất nhiều các trang MXH chia sẻ, khai thác triệt nhằm “câu view”. Có thời điểm việc một số tài khoản MXH hùa theo bà Hằng chửi một số nghệ sĩ tạo ra một trào lưu trên mạng giữa các nhóm tự xưng là “phe nghệ sĩ” và “phe chính nghĩa”.
Không chỉ “ăn theo” bằng cách “bóc phốt” người nổi tiếng, không ít người còn làm video trên YouTube với những nội dung vô bổ, giật gân như: quay clip về các vụ tai nạn thương tâm, ngang nhiên chen vào đám tang của những người nổi tiếng chĩa điện thoại để livestream nhằm “câu like”. Thậm chí, có người còn quay clip ăn mặc hớ hênh, phản cảm, bất chấp “thuần phong mỹ tục” chỉ để có nhiều lượt xem…
Một phụ huynh ở TP.Biên Hòa cảm thán, thay vì xây dựng các nội dung lành mạnh hỗ trợ học sinh trong quá trình học trực tuyến, mới đây nhiều tiktoker đã “câu view” bằng cách làm các nội dung bày “kế” cho học trò “lách luật” khi điểm danh, ngủ vô tư trong giờ học online, hay thực hiện hành vi gian lận khi thi và kiểm tra trực tuyến. Các video gây tranh cãi là Study Hack - chỉ học sinh một số mẹo gian lận như: “Cách né bật camera khi học online bằng việc làm màn hình mờ”, “Làm sao để ngủ quên nhưng vẫn an toàn khi giáo viên điểm danh hay gọi bài online”, bày cách hack đáp án trong giờ kiểm tra online bằng hình thức trắc nghiệm… đã khiến nhiều học trò thản nhiên bắt chước bởi thao tác đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hành.
“Đáng lo là clip đã thu hút trên 3 triệu lượt thích, nhiều học sinh còn bình luận mong các tiktoker ra thêm video dạng này hơn nữa mà không biết rằng điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các em, khiến các em nảy sinh tâm lý ỷ lại, thụ động và gian dối trong học tập” - vị phụ huynh này bộc bạch.
* Để lành mạnh môi trường mạng
Để lành mạnh môi trường mạng thì người dùng mạng phải tuân thủ quy định của pháp luật, chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục, trên cơ sở đó từng bước xây dựng, lan tỏa các giá trị đích thực.
Một youtuber tại TP.Biên Hòa cho biết, cơ chế tính tiền bằng lượt xem trên nền tảng Google chính là nguyên nhân khiến người làm nội dung “câu view” bừa bãi. Khi clip càng có nhiều lượt xem thì càng được trả tiền cao, nhiều người đã không ngại làm những nội dung đi ngược lại với lợi ích, với truyền thống văn hóa, miễn là gây được chú ý. “Để trong sạch môi trường mạng, ngoài việc cần một cơ chế quản lý nội dung tốt hơn, mà người dùng cần mạnh tay tẩy chay những nội dung vô bổ” - youtuber này nói.
Theo youtuber nói trên, người dùng MXH có thể hành động để những video bẩn này biến mất bằng cách báo cáo (report) cho đơn vị quản lý MXH, tẩy chay. Khi người xem khắt khe hơn thì chất lượng video cũng sẽ được nâng cao để phù hợp hơn.
Đồng tình với quan điểm trên, chị Nguyễn Thị Minh (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho rằng, nếu người dùng MXH đứng ngoài cuộc thì “rác” trên mạng không thể “dẹp” hết được. Bởi chính sự dễ dãi khi vào like, xem các nội dung thiếu lành mạnh sẽ vô tình “hà hơi, tiếp sức” cho những nội dung lan truyền trên MXH. Không gian mạng xuyên biên giới nên không dễ quản lý hiệu quả một sớm một chiều, nếu không có sự tiếp sức, chung tay của người dùng thì dù cơ quan chức năng có mạnh tay, quyết liệt đến mấy cũng rất khó đạt hiệu quả căn cơ, bền vững trong cuộc chiến làm sạch “rác” văn hóa trên MXH.
Nhật Huy
Bà GIANG THỊ THU NGA, Phó Giám đốc Sở TT-TT: Ý thức người dùng là yếu tố quyết định sự trong sạch của môi trường mạng
Để trong sạch môi trường mạng, bên cạnh những quy định chế tài thì ý thức người dùng đóng vai trò quan trọng. Mới đây, Bộ TT-TT đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên môi trường mạng. Bộ quy tắc này mang ý nghĩa lớn trong việc nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng MXH. Khi có nhận thức đúng sẽ có hành vi đúng.
Hiện nay, việc quản lý thông tin trên MXH đang thực hiện trên cơ sở các quy định tại Luật An ninh mạng năm 2018, Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Theo đó, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật khi cung cấp, lưu trữ và truyền đưa thông tin trên mạng. Không được lợi dụng môi trường mạng để cung cấp, truyền đưa thông tin bị cấm như: đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; tuyên truyền, kích động bạo lực, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc…
Tổ chức, cá nhân khi có hành vi vi phạm pháp luật tùy theo mức độ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập