Những người trẻ giữ lửa nhạc dân tộc Đồng Nai

Thứ hai - 04/04/2022 15:21
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Không chỉ con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực giữ lửa âm nhạc của mình trên vùng đất Đồng Nai mà có rất nhiều người trẻ hôm nay vẫn rất đam mê, dành trọn tình yêu với nghệ thuật…

4-4 NS Dieu Tram.jpg?t=1752814360
Nghệ sĩ Điểu Trâm - người con của đồng bào Chơro H.Định Quán biểu diễn ca khúc Điện sáng về buôn làng, tham gia liên hoan diễn xướng các dân tộc năm 2022

Từ người con của đồng bào dân tộc giữ lửa

Nghệ sĩ Điểu Trâm sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo ở xã Túc Trưng (H.Định Quán), nơi có đông đồng bào dân tộc Chơro sinh sống. Mặc dù trong gia đình không có ai theo đuổi nghệ thuật nhưng cô lại đến với âm nhạc khá sớm, từ nhỏ đã được tiếp xúc với các loại nhạc cụ như: Đàn Chinh K’la, cồng chiêng... Âm thanh phát ra từ các nhạc cụ truyền thống và những giai điệu dân ca dân tộc làm Điểu Trâm say mê tự lúc nào không hay.

Nói về cơ duyên đến với âm nhạc, nghệ sĩ Điểu Trâm kể, phải đến năm học lớp 11 cô được gia đình cho chuyển về Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh (đóng tại H.Trảng Bom). Với năng khiếu ca hát và biết một số loại nhạc cụ truyền thống, cô tích cực tham gia hoạt động phong trào của lớp, trường, được thầy cô định hướng theo học âm nhạc chuyên nghiệp tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai, sau đó tiếp tục theo học thanh nhạc ở Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh.

“Sau khi ra trường, Trâm lựa chọn con đường hoạt động nghệ thuật tự do, đi dạy thanh nhạc và biểu diễn âm nhạc của dân tộc Chơro trong các hoạt động hướng đến cộng đồng. Năm 2021, Trâm chính thức về công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai; đồng thời thường xuyên thỉnh giảng tại Trường trung cấp VHNT Đồng Nai. Trong biểu diễn và giảng dạy, Trâm chú trọng kết hợp âm nhạc dân gian, dân ca với kỹ thuật âm nhạc phương Tây giúp cho các ca khúc bay bổng hơn, hiện đại hơn và phù hợp với xu hướng thưởng thức của khán giả hôm nay” - nghệ sĩ Điểu Trâm nói.

Trong quá trình đưa âm nhạc của người Chơro đến với cộng đồng, nghệ sĩ Điểu Trâm đoạt nhiều giải thưởng lớn tại các liên hoan, hội diễn, tiêu biểu như: huy chương vàng Liên hoan văn nghệ dân gian các dân tộc thiểu số; giải nhất, giải nhì các hội diễn văn nghệ quần chúng trong tỉnh… Mới đây nhất, nghệ sĩ Điểu Trâm tham gia Liên hoan diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây nguyên năm 2022. Cô biểu diễn xuất sắc ca khúc Điện sáng về buôn làng, vinh dự được trao giải B tại liên hoan.

Cùng với nghệ sĩ Điểu Trâm, nhiều nghệ sĩ trẻ trên địa bàn tỉnh đã và đang mang âm nhạc dân tộc đến với cộng đồng bằng những cách làm khác nhau. Tiêu biểu như nghệ sĩ đàn tranh Đinh Thị Thương Huyền, ngoài giảng dạy đàn tranh tại Đồng Nai và TP. Hồ Chí  Minh, cô còn tham gia dự án Đồng hành văn hóa tại Hàn Quốc. Trên đất nước bạn, chị Thương Huyền vừa học văn hóa, vừa học nhạc cụ truyền thống của Hàn vừa hướng dẫn nghệ sĩ các nước học đàn tranh của Việt Nam, tham gia các hoạt động giao lưu, biểu diễn, giới thiệu âm nhạc dân tộc.

…đến nhiều người trẻ trên địa bàn tỉnh

04-4 NS Tran Trung.jpg?t=1752814360

Nghệ sĩ Trần Trung kết hợp giữa nhạc điện tử và đàn bầu, biểu diễn, phát hành trên nền tảng Spotify và Apple Music

Đó là nghệ sĩ Bùi Khánh Trang có hơn 15 năm gắn bó với cây đàn tam thập lục; là nghệ sĩ Lê Đại Dương với cây đàn nhị, thường xuyên biểu diễn trong nhiều sự kiện văn hóa lớn của tỉnh. Anh cùng với học sinh, sinh viên của Trường trung cấp VHNT Đồng Nai tích cực đi cơ sở, phục vụ bà con trong các không gian văn hóa công cộng. Hay đó là nghệ sĩ Trần Trung - người con của vùng đất Biên Hòa đam mê đàn bầu, hiện đang công tác tại Nhạc viện TP. Hồ Chí  Minh đã ra mắt công chúng trong nước và quốc tế album gồm 4 ca khúc: Vào chùa, Cây trúc xinh, Em đi chùa Hương và Thuyền mộng. Album là sự kết hợp giữa nhạc điện tử và âm nhạc dân tộc, đã phát hành trên nền tảng Spotify và Apple Music.

Nghệ sĩ Trần Trung chia sẻ: “Hiện nay, khán giả thường chọn nghe các thể loại âm nhạc như: nhạc trẻ, nhạc trữ tình…; rất ít người thích âm nhạc truyền thống. Điều đó khiến tôi cảm thấy rất buồn, song không thể vì thế mà tôi buông xuôi, phải tìm cách đưa âm nhạc dân tộc đến với nhiều khán giả hơn bằng những tác phẩm mới mẻ, sáng tạo hơn, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa. Với quyết tâm đó, tôi đã và đang tiếp tục phát triển thêm các mảng hòa âm, phối khí các dòng nhạc mới để đưa nhạc dân tộc, dân ca Việt Nam đến gần với người trẻ”.

Thanh Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây