Thị trường chưa hồi phục hoàn toàn, xăng, dầu liên tục tăng giá và nguy cơ còn tiếp tục tăng, các doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh đang ở trong thực trạng rất khó khăn.
Trong bối cảnh đó, một số DN phải tính toán để cơ cấu lại hoạt động, sắp xếp lại phương tiện, cắt giảm các chi phí phát sinh để tiếp tục hoạt động.
Giá xăng, dầu lại tăng, khiến doanh nghiệp kinh doanh vận tải gặp không ít khó khăn trong hoạt động.
Buộc phải tăng giá cước
Giá xăng, dầu liên tiếp tăng trong hơn 2 tháng qua, dù đã giảm chút đỉnh song vẫn ở mức cao. Ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát, chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa và dịch vụ logistics ở TP.Biên Hòa cho biết, DN đã có thông báo đến các đối tác để thống nhất mức giá cước vận tải trong thời gian tới. Công ty đề xuất tăng thêm 7-10% so với giá cước vận tải hiện hành để bù đắp các chi phí phát sinh khi giá xăng, dầu liên tục tăng cao từ sau Tết Nguyên đán đến nay.
Tương tự, Công ty TNHH Vận tải đường bộ Phú Cường A (TP.Biên Hòa) cũng đã thông báo đến các DN, đơn vị đối tác để có phương án hỗ trợ giá cước vận chuyển vì tình hình giá xăng dầu liên tục biến động. Trong thời gian qua, công ty đã thông báo tăng giá cước đến khách hàng thêm 10% và có thể sẽ biến động thêm tùy thuộc vào thị trường xăng dầu.
Việc tăng giá cước trong thời điểm này cũng không phải dễ vì hầu hết người dân, DN cũng đang gặp khó khăn. Giá cước vận tải tăng sẽ khiến giá thành sản xuất bị đội lên, ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của nhiều DN. Tăng giá cước là chẳng đặng đừng để có thể tiếp tục hoạt động, nhưng mức tăng nếu so sánh ra không bù đủ chi phí. Giá cước tăng 10% so với trước thì giá nhiên liệu tăng gấp đôi, trong khi các chi phí phát sinh cũng liên tục đội lên, chưa bao giờ ngành Vận tải trải qua giai đoạn sóng gió như hiện nay.
Gồng gánh và sắp xếp lại hoạt động
Là đơn vị chuyên kinh doanh vận tải hành khách đi sân bay Tân Sơn Nhất và các điểm du lịch khu vực miền Nam, hiện tại Công ty TNHH An Phú Trường Thịnh vẫn chỉ đạt 70% số lượng khách so với thời điểm chưa bùng phát dịch Covid-19. Theo đại diện DN này, khách hàng thì vắng mà giá xăng, dầu lại tăng gấp đôi, khiến công ty gặp không ít khó khăn trong hoạt động. Công ty vẫn đang lựa chọn “gồng gánh” khoản chi phí gia tăng này để duy trì mức giá cạnh tranh cho khách hàng. Chi phí đầu vào thì “leo thang” liên tục nhưng công ty phải cố gồng gánh để duy trì dịch vụ trong tình trạng rất khó khăn. DN cũng đang cân nhắc tăng giá cước các điểm đến nhưng cũng lo phản ứng của khách nếu công ty tăng giá cước lên 10-15%.
Cầm cự mãi cũng đến lúc phải tái cơ cấu hoạt động. Công ty TNHH Vận tải Quang Đỉnh đã có hơn 10 năm hoạt động trên địa bàn Đồng Nai. Công ty hiện có hàng chục đầu xe vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh và chuyển hàng đi khắp cả nước. Nhằm có thể bù lỗ, giảm bớt khó khăn, công ty đang tính toán để sang nhượng một số phương tiện, giảm lượng xe sở hữu bởi công suất hoạt động chưa đủ, một số xe phải nằm bãi. Bên cạnh đó, phải tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, cắt giảm tối đa những chi phí phát sinh liên quan, cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tương tự, đại diện một HTX vận tải có hàng ngàn đầu xe cho hay, đơn vị luôn trong tình trạng các xã viên than thở. Tình trạng chung là phương tiện chạy cũng lỗ mà không chạy càng nguy hiểm hơn, bởi hầu hết các thành viên đều thế chấp xe ở ngân hàng và đây là kế sinh nhai hàng ngày của họ. Khó gồng gánh nổi, thời gian gần đây nhiều xã viên của HTX đã nhờ đơn vị bán bớt một số phương tiện của mình.
Nam Vũ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập