Lĩnh vực công nghiệp đóng góp rất lớn cho nền kinh tế cả nước cũng như Đồng Nai, nhưng đến nay vẫn chưa có Luật Khu công nghiệp (KCN). Việc này ảnh hưởng nhiều đến quá trình phát triển công nghiệp của các địa phương. Đồng Nai và nhiều tỉnh thành khác đã có đề xuất Quốc hội có Luật KCN.
- Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2.
Việt Nam hiện có gần 280 KCN đã đi vào hoạt động. Các KCN đóng góp khá lớn cho GDP của Việt Nam. Đồng Nai có 35 KCN với tổng diện tích khoảng 17 ngàn ha. Đến nay, có 31 KCN đi vào hoạt động, thu hút gần 1,9 ngàn dự án của doanh nghiệp (DN) trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
*Khó khăn vì thiếu luật
Hiện nay, hoạt động trong các KCN chủ yếu dựa vào các Luật Xây dựng, đầu tư, môi trường, lao động, đất đai... Trong quá trình thực hiện các luật trên có những điểm chưa thống nhất nên công tác quản lý nhà nước trong các KCN còn nhiều bất cập. Điều này gây ra khó khăn cho các DN trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của các DN trong KCN.
Ông Trần Vũ Hoài Hạ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư cho biết: “Các KCN riêng biệt nên cần có Luật KCN để quản lý điều hành được thuận lợi hơn. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ phối hợp với các bộ ngành, nhanh chóng thành lập các KCN đã được Chính phủ phê duyệt để mở rộng sản xuất công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh”.
Thời gian qua, các tỉnh thành trong cả nước đề xuất Chính phủ cho thành lập thêm các KCN mới để đáp ứng yêu cầu trong phát triển kinh tế là tăng tỷ trọng công nghiệp- xây dựng và giảm sản xuất nông, lâm nghiệp. Muốn các KCN hoạt động hiệu quả, tránh được những bất cập trong quản lý và hoạt động rất cần có Luật KCN sẽ hạn chế được những kẽ hở mà các luật khác chưa đề cập đến.
Ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đánh giá, vì chưa có Luật KCN nên các KCN đang hoạt động dựa vào các luật khác còn nhiều hạn chế. Đơn cử là một số KCN đi vào hoạt động, thấy có nhiều DN thứ cấp thuê đất có thể đẩy giá đất cho thuê lên cao, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư chung của tỉnh. Cũng có những trường hợp DN trả tiền thuê đất hằng năm, công ty hạ tầng điều chỉnh tăng qua từng năm khiến DN gặp khó khăn. Vì DN đã đầu tư vốn lớn vào xây dựng nhà xưởng, dù giá thuê đất trong KCN tăng cao cũng buộc phải chấp nhận. Vấn đề này, DN có phản ánh với Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, nhưng ban cũng chỉ nhắc nhở công ty hạ tầng, còn giữ nguyên giá cho thuê đất hay tiếp tục tăng không thể can thiệp...
*Mong sớm có Luật KCN
Đến nay, các KCN của tỉnh đã thu hút khoảng 2 ngàn dự án của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Tới đây, khi nhiều KCN mới của tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động sẽ thu hút được nhiều DN trong nước, nước ngoài. Do đó, các KCN rất cần có Luật KCN làm nền tảng để tạo sự ổn định về cơ sở pháp lý cho hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước và DN trong KCN.
Ông Park Hyun Bae, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Đồng Nai cho hay: “Trong năm nay và các năm tới, các DN Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư vào tỉnh, lĩnh vực thu hút vốn lớn vẫn là công nghiệp. DN Hàn Quốc mong có Luật KCN quy định rõ ràng để đảm bảo cho DN hoạt động hiệu quả, giảm bớt các rủi ro, vướng mắc”.
Tỉnh có đề xuất Chính phủ quy định rõ việc phân cấp. phân quyền thực hiện quản lý nhà nước trên các lĩnh vực trong các KCN theo cơ chế một cửa tại chỗ tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết: “Tới đây, tỉnh sẽ tham mưu Chính phủ sớm xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật KCN để góp phần phát triển công nghiệp của Đồng Nai cũng như cả nước. Mục tiêu đơn giản các thủ tục, tạo môi trường thông thoáng cho DN trong nước, nước ngoài hoạt động hiệu quả”. Các DN hoạt động tốt sẽ đóng góp lớn cho thu ngân sách nhà nước, nâng cao thu nhập của hàng trăm ngàn người lao động trong các KCN trên địa bàn tỉnh.
Vi Quân