Tại Đồng Nai, người khuyết tật (NKT) được đảm bảo thụ hưởng đầy đủ các chế độ chung theo quy định của Nhà nước và ưu đãi riêng của tỉnh. Đồng thời, tùy vào tình trạng khuyết tật mà từng hoàn cảnh khuyết tật còn được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng… Qua đó góp phần hỗ trợ cuộc sống của NKT và giúp họ hòa nhập cộng đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo trao quà tết cho người khiếm thị tại TP.Biên Hòa
Hỗ trợ NKT hòa nhập, tự chủ
Chương trình trao vốn cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin được các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh duy trì trong nhiều năm qua. Thông qua mô hình này, căn cứ vào nguồn quỹ huy động được, nhu cầu của hội viên, từng cấp Hội tiến hành cho nạn nhân, thân nhân nạn nhân vay vốn để buôn bán nhỏ, mua thêm con giống về chăn nuôi hay những loại máy móc cần thiết cho việc làm nghề. Hiện trung bình mỗi Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cấp xã, phường, thị trấn cho từ 3-5 hội viên vay vốn từ mô hình này.
Riêng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đang trao vốn hỗ trợ sinh kế cho 28 gia đình có nạn nhân da cam. Mỗi trường hợp được hỗ trợ từ 5-10 triệu đồng. Theo bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, tuy số vốn trao cho người vay nhỏ song qua kiểm tra, đánh giá, người vay đã sử dụng số tiền hiệu quả để mưu sinh theo khả năng khuyết tật của bản thân.
Còn hội Người mù tỉnh đang triển khai 11 dự án cho 80 người vay với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, thông qua hoạt động của 14 cơ sở, tổ nhóm dịch vụ xoa bóp giải quyết việc làm cũng đã góp phần tạo việc cho khoảng 60 lao động với mức thu nhập ổn định từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, Hội Người mù cấp huyện, thành phố cũng chủ động kết nối, trợ giúp hội viên có công việc phù hợp với khả năng bằng cách gia công các mặt hàng (làm chổi, xếp hộp quà giấy, đan lát, trao vốn bán vé số…).
Cùng với các chương trình trợ vốn, tạo việc làm, vấn đề phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho NKT đặc biệt được tỉnh quan tâm. Theo Sở LĐ-TBXH, thời gian qua đã có 5 đợt khám lâm sàng tại các huyện: Định Quán, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa được thực hiện để tiến hành hỗ trợ phục hồi chức năng cho gần 300 NKT với hơn 550 lượt dịch vụ y tế. Đồng thời, đã có 130 NKT được cấp dụng cụ trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, xe lăn, xe lắc. Riêng với những trường hợp khuyết tật nặng và gia đình có hoàn cảnh khó khăn, năm qua đã có 150 người được tỉnh phối hợp cùng các bệnh viện tại TP.HCM tổ chức phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng miễn phí.
Y bác sĩ tư vấn điều trị cho NKT và thân nhân tại Trạm y tế P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa
Chăm lo điều kiện sống cho NKT
Một trong những sự trợ giúp của nhà nước được thực hiện thường xuyên, liên tục và được xem là cứu cánh dành cho NKT, gia đình NKT chính là trợ cấp xã hội hằng tháng. Có một điểm đáng chú ý là mức trợ cấp của tỉnh dành cho NKT luôn cao hơn so với mức chung mà Trung ương quy định. Cụ thể, tùy mức độ khuyết tật cụ thể mà NKT trên địa bàn tỉnh được hưởng mức trợ cấp từ 300-900 ngàn đồng/người/tháng và người chăm sóc NKT cũng được trợ cấp tiền nuôi dưỡng NKT hàng tháng. So với mức trợ cấp theo quy định chung của Trung ương chỉ từ 30-480 ngàn đồng/tháng/người thì giá trị trợ cấp mà tỉnh đang hỗ trợ cho NKT cao hơn rất nhiều.
Theo đó, mỗi năm, tỉnh sử dụng hàng trăm tỷ đồng chi trợ cấp cho NKT. Như trong năm 2020, tỉnh đã xét duyệt hồ sơ, quản lý và chi trợ cấp cho 32,2 ngàn NKT với số tiền trên 224 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn chi trợ cấp cho 13,2 ngàn hộ gia đình nuôi dưỡng NKT với số tiền 47 tỷ đồng.
Cùng với đó, những trường hợp NKT có hoàn cảnh gia đình khó khăn còn được các Hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, mạnh thường quân trợ giúp thêm. Bà Nguyễn Thị Thu Thảo (ngụ P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa) cho hay, con bà là NKT hiện được hưởng trợ cấp 600 ngàn đồng/tháng. Bản thân bà là người nuôi dưỡng được trợ cấp 300 ngàn đồng/tháng. Ngoài ra, mỗi tháng con bà còn được nhận thêm 300 ngàn đồng do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh vận động mạnh thường quân trao tặng. “Tổng số tiền 2 mẹ con được nhận cố định hàng tháng chỉ 1,2 triệu đồng nhưng đây là nguồn thu chính để mẹ con tôi lo việc sinh hoạt trong gia đình” - bà Thảo nói.
Cùng với duy trì trợ cấp, sự quan tâm khác về chăm sóc sức khỏe, phương tiện di chuyển, sinh hoạt thể thao - văn hóa… dành cho NKT cũng được đặc biệt quan tâm. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 2 ngàn NKT được cấp thẻ đi xe buýt miễn phí. Để thuận tiện cho việc di chuyển của NKT, Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng tỉnh đã đầu tư, cải tạo các nhà chờ, điểm dừng đảm bảo quy chuẩn tiếp cận cho NKT.
Ngoài ra, trong số gần 1,3 ngàn CLB thể dục thể thao đang hoạt động, có nhiều CLB dành cho NKT gắn với một số môn thể thao như: 120 CLB cầu lông, 82 CLB thể hình, 70 CLB bóng bàn… Song song đó, toàn tỉnh đã lắp đặt hơn 400 dụng cụ tập luyện thể dục thể thao tại công viên, trung tâm văn hóa - thể thao, trung tâm học tập cộng đồng các xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa, khu thể thao ấp, nhà văn hóa khu phố, những nơi tập trung đông dân cư thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia luyện tập, trong đó có NKT.
Nguyễn Vân
Box: Toàn tỉnh hiện có khoảng 50 ngàn NKT. Trong đó số này có hơn 32,2 ngàn NKT đặc biệt nặng và nặng cùng hơn 17,7 ngàn NKT nhẹ.