Đến nay, cả nước có 88 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ gần 91% tổng số dân cả nước. Có gần 16,2 triệu người tham gia BHXH, đạt 32,7% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó bao gồm người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh tặng bằng khen cho doanh nghiệp Hàn Quốc có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật
về BHXH, BHYT năm 2020
Hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp
Hàn Quốc hiện giữ vị trí thứ nhất về đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký trên 70,6 tỷ USD, trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Riêng lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN, đến nay có hơn 1,31 triệu người lao động tại 4.559 doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia BHXH. Trong đó có 1,29 triệu người là người lao động Việt Nam, hơn 12 ngàn người là lao động nước ngoài. Số thu BHXH của các doanh nghiệp Hàn Quốc chiếm trên 25% tổng số thu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tại Đồng Nai, Hàn Quốc đang dẫn đầu trong số 45 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai với tổng vốn đăng ký gần 7 tỷ USD với hơn 300 dự án. Năm 2020, có 329 doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia BHXH, bảo hiểm tai nạn - bệnh nghề nghiệp với số tiền đóng hơn 3,4 ngàn tỷ đồng, chiếm 28% tổng số thu BHXH, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp khối doanh nghiệp FDI. Tổng số lao động làm việc tại các doanh nghiệp Hàn Quốc trên địa bàn tỉnh là hơn 155 ngàn người, chiếm 28% tổng số người tham gia BHXH thuộc khối doanh nghiệp FDI.
Mới đây BHXH Việt Nam lần đầu tiên tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp Hàn Quốc đang sản xuất, kinh doanh tại Đồng Nai, TP.HCM và Bình Dương nhằm giải đáp các thắc mắc cũng như giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc thực hiện tốt hơn chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tại đơn vị.
Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, để tối ưu hóa quyền lợi cho người lao động, hai nước đang tiến hành đàm phán để đi tới ký kết Hiệp định song phương về BHXH giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc. Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam và Cơ quan Hưu trí quốc gia Hàn Quốc sẽ ký kết thỏa thuận thực hiện nhằm tạo cơ sở và hành lang pháp lý cho việc thực hiện và đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội của người lao động mỗi nước.
Hiệp định song phương về BHXH giữa Việt Nam và Hàn Quốc nhằm các mục đích: Loại bỏ những yêu cầu về đóng BHXH 2 lần đối với người lao động; giảm thiểu gánh nặng về tài chính cho người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài do họ phải đóng vào quỹ BHXH ở cả 2 nước. Khi Hiệp định được ký thì người lao động sẽ chỉ phải tham gia đóng BHXH ở 1 trong 2 quốc gia. Ngoài ra, Hiệp định còn nhằm cải thiện khả năng hưởng lợi ích, đảm bảo quyền lợi hưởng BHXH tốt hơn cho người lao động. Người lao động có đủ điều kiện hưởng hưu trí thông qua việc tính cộng gộp thời gian đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi của người lao động nước ngoài như công dân của nước sở tại về việc hưởng quyền lợi, trợ cấp xã hội, chế độ hưu trí…
Đại diện các doanh nghiệp Hàn Quốc trải nghiệm ứng dụng VssID
bằng tiếng Hàn Quốc
Đẩy mạnh cải cách hành chính
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, cùng với Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, thời gian qua BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính. Với phương châm coi người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ và thước đo để đánh giá công tác cải cách thủ tục hành chính, đến nay, BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác cải cách thủ tục hành chính.
Cụ thể, trước năm 2016, ngành BHXH có 125 thủ tục hành chính, đến nay chỉ còn 25 thủ tục, đã cắt giảm 100 thủ tục. BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp 100% các dịch vụ công mức độ 4 cho các thủ tục hành chính của ngành. Tức là người dân, doanh nghiệp tương tác với cơ quan BHXH đều trực tuyến; có 17 dịch vụ được tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Các dịch vụ công trực tuyến của BHXH Việt Nam được tái cấu trúc theo hướng tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục nên chất lượng được nâng cao.
Tháng 11 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức công bố ứng dụng BHXH số (VssID) trên nền tảng thiết bị di động dành cho cá nhân. Đây được xem là bước đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trong quá trình chuyển đổi số của BHXH Việt Nam theo lộ trình xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam.
Không chỉ được cài đặt bằng Tiếng Việt, ứng dụng BHXH số (VssID) còn có phiên bản Tiếng Hàn Quốc nhằm giúp người lao động, doanh nghiệp Hàn Quốc dễ dàng tiếp cận, tra cứu, trải nghiệm các tính năng, tiện ích của ứng dụng này, tương tác với cơ quan BHXH khi cần. Từ đó, tạo sự lan tỏa rộng khắp, thúc đẩy các doanh nghiệp Hàn Quốc thực hiện ngày càng tốt hơn các chính sách về BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
Việt Anh