Tăng đầu tư cho công nghiệp nông thôn

Thứ năm - 29/04/2021 15:30
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

​Tiềm năng để phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp vùng nông thôn ở Đồng Nai những năm tới là rất lớn, tuy nhiên quy mô, mức độ phát triển vẫn còn bất cập. Những lợi thế từ việc khai thác các thế mạnh của địa phương chưa được chú trọng đúng mức.

29.4-Tăng đầu tư cho công nghiệp nông thôn.jpg
Mộc mỹ nghệ Thành Nhân, cơ sở sản xuất nông thôn tiêu biểu của Đồng Nai  
Giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai đã đặt ra mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn sẽ chiếm khoảng 8,5% trong cơ cấu sản xuất của tỉnh đồng thời đầu tư hàng chục tỷ đồng hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp (DN) công nghiệp vùng nông thôn phát triển.
Nâng cao giá trị xuất khẩu của công nghiệp nông thôn
Theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, Chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh trong 5 năm tới hướng đến mục tiêu huy động có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vùng nông thôn một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp DN vùng nông thôn hội nhập với kinh tế quốc tế. Cụ thể, sẽ hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn có lợi thế cạnh tranh, có tiềm năng về thị trường trong và ngoài nước như dệt may, chế biến nông sản thực phẩm, gỗ gia dụng, hàng thủ công mỹ nghệ, ngành nghề không gây ô nhiễm môi trường…Song song đó là hỗ trợ các DN này về năng lực quản lý và chất lượng nguồn nhân lực, khả năng phát triển mẫu mã sản phẩm, đổi mới công nghệ sản xuất nhằm nâng cao giá trị cho công nghiệp vùng nông thôn.
Để triển khai nhiệm vụ nói trên, Đồng Nai đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân hàng năm giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn giai đoạn từ 5-5.4%/năm, chiếm tỷ trọng 8-8.5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu công nghiệp nông thôn đạt 900 triệu USD, tăng trưởng bình quân đạt 5.2-6%.
71 tỷ đồng cho chương trình khuyến công
Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện Chương trình khuyến công giai đoạn trên địa bàn toàn tỉnh vào khoảng 71 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công địa phương hơn 41tỷ đồng, thu hút từ các cơ sở công nghiệp nông thôn 28 tỷ đồng, còn lại là các nguồn khác. Sẽ có 47 cơ sở công nghiệp nông thôn được cấp một phần kinh phí để ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại vào sản xuất, đồng thời được tập huấn, đào tạo tay nghề cho người lao động cũng như giải pháp để trưng bày, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng…
Theo ông Nguyễn Thành Nhân, chủ cơ sở mộc mỹ nghệ Thành Nhân ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai rất tiềm năng phát triển các ngành nghề công nghiệp nông thôn, trong đó có mộc mỹ nghệ. Tuy nhiên vấn đề là hiện nay năng lực sản xuất của từng đơn vị cá thể còn rất nhỏ, khó đáp ứng các yêu cầu cao của xuất khẩu. Các cơ sở vẫn chưa liên kết với nhau để có thể tạo ra được năng lực sản xuất tập trung lớn hơn. Đây cũng là điều trăn trở bấy lâu nay mà các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ từ chính sách Nhà nước. 
Vi Quân
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây