Cùng hướng về quê hương

Thứ năm - 29/04/2021 14:37
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Đồng Nai hiện có trên 32 ngàn kiều bào đang sinh sống và làm việc tại các quốc gia, vùng lãnh thổ. Thời gian qua, từ chính sách cởi mở của Việt Nam, đông đảo Việt kiều đã về nước và tham gia đầu tư phát triển kinh tế, đóng góp không nhỏ vào những thành tựu chung của tỉnh nhà.
1c991f6c0ad3f88da1c2.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vitrac, Phó chủ nhiệm CLB
Hỗ trợ Người khuyết tật vươn lên trực thuộc Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai
trao tiền hỗ trợ cho người khuyết tật tại H.Vĩnh Cữu
Tạo việc làm, đóng góp ngân sách
Những năm qua, cùng với cả nước, Đồng Nai luôn tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào, thân nhân kiều bào tham gia các hoạt động của đời sống xã hội. Qua đó, kiều bào, thân nhân kiều bào đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, hiện có khoảng 20 doanh nghiệp của Việt kiều đang tham gia sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Cùng với nhiều kiều bào khác, năm 2005, ông Nguyễn Ngọc Sơn từ Đức trở về nước đầu tư kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, như vận tải, bất động sản, xử lý rác… Hiện ông đang đảm nhận vai trò thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Vitrac (đóng tại P.An Bình, TP.Biên Hòa).
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, chia sẻ: “Khi mới bắt đầu kinh doanh, tôi cũng gặp một số khó khăn nhất định. Song được sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương tỉnh Đồng Nai, nỗ lực của cá nhân và tập thể người lao động trong các dây chuyền sản xuất, kinh doanh nên việc làm ăn sớm đi vào ổn định và phát triển tốt”.
Cũng theo ông Sơn, ngoài vai trò là Tổng giám đốc Công ty CP Vitrac, ông còn tham gia điều hành nhiều đơn vị sản xuất, thương mại dịch vụ, vận tải khác. Hiện các đơn vị này đang tạo việc làm ổn định cho hơn 500 lao động chính thức cùng khoảng 350 lao động thời vụ. Đồng thời, mỗi năm, Công ty CP Vitrac với 15 cơ sở, văn phòng đại diện và công ty con trong cả nước nộp các loại thuế, phí gần 100 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Bà Lê Thanh Tâm có 6 năm đảm nhận vai trò kế toán tại Công ty CP Vitrac chia sẻ: “Cùng với các lãnh đạo khác của công ty, ông Nguyễn Ngọc Sơn luôn tạo điều kiện tốt nhất để người lao động yên tâm làm việc với tinh thần vui vẻ, đoàn kết, cởi mở, đồng thời đảm bảo chế độ tốt cho người lao động”.
Trước đó, vào năm 2004, ông Jame Hiếu Nhơn Khưu từ Úc về nước đầu tư nhà máy sản xuất, chế biến thực phẩm từ gia súc, gia cầm, thủy hải sản và ngũ cốc tại TP.Biên Hòa. Tổng giám đốc Công ty TNHH Koyu & Unitek Jame Hiếu Nhơn Khưu cho hay, trong quá trình hoạt động, công ty của ông luôn được chính quyền tạo điều kiện trong quá trình sản xuất, thực hiện các thủ tục liên quan. Hiện công ty đang tạo việc làm cho hơn 600 lao động. Trong chiến lược phát triển của mình, công ty sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư về quy mô sản xuất trong thời gian tới. “Môi trường làm việc ở Việt Nam nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng rất tốt và còn nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư. Tôi rất hy vọng ngày càng có nhiều kiều bào có ý tưởng đầu tư sẽ chọn Việt Nam, Đồng Nai làm địa điểm cho mình” - ông Jame Hiếu Nhơn Khưu nói.
267c148a0235f06ba924.jpg
Đại diện Hội Nạn nhân chất độ da cam/dioxin tỉnh trao tiền trợ cấp nuôi dưỡng thường xuyên do kiều bào hỗ trợ cho một nạn nhân da cam
Chung tay trợ giúp người yếu thế
Song song với đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân, kiều bào, thân nhân kiều bào còn tích cực chung tay thực hiện các hoạt động nhân đạo từ thiện xã hội trợ giúp người yếu thế.
Cụ thể, thông qua CLB Hỗ trợ người khuyết tật vươn lên, trực thuộc Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Vitrac đã kết nối chủ các doanh nghiệp hỗ trợ cho 1,4 ngàn người khuyết tật vay vốn với số tiền 10 tỷ đồng để buôn bán nhỏ. Đồng thời, cho 100 người khuyết tật vay vốn không hoàn lại với số tiền 500 triệu đồng…
Còn từ năm 2018 đến nay, bà Đỗ Thị Chương Đài thuộc Đoàn Trường Sơn - Hội Người Việt Nam tại Bỉ đã ủng hộ nuôi dưỡng, trợ cấp thường xuyên cho nạn nhân Hàn Hoàng Ánh, ở P.Tân Phong, TP.Biên Hòa với số tiền 300 ngàn đồng/tháng. Hay mới nhất vào năm 2020, Hội Hữu nghị Bỉ - Việt đã ủng hộ nuôi dưỡng trợ cấp thường xuyên cho 4 nạn nhân chất độc da cam ở H.Tân Phú với số tiền 300 ngàn đồng/nạn nhân/tháng.
Bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, nói: “Thời gian qua, thông qua các chương trình kêu gọi trợ giúp cho nạn nhân chất độc da cam do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thực hiện, đã có nhiều kiều bào ở nước ngoài hưởng ứng. Qua đó, đã góp phần cùng với tổ chức Hội chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh”.
Bên cạnh đó, kiều bào ở nước ngoài còn cùng với người thân trong nước thường xuyên tham gia đóng góp vật chất trợ giúp những hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống.
Nguyễn Vân

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây