Trạm y tế phường Hóa An: Góp phần nâng cao chất lượng dân số

Thứ ba - 02/07/2019 21:58
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Trong những năm gần đây, Trạm y tế phường Hóa An (TP. Biên Hòa) đã có nhiều nỗ lực trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGÐ). Theo đó đã tích cực làm thay đổi nhận thức của người dân, góp phần nâng cao chất lượng dân số.​

Câu lạc bộ không sinh con thứ 3

Với mục tiêu giảm sinh con thứ 3 và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, trong những năm qua, trạm đã phối hợp với UBND phường, Hội Phụ nữ phường, khu phố và các cộng tác viên (CTV) dân số đến từng hộ gia đình có ý định sinh con thứ 3 để tuyên truyền, vận động tham gia vào Câu lạc bộ (CLB) không sinh con thứ 3. Mục đích là giúp người dân sinh đẻ có kế hoạch, tập trung nuôi dạy con cái thật tốt, có điều kiện để phát triển kinh tế.


 Cộng tác viên dân số hướng dẫn các biện pháp tránh thai cho một gia đình sinh con một bề là gái tại phường Hóa An, TP. Biên Hòa.

CLB không sinh con thứ 3 được thành lập năm 2009, đến nay thu hút 25 hội viên tham gia sinh họat. CLB sinh hoạt mỗi tháng một lần, với những nội dung phong phú và hữu ích như: cách thức sử dụng các biện pháp tránh thai, phòng, chống HIV/AIDS, kỹ năng nuôi con khỏe, dạy con ngoan... Nhờ vậy, nhiều cặp vợ chồng đã tự nguyện thực hiện tốt các chính sách về DS-KHHGÐ, cam kết không sinh thêm con thứ 3.

Gia đình chị Trần Thị H. (37 tuổi) sinh được hai người con gái. Mặc dù chồng của chị H. là con trai trưởng trong gia đình nhưng vợ chồng chị vẫn quyết định dừng lại không sinh thêm. “Gái hay trai không quan trọng, quan trọng là vợ chồng có sức khỏe để chăm lo, nuôi dạy con cái tốt hơn và có điều kiện phát triển kinh tế”, chị H. nói.

Bên cạnh việc nâng cao kiến thức về việc sinh đẻ có kế hoạch, CLB còn giúp các hội viên phát triển kinh tế. Nếu gia đình hội viên nào có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo đều được đưa vào chính sách hỗ trợ từ UBND và Hội Phụ nữ phường. Cụ thể, thông qua Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (Quỹ CEP), những gia đình khó khăn trên địa bàn được hỗ trợ vay vốn để làm ăn, tăng thu nhập. Nhờ đó, nhiều gia đình có kinh phí sửa sang lại nhà cửa, nuôi con đi học đại học và đầu tư phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ…

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, chuyên trách DS-KHHGÐ, Trạm y tế phường Hóa An cho biết, CLB không sinh con thứ 3 không chỉ mang lại nhiều kiến thức bổ ích cho các hội viên mà còn trở thành “ngôi nhà chung”. Từ đó, chị em trong CLB có cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, vươn lên thoát nghèo…

Trước đây, Hóa An là phường có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao. Nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và hiệu quả từ CLB này, tỷ lệ sinh con thứ 3 ngày càng giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2019, có 5 trẻ sinh ra là con thứ 3/130 trẻ, chiếm chưa đến 4%, thấp hơn so với chỉ tiêu 5%.

Nâng cao nhận thức người dân

Theo chị Thủy, phường Hóa An hiện có 6.000 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, trong  đó có 870 cặp vợ chồng sinh con một bề. Trước đây, đa phần tư tưởng của nhiều người chồng muốn có con trai để nối dõi và làm trụ cột gia đình, do đó, khi đến nhà tuyên truyền, vận động rất khó khăn.

Cuối năm 2012, khi nắm bắt được gia đình chị T.N.K. (34 tuổi) có con một bề là gái và đang bị bệnh tim. Chị Thủy đã tư vấn phương pháp tránh thai an toàn, phù hợp và đến nhà giải thích cho người chồng về những nguy hiểm mà chị K. phải đối mặt khi mang thai. “Chồng chị K. không đồng ý mà còn lớn tiếng cho rằng con tôi đẻ được thì nuôi được, các cô lo chuyện bao đồng”, chị Thủy kể.

Sau nhiều lần đến nhà thuyết phục bằng các lý lẽ, cuối chồng chị K. đã đồng ý cùng vợ sử dụng các biện pháp tránh thai để đảm bảo sức khỏe cho vợ. Còn anh Hoàng Trọng L. (40 tuổi) chia sẻ, cách đây 5 năm khi gia đình sinh con thứ 2 cũng là con gái. Ngay khi đó, cán bộ dân số và CTV thường xuyên đến nhà trao đổi về việc dừng lại 2 con để nuôi dạy cho tốt. “Mới đầu, tôi thấy khó chịu khi có người khác đến nhà nói về vấn đề KHHGÐ. Nhiều lần, tôi đã lớn tiếng với chuyên trách và CTV dân số. Sau đó nghĩ lại, thấy cán bộ dân số phân tích hợp lý, tôi thay đổi suy nghĩ, không cần sinh con trai nữa”, anh L. nói.

BS. Ðậu Ngọc Trung, Trưởng trạm Y tế phường Hóa An cho biết, có được những thành quả này là nhờ sự quan tâm của UBND phường và các ban, ngành, đoàn thể. Khi có khó khăn hay vướng mắc gì đều được giải quyết kịp thời. Nhờ vậy, khi thực hiện các chương trình, đề án không chỉ dân số mà các chương trình khác đều dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, trạm có chuyên trách và đội ngũ CTV nhiệt tình, nhiều kinh nghiệm và luôn đoàn kết, cùng nhau hướng tới mục tiêu dân số khỏe, thông minh.

P.V

Tác giả: P.V

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây