Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Thí sinh thoải mái, tự tin sau ngày thi đầu tiên

Thứ ba - 25/06/2019 22:16
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Sáng 25-6, hơn 27.300 thí sinh Ðồng Nai đã dự thi 2 môn thi đầu (Ngữ văn và Toán) trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, chiếm 99,3% tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Cả 2 môn thi đều được thí sinh nhận định là “dễ thở”. Sau ngày thi đầu tiên, nhiều thí sinh cho biết đã hoàn thành bài thi tốt và cảm thấy nhẹ nhõm, nhờ đó tự tin hơn trước các môn thi tiếp theo.​

Đồng hành cùng con nhưng không quá căng thẳng

Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày thi đầu tiên, các thí sinh có mặt tại điểm thi khá sớm, phần lớn thí sinh tự đi xe đến điểm thi do điểm thi chính là trường mà các em theo học. Trong khi đó, nhiều thí sinh được phụ huynh đưa đi và đợi đến hết giờ thi. Tuy nhiên, phía trước cổng trường khá vắng, đảm bảo trật tự. Ða số phụ huynh đợi con đều ngồi chờ tại các quán nước gần trường, một số khác về nhà đợi đến giờ mới lên đón con. Tại điểm thi Trường THPT Trấn Biên, có 1 thí sinh đến sau khi có trống báo hiệu phát đề. Rất may là thí sinh này chỉ đi muộn khoảng 5 phút nên vẫn được phép vào phòng thi.


Thí sinh tại Hội đồng thi Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng.

Ông Nguyễn Trọng Ngoan (phường Hòa Bình, TP. Biên Hòa), phụ huynh thí sinh Nguyễn Trọng Ðức Lương thi tại điểm thi Trường THPT Trấn Biên là người làm kinh doanh. Mặc dù làm công việc khá bận rộn nhưng trong những ngày này, ông đã gác lại công việc để đưa đón con đi thi. Sau khi con vào phòng thi, ông tranh thủ vào quán nước nhưng “sốt ruột” nên lại chạy xe đến trước cổng trường để đợi. Trong khi đó, vợ của ông ở nhà cũng liên tục gọi điện để hỏi thăm tình hình.

Ðược biết, Lương là học sinh giỏi cấp tỉnh, em chọn xét tuyển vào ngành Công nghệ thông tin của Trường đại học Bách khoa. Dù lực học của con tốt nhưng vợ chồng ông Ngoan không tránh khỏi căng thẳng, hồi hộp. Tuy vậy, đối với con, vợ chồng ông Ngoan luôn động viên con hãy xem đây là một kỳ thi bình thường, nếu không đậu vào trường như mong muốn thì có thể chọn trường khác với mức điểm thấp hơn, miễn là học đúng ngành con thích.


Thí sinh Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng trao đổi bài với giáo viên bộ môn sau buổi thi môn Ngữ văn.

Bà Nguyễn Thị Thúy Vân (phường An Bình), cũng là phụ huynh có con thi tại điểm thi Trường THPT Trấn Biên. Theo bà Vân chia sẻ, kỳ thi THPT quốc gia rõ ràng là một kỳ thi rất quan trọng đối với các thí sinh và gia đình có con tham dự kỳ thi. Tuy nhiên, nếu thí sinh có thể xem đây là một kỳ thi bình thường như những kỳ kiểm tra khác thì sẽ cảm thấy bớt căng thẳng, áp lực hơn rất nhiều.

Nói về công tác tổ chức kỳ thi, ông Nguyễn Trọng Ngoan cho rằng: “Những tiêu cực đã từng xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm ngoái ở một số tỉnh phía Bắc phần nào khiến cho học sinh bất an, phụ huynh cũng thêm phần lo lắng. Vì vậy, chúng tôi mong muốn kỳ thi này sẽ được tổ chức một cách nghiêm minh, công bằng triệt để. Có như vậy thì mới không “oan uổng” cho những học sinh thực sự có năng lực”.

Đề thi Ngữ văn được đánh giá hay, tính phân loại cao

Tại điểm thi Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi khá sớm trong buổi thi môn Ngữ văn. Ðây hầu hết là những thí sinh không chọn khối C, D để xét tuyển đại học mà chỉ cần đạt điểm đủ để xét tuyển tốt nghiệp. Có lẽ chính vì chọn lựa này nên các em có tâm lý khá thoải mái, tự tin sau khi làm bài. Thí sinh Phạm Kiều Oanh cho rằng, đề thi này vừa sức với em và khá hài lòng với bài làm của mình. Tương tự như Oanh, thí sinh Lương Chính Ðại ra trước khi hết giờ làm bài 20 phút. Ðại đặt mục tiêu đạt 2 hoặc 3 điểm môn Ngữ văn để xét tốt nghiệp nên em cho rằng đề thi này là phù hợp, vừa sức.

 
Thí sinh vui vẻ trò chuyện sau khi hoàn thành môn thi đầu tiên.

Ðề thi Ngữ văn gồm 2 phần. Phần “Ðọc hiểu” (3 điểm) trích dẫn đoạn thơ trong bài thơ “Trước biển” của nhà thơ Vũ Quần Phương và đưa ra 4 câu hỏi: Xác định thể thơ mà tác giả đã dùng trong đoạn trích của bài thơ, trình bày sự hiểu biết về nội dung hai câu thơ “Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng/ Bao kiếp vùi trong đáy lạnh mù tăm” trong bài thơ này; cho biết hiệu quả của phép điệp trong các dòng thơ “Cái hào hiệp ngang tàng của gió/ Cái kiên nhẫn nghìn đời sóng vỗ/Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời/ Cái giản đơn sâu sắc như đời”; trình bày suy nghĩ của thí sinh về hành trình theo đuổi khát vọng của con người thể hiện trong đoạn thơ được trích trong bài thơ “Trước biển”. Phần “Làm văn” gồm 2 câu: Câu 1 (2 điểm) yêu cầu thí sinh viết 1 đoạn văn khoảng 200 chữ về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống; câu 2 yêu cầu thí sinh trình bày cảm nhận về hình tượng sông Hương, từ đó nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua một đoạn trích trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông”.

Thầy Trần Xuân Trung, một giáo viên dạy Văn THPT cho rằng: Ðề thi Ngữ văn năm nay khá hay và mang tính phân loại cao, phù hợp với đề thi “2 trong 1” của kỳ thi THPT quốc gia. Những thí sinh thi môn này chỉ để xét tốt nghiệp thì có thể “kiếm được” 5, 6 điểm vì trong đề có những câu nhận biết, thông hiểu và vận dụng đơn giản (phần đọc hiểu).

“Câu nghị luận xã hội, thí sinh nếu có đủ kỹ năng viết đoạn và kỹ năng trình bày một vấn đề thì có thể dễ dàng đạt được 1/2 số điểm. Câu nghị luận Văn học mang tính phân loại cao và khá hay. Với thí sinh thi để xét tốt nghiệp nếu có đủ kỹ năng cơ bản để làm bài nghị luận Văn học thì có thể dễ đạt được mức điểm trung bình vì ngữ liệu đã cho sẵn ở đề, không cần nhớ dẫn chứng. Tuy vậy, để đạt được mức điểm cao (từ 7 điểm trở lên) thì đòi hỏi thí sinh cần phải có khả năng cảm thụ chiều sâu; phải thấu hiểu văn hóa Huế, phong cách nghệ thuật của Hoàng Phủ Ngọc Tường và những sự trăn trở của tác giả về chính quê hương của mình thì mới hiểu được điểm mới trong cách nhìn nhận về sông Hương của ông. Thí sinh cũng phải hiểu về tác giả thì mới hiểu được phong cách nghệ thuật của ông”, thầy Trung cho hay.

 
Phụ huynh đợi con sau buổi thi.

Hoàn thành tốt bài thi môn Ngữ văn đã tạo tâm lý hưng phấn, thoải mái cho các thí sinh để bước vào những môn thi tiếp theo. Sự vui vẻ của thí sinh sau buổi thi cũng khiến phụ huynh bớt lo lắng.

Theo ghi nhận, buổi chiều thi môn Toán, thí sinh phải tận dụng hết 90 phút để hoàn thành bài thi. Theo quy định, mỗi phòng thi có 24 mã đề. Các thí sinh cho biết, đề thi được trình bày trên 1 tờ giấy A3 và 1 mặt của tờ giấy A4.

Sau buổi thi môn Toán, các thí sinh được hỏi đều nhận định đề Toán năm nay dễ hơn năm ngoái. Nhờ đó, các em đã hoàn thành tốt bài thi và dự báo ban đầu có thể đạt được mức điểm đã đề ra trước khi thi.

Em Ðoàn Thế Nhật, thí sinh tại điểm thi Trường THPT Trấn Biên cho biết: “Môn Toán là một trong những môn thuộc tổ hợp xét tuyển đại học của em. So với đề năm ngoái, em thấy đề năm nay dễ hơn nhiều. Em làm được hầu hết các bài trong đề và “đánh lụi” những câu cuối cùng. Em nghĩ là mình sẽ được 8 điểm trong môn thi này”.

Trong khi đó, thí sinh Phạm Thị Phượng Hằng chia sẻ: “Em không chọn môn Toán trong tổ hợp xét tốt nghiệp nên chỉ đặt mục tiêu đạt 5 điểm ở môn thi này và có khả năng cao đạt được mức điểm đã đề ra. Việc thuận lợi trải qua cả 2 môn thi bắt buộc Văn và Toán khiến em trút bỏ được gánh nặng tâm lý và cảm thấy khá nhẹ nhõm. Vì vậy, em hoàn toàn tự tin để bước vào buổi thi ngày mai”.

Nhận định ban đầu về đề thi môn Toán, thầy Vũ Ngọc Hòa, giáo viên môn Toán, Trường THPT Ngô Quyền cho rằng, đề thi năm nay “dễ thở”, không khó để kiếm điểm 5, 6; phân loại tương đối tốt. Ðề thi cũng sát với đề thi minh họa trước đó của Bộ GD-ÐT. Tuy vậy, đề thi không có những bài Toán mang tính thực tế. Thầy Hòa cũng dự báo năm nay sẽ có nhiều điểm 10 trong môn thi này.

Siết chặt kỷ luật trường thi 

Theo cập nhật của Sở GD-ĐT, trong ngày đầu diễn ra kỳ thi, có 99,3% thí sinh đã tham dự kỳ thi, không có trường hợp cán bộ coi thi, thí sinh vi phạm quy chế thi, không có sự cố bất thường xảy ra.

Trước đó, trong ngày 24-6, hơn 27.000 thí sinh đã đến các điểm thi để làm thủ tục dự thi. Tại đây, các em được nhận phiếu báo dự thi bản chính, nghe cán bộ coi thi phổ biến lại quy chế thi; xem danh sách các môn thi…

Các cán bộ làm nhiệm vụ coi thi cũng đã có buổi sinh hoạt nội quy theo quy định. Yêu cầu siết chặt kỷ luật trường thi đã được các Trưởng điểm thi quán triệt kỹ với cán bộ coi thi. Ông Nguyễn Đắc Đường, Trưởng điểm thi Trường THPT Ngô Quyền cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT, chúng tôi đã quán triệt tới tất cả cán bộ coi thi phải thực hiện nghiêm túc quy định. Năm nay, Bộ GD-ĐT có một số thay đổi trong quy chế thi nhưng đối với giáo viên thì công tác thi cử là công việc thường xuyên của giáo viên nên những người làm cán bộ coi thi đều đã nắm chắc quy định.

Cũng trong ngày 24-6, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia tại Đồng Nai. Dịp này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đã đi kiểm tra thực tế điểm thi đặt tại Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn (phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa) và Trường THPT Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch).

Hải Yến

Tác giả: Lê Hải Yến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây