Cứu sống ngoạn mục sản phụ và con

Thứ sáu - 28/06/2019 00:59
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Ngày 26-6, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Đồng Nai vừa cứu sống cả mẹ và con sản phụ bị sản giật, tổn thương não, hôn mê sâu trước khi vào viện.​

Huy động hàng chục bác sĩ

11 giờ 30 phút ngày 24-6, sản phụ Trịnh Thị Mỵ Thúy, (28 tuổi, quê ở Đồng Tháp, tạm trú tại TP. Biên Hòa) được gia đình đưa vào viện trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, tổn thương não sau sản giật trước khi nhập viện. Ngay lập tức, các bác sĩ cấp cứu sản, Khoa sản BVĐK Đồng Nai đã tiến hành cấp cứu, đo tim thai. Kết quả, tim thai đập rất yếu, chỉ 40 lần/ phút (bình thường là 140 lần/phút).

BS. Lê Văn Thủy, người trực tiếp cấp cứu sản phụ kể, khi tiếp nhận, sản phụ thiếu oxy, da nổi vân, huyết áp cao 220mmHg (bình thường 140mmHg). Do mẹ bị thiếu oxy não nên khiến cả mẹ lẫn con đều trong tình trạng nguy kịch, sắp tử vong. “Chúng tôi vừa bóp bóng vừa huy động đồng nghiệp ở các Khoa Gây mê-hồi sức và Hồi sức tích cực để hồi sức, đặt máy thở cung cấp oxy cho sản phụ. Sau khoảng 4 tiếng, tình trạng oxy của người mẹ mới dần ổn định”, BS. Thủy nói.

Do huyết áp tăng cao đột ngột, khi mới nhập viện, các bác sĩ chưa thể chẩn đoán tình trạng hôn mê sâu do huyết áp cao gây vỡ mạch máu não hay do biến chứng của sản giật gây ra. Sau khi hội chẩn toàn viện, lúc 16 giờ cùng ngày, các bác sĩ quyết định mổ lấy thai để cứu cả mẹ lẫn con. Lúc đó, huyết áp của sản phụ ổn định và tim thai cũng có dấu hiệu phục hồi. “Chúng tôi rất lo cả mẹ con sản phụ tử vong trên bàn mổ. Bởi lúc vào viện họ đã hôn mê rất sâu, khả năng tử vong rất cao. Chúng tôi đã nỗ lực hết sức để cứu sống cả mẹ lẫn bé”, BS. Thủy chia sẻ.


Bác sĩ khám cho bệnh nhân sau ca mổ.

Dựa trên lâm sàng, bệnh nhân không bị tổn thương não và kết quả hội chẩn, lãnh đạo bệnh viện quyết định mổ gấp cho sản phụ. Lúc mổ ra, em bé rất yếu và không hề có bất cứ phản xạ sống nào. “Tiến hành hồi sức khoảng 15 phút, bé mới bắt đầu có phản xạ của sự sống nhưng chưa thể khóc. Chúng tôi tiếp tục chuyển bé sang đơn nguyên sơ sinh theo dõi, phải vài tiếng sau, em bé mới cất tiếng khóc chào đời”, BS. Đằng Xuân Đường, Phó khoa Gây mê - hồi sức kể.

Trong ca mổ này, hàng chục y, bác sĩ đã phải “chạy đua” với thời gian, làm việc căng thẳng để giành lấy sự sống cho mẹ con sản phụ.

Phục hồi ngoạn mục

Được biết, trên đường đưa bệnh nhân vào viện, sản phụ xuất hiện cơn co giật và hôn mê sâu. Đây là biến chứng nặng của tiền sản giật, sản giật. Tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, BS. Nguyễn Thị Bích Phượng cho hay, khi chuyển sang khoa Hồi sức sơ sinh của bệnh viện, bé đã có sự sống nhưng còn rất yếu. Một ngày sau đó, bé đã bắt đầu bú sữa nhưng vẫn phải tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện.

Song song với hồi sức cho em bé, ê kip tiếp tục ca mổ để cứu sống người mẹ. Ca mổ kéo dài 20 phút. Sau mổ khoảng 3 tiếng, sản phụ bắt đầu tỉnh dần và các dấu hiệu sinh tồn cũng ổn định. “Khi vào viện, cả bác sĩ và người nhà đều xác định tư tưởng cả mẹ lẫn con đều có khả năng tử vong rất cao. Nhưng chúng tôi đã huy động các chuyên khoa liên quan để hội chẩn, quyết định mổ đúng thời điểm để cứu sống cả mẹ lẫn con”, BS. Đường nói.

Cả BS. Thủy và BS. Đường đều cho rằng, đây không phải là ca nặng đầu tiên bệnh viện tiếp nhận cấp cứu. Bệnh viện vẫn thường xuyên cấp cứu nhiều ca sản khoa nặng, nguy kịch nhập viện nhưng cấp cứu những ca như mẹ con sản phụ Thúy, ê kip của bệnh viện đã rất nỗ lực. Vì các quyết định đưa ra rất nhanh và khó khăn. Những ca bệnh tương tự ca này có khả năng tử vong mẹ, con hoặc cả mẹ lẫn con. “Khi quyết định mổ để cứu cả mẹ lẫn con sản phụ chúng tôi rất căng thẳng. Muốn cứu được mẹ, chúng tôi phải đưa được bánh nhau và thai ra ngoài. Khi ấy mới hồi sức, cứu sống được mẹ”, BS. Đường tâm sự.

Sau khi tỉnh lại, chị Thúy kể: sáng sớm 24-6, chị xuất hiện cơn đau đầu, khó thở, ho ra máu. Sau khi ăn cơm trưa, chị bắt đầu mệt, co giật và ngất. “Khi tỉnh lại, tôi đã nằm trong bệnh viện và được bác sĩ thông báo đã mổ bắt con thành công. Bác sĩ nói tôi vừa đi qua “cửa tử” và đáp ứng điều trị ngoạn mục”, chị Thúy xúc động nói.

BS. Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa Sản, BVĐK Đồng Nai cho hay, điều lo lắng nhất là sản phụ bị xuất huyết não sẽ khó hồi phục sau này. Nhưng may mắn, bệnh nhân Thúy đã có sự phục hồi “ngoạn mục”. Chỉ sau 2 ngày mổ cấp cứu, bệnh nhân đã không phải thở máy, có thể nói chuyện, nhận biết xung quanh. Để tránh tình trạng như sản phụ Thúy, các bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ cần kiểm soát huyết áp trước và trong khi mang thai để tránh tiền sản giật, sản giật. “Huyết áp cao kéo dài sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề: suy tim, thận, suy dinh dưỡng cho em bé; bong bánh nhau; xuất huyết não… Khi có thai, thai phụ phải theo dõi sức khỏe cả mẹ lẫn con, không nên chỉ đi siêu âm như nhiều người vẫn làm để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra”, BS. Hoan khuyến cáo.

BS. Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa Sản, BVĐK Đồng Nai nhấn mạnh, mỗi năm chỉ có khoảng 2 - 3 ca nặng tương tự như sản phụ Thúy nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, tràn dịch đa màng…

Sắp tới, BVĐK Đồng Nai sẽ triển khai xét nghiệm để phát hiện sớm tình trạng tiền sản giật. Từ đó, các bác sĩ sẽ dự phòng và sử dụng thuốc sớm cho những phụ nữ có nguy cơ bị tiền sản giật.

Bích Nhàn

Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây