Giữ gìn truyền thống văn hóa trong gia đình

Thứ sáu - 28/06/2019 01:03
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

​Xây dựng gia đình văn hóa chính là giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Hơn 95% gia đình trong toàn tỉnh được công nhận gia đình đạt chuẩn văn hóa cho thấy nỗ lực của mỗi gia đình cũng như các sở, ban ngành, đoàn thể và địa phương trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều điển hình, gia đình văn hóa tiêu biểu. Trong số đó có rất nhiều gia đình thuộc các dân tộc thiểu số.

Những gia đình văn hóa vùng dân tộc thiểu số

Gia đình chị Thị Tuyền (dân tộc Chơ Ro) và chồng là Ưng Cún Tắc (dân tộc Hoa) tại xã Bảo Quang (TP. Long Khánh) là một trong những hình mẫu tiêu biểu đại diện cho thế hệ gia đình trẻ hiện nay. Mặc dù, vợ chồng chị Tuyền dành nhiều thời gian cho công việc nhưng đối với họ việc gìn giữ hạnh phúc gia đình cũng rất quan trọng. Theo anh Tắc, cuộc sống gia đình đôi lúc cũng không thể tránh khỏi những va chạm, nhưng quan trọng là vợ chồng phải biết chia sẻ, động viên nhau vượt qua khó khăn. Vì thế, những lúc không lên rẫy, anh đều sẵn sàng giúp vợ việc nhà như nấu cơm, chăm con. Tuy đơn giản, nhưng nó chính là sợi dây thắt chặt các thành viên lại với nhau.

Xây dựng nề nếp gia đình, tôn trọng bản sắc dân tộc của nhau là cách chị Thị Tuyền vun đắp gia đình hạnh phúc. “Trong gia đình, vợ chồng tôi luôn ý thức được sự khác biệt về bản sắc văn hóa, nếp nghĩ, cách ăn nết ở… đều có nguy cơ dẫn đến bất đồng, khoảng cách. Do vậy, ngay từ lúc quen, yêu chúng tôi đã thống nhất là phải tôn trọng lẫn nhau. Khi về chung một nhà, chúng tôi cùng nhau nỗ lực để hòa hợp, lấy con cái làm động lực để cố gắng phấn đấu”. chị Tuyền chia sẻ.


Ba gia đình của huyện Xuân Lộc đại diện các gia đình văn hóa tiêu biểu tỉnh Đồng Nai tham gia Ngày hội Gia đình các tỉnh Đông Nam bộ lần thứ 10 năm 2019.

Với cương vị Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bảo Quang (xã có đông bà con dân tộc Chơ Ro sinh sống) để công tác tốt, bản thân chị Tuyền phải là tấm gương, đi đầu trong các hoạt động phong trào, thành lập mới và duy trì các mô hình tập hợp hội viên cũng như gìn giữ hạnh phúc gia đình. Bên cạnh đó, chị Tuyền và chồng còn tích cực phát triển kinh tế bằng cách tổ chức thu mua nông sản (chủ yếu là trái cây) cho bà con trong xã rồi nhập cho tiểu thương tại các chợ đầu mối. Tuy vất vả nhưng gia đình chị có thêm thu nhập, vừa trang trải cuộc sống, nuôi hai con ăn học và giúp bà con trong xã giải quyết đầu ra của mặt hàng trái cây Long Khánh.

Gia đình cô Thị Trì (dân tộc Chơ Ro) ở ấp Bàu Trâm, TP. Long Khánh không chỉ được biết đến là gia đình văn hóa nhiều năm liền mà còn được bà con trong ấp yêu mến vì lối sống giản dị, có tình có nghĩa với xóm làng. Bản thân cô Trì một mình nuôi bốn người con khôn lớn nhưng bên cạnh việc lo kinh tế cho gia đình cô còn tích cực tham gia phong trào của tổ chức Hội phụ nữ ở địa phương. Cô được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bàu Trâm. Đến nay, cô Trì đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm công tác Hội.

Nói về việc giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp trong gia đình, cô Trì cho rằng chính tình cảm yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình đã tạo nên nét văn hóa truyền thống của mỗi gia đình. Nền nếp gia phong trong cuộc sống hiện đại sẽ được bổ sung những yếu tố tiến bộ của xã hội văn minh như: bình đẳng giới, hòa thuận trong gia đình… Từ đó, góp phần xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc.

Gia đình cô Ka Điều (dân tộc Châu Mạ) ở ấp 4 xã Tà Lài (huyện Tân Phú) cũng là một trong những gia đình nhiều năm liền giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa. Bản thân cô Điều có hơn 20 năm làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp, luôn ý thức giữ gìn hạnh phúc, truyền thống văn hóa của gia đình. Bên cạnh đó, cô luôn trăn trở làm thế nào để hội viên, phụ nữ đồng bào dân tộc được nâng cao kiến thức, vai trò, vị thế của mình trong gia đình và xã hội.

Cô Điều cho biết, những năm gần đây, công tác xây dựng gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đặc biệt chú trọng. Bên cạnh thực hiện những mục tiêu chung xây dựng gia đình hạnh phúc, các gia đình vùng dân tộc thiểu số tại ấp 4 còn hướng tới mục tiêu giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất và các kiến thức, kỹ năng trong xây dựng, tổ chức đời sống gia đình. Nhờ vậy mà khoảng cách trong gìn giữ văn hóa gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số với thành thị ngày càng được rút ngắn.

Chung tay giữ gìn truyền thống văn hóa gia đình

Có thể nói, trong cuộc sống hiện đại, nét đẹp truyền thống văn hóa của gia đình Việt đang bị mai một. Vì vậy giữ gìn và phát huy văn hóa gia đình không phải là việc riêng của mỗi nhà mà là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành. Theo Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Thị Mộng Bình, “hạnh phúc” và “văn hóa gia đình” là hai yếu tố không thể tách rời. Một gia đình không hạnh phúc thì không thể bàn đến văn hóa và ngược lại, xây dựng văn hóa gia đình đích cuối cùng cũng chính là hạnh phúc. Và chỉ có ở gia đình, con người mới có thể cảm nhận được tình yêu thương và sự bao dung vô bờ bến.

Bởi vậy, nhiều năm qua, các cấp, ngành liên quan đã có nhiều hoạt động tích cực, thể hiện sự nỗ lực trong vấn đề này như: tập huấn, tổ chức hội thi, hội thảo, tọa đàm, giao lưu chủ đề gia đình từ tỉnh đến cơ sở; biên soạn, in ấn tài liệu; xây dựng pano tuyên truyền; truyền thông tại cộng đồng; sinh hoạt của các loại hình câu lạc bộ; biểu dương và nhân rộng tấm gương những gia đình văn hóa, gia đình truyền thống… Nhờ sự chung tay của các cấp, ngành và của từng gia đình mà các truyền thống văn hóa tốt đẹp trong gia đình được gìn giữ và phát huy.

Mới đây, khi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” tại 12 tỉnh thành trên cả nước thì tại Đồng Nai, đã có kế hoạch triển khai thí điểm bộ tiêu chí tại 3 địa phương. Cụ thể: phường Bửu Long (TP. Biên Hòa), xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom) và xã Gia Canh (huyện Định Quán) thể hiện đặc trưng các khu vực: đô thị, nông thôn và tôn giáo. Tin rằng, bộ tiêu chí khi đi vào đời sống sẽ góp phần nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, hướng tới giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ mới. 

Đồng Nai tham gia Ngày hội Gia đình các tỉnh Đông Nam bộ

Từ ngày 27 đến 29-6, tại tỉnh Bình Dương diễn ra Ngày hội Gia đình các tỉnh Đông Nam bộ lần thứ 10 năm 2019 với sự tham gia của các tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Ninh Thuân, Bình Thuận. 3 gia đình của huyện Xuân Lộc đoạt giải nhất trong Liên hoan các gia đình văn hóa tiêu biểu tỉnh Đồng Nai năm 2019 đại diện cho các gia đình trên địa bàn tỉnh tham gia ngày hội.

Ly Na

Tác giả: Phạm My Ny

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây