Ngày 27-6, hơn 17.500 thí sinh của Đồng Nai đã tham dự bài thi thành phần tổ hợp Khoa học xã hội (KHXH), kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2019. Tại Đồng Nai, kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, không có trường hợp cán bộ coi thi và thí sinh nào vi phạm quy chế thi.
Đề thi “dễ thở” hơn năm ngoái
Sau 2/3 giờ thi môn thành phần Giáo dục công dân trong bài thi KHXH, hơn 300 thí sinh hệ GDTX tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Ðôn (phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa) bước ra khỏi trường thi với nụ cười rạng rỡ. Theo quy chế thi THPT quốc gia, học sinh hệ GDTX chỉ phải thi 2 môn thành phần Lịch sử, Ðịa lý trong bài thi tổ hợp KHXH. Sau khi hoàn thành bài thi của mình, những thí sinh này phải di chuyển đến phòng chờ (có sự giám sát của giám thị như trong phòng thi) và đợi đến 2/3 thời gian môn thi cuối mới được rời khỏi phòng.
Các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn (phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa) thảo luận về đề thi sau khi thi xong môn cuối.
Cũng như những năm trước, môn Ðịa lý được xem là môn dễ “ăn điểm” nhất. Trong đó, đề thi có 10/40 câu khai thác từ Atlat địa lý mà thí sinh được phép mang vào phòng thi. Ðối với những câu hỏi này, thí sinh chỉ cần thành thạo các kỹ năng đọc Atlat, quan sát kỹ và so sánh các đối tượng địa lý được thể hiện trong Atlat thì có thể hoàn thành tốt được phần nội dung này. Ðề thi có 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao; một số câu hỏi có độ khó, đòi hỏi học sinh học, hiểu, nắm chắc vấn đề. Những câu này dành cho học sinh dùng môn Ðịa lý để xét tuyển đại học.
Thí sinh Trần Thanh Ngân, điểm thi Trường THPT Lê Quý Ðôn (phường Quyết Thắng) cho rằng, Lịch sử là môn thi khó nhất. Theo đó, môn thi này có nhiều câu yêu cầu vận dụng tư duy, so sánh chứ không thiên về kiến thức học thuộc. Ðề môn Lịch sử gồm 40 câu, có 20 câu đầu khá dễ và Ngân chắc chắn làm đúng, 20 câu sau bản thân em có nhiều phân vân. Tuy vậy, em đã hoàn thành bài thi này bằng cách đọc kỹ đề và lựa chọn đáp án dựa trên hiểu biết của bản thân chứ không dùng phương pháp “đánh lụi”.
Trước đó, trong ngày 26-6, hơn 10.500 thí sinh đã tham dự bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (buổi sáng) và hơn 22.900 thí sinh đã dự thi môn Ngoại ngữ (buổi chiều). Theo nhận định chung của thí sinh, môn Sinh học có đề thi khá dài trong khi môn khó nhất lại là Vật lý. Ðề thi có tính phân loại cao và nội dung hầu hết đều nằm trong chương trình học. Riêng đề thi Ngoại ngữ, sau khi hết giờ làm bài, các thí sinh đều phấn khởi cho rằng đề thi vừa sức, không nhiều câu đánh đố. Với sức học trung bình, thí sinh có thể dễ dàng đủ điểm để đậu tốt nghiệp, học sinh khá, giỏi có thể đạt 8 - 9 điểm.
Trong thời gian chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay, sĩ tử trên cả nước không tránh khỏi lo âu bởi cách tính điểm xét tốt nghiệp mới. Theo đó, Bộ GD-ÐT quy định điểm xét tốt nghiệp sẽ là trung bình cộng của 30% điểm học bạ lớp 12 và 70% điểm thi. Tuy nhiên, sau khi thi xong, hầu hết các thí sinh đều trút bỏ được nỗi lo này bởi đề thi các môn năm nay đều dễ hơn năm ngoái.
Chia sẻ sau kỳ thi, Ðoàn Thị Thanh Huyền, một thí sinh hệ GDTX cho biết: “Ðề thi năm nay vừa sức với chúng em. Những bạn học lực trung bình yếu có thể dễ dàng “kiếm” được 3 - 4 điểm mỗi môn, trung bình khá có thể được từ 5 - 7 điểm… Lớp em có một bạn còn dự đoán có thể được 10 điểm môn Toán.
Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc
Theo báo cáo nhanh của Sở GD-ÐT trong những ngày diễn ra kỳ thi, tỷ lệ thí sinh tham gia kỳ thi đạt trên 99%; không có trường hợp cán bộ coi thi, thí sinh nào vi phạm quy chế thi; không xảy ra sự cố bất thường. Ở bên ngoài trường thi, tình hình giao thông thông thoáng; an ninh trật tự được đảm bảo. Có 2 thí sinh do bị tai nạn trước ngày thi nên được xem xét đặc cách. Trường hợp nữ thí sinh phải nhập viện cấp cứu trong buổi thi môn Toán đã tiếp tục tham gia những môn thi sau.
Ðối với hai bài thi tổ hợp, các thí sinh chỉ thi 1 hoặc 2 trong số 3 môn thành phần được đưa đến phòng chờ khi không thi những môn còn lại. Các điểm thi đã bố trí đầy đủ phòng chờ, giám thị phòng chờ theo quy định.
Việc Sở GD-ÐT bố trí nhiều điểm thi (60 điểm) đã tạo thuận lợi cho thí sinh tham gia kỳ thi. Rất đông thí sinh tự đến trường thi mà không cần cha mẹ đưa đón. Bên cạnh đó, nhiều trường học còn đồng hành cùng học sinh trong suốt những ngày thi: tổ chức bán trú cho học sinh, điểm danh học sinh trước giờ vào phòng thi để xử lý kịp thời trường hợp thí sinh ngủ quên hoặc gặp sự cố trên đường đi thi. Sự quan tâm, hỗ trợ này của thầy cô đã giúp các thí sinh yên tâm hơn trong kỳ thi.
Em Ðặng Nhật Linh, thí sinh tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Ðôn chia sẻ: “Suốt những ngày thi, ngoài sự động viên của gia đình, chúng em còn nhận được sự quan tâm tận tình, chu đáo của các thầy cô. Ðây là nguồn cổ vũ sức mạnh rất lớn đối với chúng em. Nhờ vậy mà chúng em hoàn thành bài thi tốt hơn”.
Theo quy chế thi, Sở GD-ÐT là đơn vị chấm thi môn Ngữ văn nhưng có sự giám sát của thanh tra trường đại học; các môn thi trắc nghiệm sẽ do Trường đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh phụ trách. Máy móc, thiết bị đã được trang bị đầy đủ để phục vụ công tác chấm thi.
Ngay sau khi kết thúc kỳ thi, Hội đồng thi tỉnh Ðồng Nai đã thực hiện công tác làm phách. Dự kiến, ngày 30-6, Sở GD-ÐT sẽ khai mạc chấm thi. Trước đó, Bộ GD-ÐT đã yêu cầu các Hội đồng thi phải gửi dữ liệu chấm thi về Bộ trước ngày 13-7. Bộ GD-ÐT sẽ tiến hành rà soát, phân tích dữ liệu trước khi cho phép công bố điểm thi trên cả nước. Năm nay, để hạn chế tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình chấm thi, ngoài việc yêu cầu lắp đặt camera giám sát chấm thi, Bộ GD-ÐT còn tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Ngoài ra. Bộ GD-ÐT cũng không công bố đáp án ngay sau khi kỳ thi kết thúc mà sẽ chọn thời điểm thích hợp để công bố sau.
H. Yến
Tác giả: Lê Hải Yến
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập