Xác định công tác phát triển đoàn viên, thành lập mới Công đoàn cơ sở (CĐCS) là nhiệm vụ quan trọng để duy trì, phát triển tổ chức Công đoàn, từ đầu năm đến nay, các cấp Công đoàn tỉnh đã và đang có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động công nhân lao động, lấy hiệu quả hoạt động để thu hút, tập hợp người lao động (NLĐ) vào tổ chức.
Đa dạng các hình thức vận động
Thống kê của LĐLĐ tỉnh, tính đến giữa tháng 6 năm nay, tổng số CĐCS, nghiệp đoàn toàn tỉnh là 2.942 đơn vị với 726.619 đoàn viên/767.581 lao động, tăng đáng kể so với cuối năm 2018. Để có được kết quả này, ngay từ đầu năm, các cấp Công đoàn đã lên kế hoạch thực hiện nội dung phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Theo đó, các Công đoàn cấp trên cơ sở đã chủ động phối hợp cùng với các ngành liên quan như Thuế, Bảo hiểm xã hội, ngành Lao động, thương binh và xã hội rà soát các đơn vị, doanh nghiệp mới hoặc sắp đi vào hoạt động, doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn, đặc biệt là những nơi có đủ điều kiện về số lao động để xúc tiến các bước tuyên truyền, vận động thành lập CĐCS.
LĐLĐ huyện Nhơn Trạch là một trong những đơn vị đạt được kết quả nổi bật trong công tác này. Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ huyện Nhơn Trạch Lưu Thanh Bình cho biết, từ đầu năm đến nay, Công đoàn huyện đã thành lập mới 19 CĐCS (bằng 83% số CĐCS thành lập mới năm 2018), nâng tổng số CĐCS trực thuộc lên 359 đơn vị; số đoàn viên thực tăng trong 6 tháng đầu năm khoảng 1.000 người, tỷ lệ tập hợp NLĐ vào tổ chức đạt trên 92%. Hiện LĐLĐ huyện vẫn đang tích cực phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp và các ngành liên quan rà soát lại những đơn vị doanh nghiệp chưa thành lập CĐCS để lên kế hoạch vận động.
Hội nghị thành lập CĐCS Công ty cổ phần bê tông ly tâm Đồng Nai, thuộc LĐLĐ huyện Nhơn Trạch.
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ huyện Nhơn Trạch, đa phần các CĐCS thành lập mới trong năm nay đều được thành lập theo phương thức mới quy định tại Điều 17, Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Theo đó, Công đoàn cấp trên trực tiếp tuyên truyền để chủ sử dụng lao động và NLĐ nhận thức sự cần thiết của CĐCS tại doanh nghiệp. Quá trình tuyên truyền tìm ra những người có uy tín, có tầm ảnh hưởng đối với công nhân để tiếp cận, trao đổi, hướng dẫn việc thành lập Ban vận động thành lập CĐCS, thu nhận đơn xin gia nhập Công đoàn của NLĐ, khi đủ điều kiện thì tổ chức hội nghị thành lập Công đoàn. “NLĐ là chủ thể vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, Công đoàn cấp trên chỉ đóng vai trò hướng dẫn, rồi ra quyết định công nhận. Cách làm này phát huy được quyền tự quyết, quyền làm chủ của NLĐ, từ đó giúp họ thêm tin tưởng vào tổ chức đại diện của mình, cán bộ Công đoàn được chọn có trách nhiệm hơn đối với NLĐ. Hoạt động của các CĐCS sau thành lập được đoàn viên, NLĐ và chủ sử dụng lao động ủng hộ”, ông Bình chia sẻ.
Công đoàn khu công nghiệp Biên Hòa cũng là đơn vị đạt được kết quả đáng ghi nhận trong công tác phát triển tổ chức. 5 tháng đầu năm, Công đoàn khu công nghiệp đã thành lập mới 7 CĐCS. Tính đến tháng 5, Công đoàn khu công nghiệp đang quản lý 400 CĐCS với gần 223.700 đoàn viên/233.800 lao động, tỷ lệ tập hợp NLĐ vào tổ chức đạt 95%. Chủ tịch Công đoàn khu công nghiệp Biên Hòa Nguyễn Thị Tuyết cho biết, phương châm của Công đoàn khu công nghiệp là bám sát từng đơn vị, doanh nghiệp và kiên trì tuyên truyền, vận động để nâng số lượng tổ chức cơ sở gắn với việc nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn để xứng đáng là tổ chức đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ. Riêng đối với lực lượng lao động mới ở các đơn vị đã có CĐCS, Công đoàn hướng dẫn cơ sở lồng ghép tuyên truyền gia nhập Công đoàn trong các buổi học tập nội quy, quy định của công ty hoặc các hoạt động phong trào để NLĐ thấy được quyền và lợi ích khi gia nhập tổ chức đại diện. Nhờ đó, số lượng đoàn viên ở các CĐCS thành lập mới hơn 500 người, nhưng số đoàn viên thực tăng là hơn 4.500 người, chủ yếu là ở các đơn vị đã có CĐCS.
Một số địa phương khác như LĐLĐ TP. Biên Hòa, huyện Long Thành cũng có nhiều nỗ lực trong phát triển tổ chức.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Mặc dù đạt được kết quả tích cực trong phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, tuy nhiên, theo đánh giá của LĐLĐ tỉnh, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, chưa tương xứng với sự phát triển của công nhân lao động và các doanh nghiệp. Hiện vẫn còn một số doanh nghiệp hoạt động một thời gian dài nhưng vẫn chưa có CĐCS. Đơn cử như Công ty TNHH Y.K Vina, khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom. Doanh nghiệp này đi vào hoạt động từ năm 2013 và hiện hoạt động ổn định với hàng trăm lao động, chế độ chính sách đối với NLĐ tương đối tốt nhưng vẫn chưa thành lập CĐCS, dù đã được Công đoàn cấp trên yêu cầu nhiều lần.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp cuối tháng 5 vừa qua, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hồ Thanh Hồng cho rằng khoảng 90% doanh nghiệp FDI sau khi ổn định hoạt động sản xuất tạo điều kiện để thành lập CĐCS. Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội ngoài trách nhiệm bảo vệ quyền lợi, tuyên truyền NLĐ thực hiện tốt nội quy, quy định của công ty và pháp luật, còn tích cực vận động NLĐ hăng hái thi đua lao động sản xuất, sáng kiến cải tiến đóng góp vào sự phát triển chung của đơn vị. Công đoàn có trách nhiệm đồng hành cùng với doanh nghiệp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh mong muốn doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho cán bộ Công đoàn gặp gỡ, tiếp cận với công nhân lao động, tuyên truyền và để NLĐ tự quyết việc gia nhập tổ chức, đồng thời đề nghị LĐLĐ huyện tích cực đeo bám, tìm cách tuyên truyền vận động NLĐ.
Bên cạnh những khó khăn trong thành lập mới CĐCS, tại một số địa phương, ở một số doanh nghiệp tỷ lệ biến động đoàn viên khá nhiều, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị cũng như tác động đến hoạt động của Công đoàn các cấp. Do đó, LĐLĐ tỉnh yêu cầu các cấp Công đoàn cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động chăm lo, bảo vệ đoàn viên và NLĐ. Lấy hiệu quả hoạt động của CĐCS để tập hợp, thu hút NLĐ gia nhập tổ chức; tích cực đeo bám, kiên trì và linh hoạt các hình thức vận động NLĐ, chủ doanh nghiệp.
H. Lộc
Tác giả: Nguyễn Thị Lộc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập