Trả lời thẳng trọng tâm câu hỏi của đại biểu

Thứ hai - 15/07/2019 06:51
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Trong chương trình của Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa IX, sáng 12-7 HĐND tỉnh đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhiều nội dung được cử tri và nhân dân quan tâm.

150719a.jpg
 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn điều hành phiên chất vấn.
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn, có 12 câu hỏi được đại biểu gửi chất vấn Chủ tịch UBND tỉnh liên quan đến 6 vấn đề, trong đó có 3 vấn đề được chọn chất vấn tại kỳ họp gồm: cải cách hành chính, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy và tiến độ chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1.

Khắc phục tụt hạng cải cách hành chính
Đại biểu Trần Văn Quang (Tổ đại biểu huyện Cẩm Mỹ) chất vấn: “Vì sao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh giảm từ vị trí thứ 3 năm 2017 xuống vị trí 20 năm 2018. Đâu là nguyên nhân và giải pháp sắp tới ra sao?”.

Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Thuộc cho hay, thời gian qua, tỉnh đã chọn cải cách hành chính là một trong 3 mũi nhọn đột phá trong phát triển. Chính vì thế, công tác này được chỉ đạo sát sao nhằm tạo chuyển biến tích cực, hướng đến làm tăng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong năm 2018, công tác cải cách hành chính có sự tụt giảm.

Để khắc phục tình trạng này, ông Thuộc đã đưa ra nhiều giải pháp cho công tác cải cách hành chính trong thời gian tới. Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương, đặc biệt là các sở là thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của tỉnh tiến hành đối chiếu, rà soát để xác định những tồn tại trên các lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý, xác định cụ thể trách nhiệm người đứng đầu, nhất là các nội dung, tiêu chí chưa đạt yêu cầu.

150719b.jpg
 Các đại biểu tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn. 

Tỉnh sẽ chỉ đạo chú trọng các nội dung liên quan đến thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, kiện toàn Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp. Thực hiện đúng quy định việc công khai minh bạch thủ tục hành chính. Tăng cường rà soát, xây dựng phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin, chấn chỉnh việc thực hiện công vụ, chọn người đủ trình độ chuyên môn và kỹ năng cho công tác tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính.

Tội phạm ma túy có diễn biến phức tạp

Trước câu hỏi của đại biểu Dương Hòa Hiệp (Tổ đại biểu huyện Thống Nhất) về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm ma túy, hỗ trợ người nghiện sau cai nghiện ma túy, Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019 Công an tỉnh  đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 240 vụ với 1.012 đối tượng mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy (giảm 69 vụ và 133 đối tượng so với năm 2018). Số vụ phát hiện thấp hơn cùng kỳ năm trước, tuy nhiên tính chất, quy mô hoạt động của đối tượng nghiêm trọng, rộng lớn hơn, tình hình giới trẻ sử dụng ma túy đá có chiều hướng gia tăng. Công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện do nhiều nguyên nhân khác nhau nên hiệu quả còn thấp, tỷ lệ người nghiện tái nghiện cao (sau 1 năm là 30%, sau 2 năm 50%, sau 5 năm trên 90%).

Theo Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, nguyên nhân của tình trạng buôn bán và sử dụng ma túy phức tạp là do sự xuất hiện ngày càng nhiều loại chất gây nghiện mới nhưng luật pháp chưa xử lý, nghiêm cấm kịp thời như: lá khát, cỏ Mỹ, cỏ ca... Một số gia đình người nghiện chưa hợp tác với địa phương, còn hiện tượng nuông chiều con em mình dẫn đến bao che cho đối tượng. Thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, phạm vi hoạt động phạm tội ngày càng rộng. Bên cạnh đó, công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng của các lực lượng chức năng ở một số địa phương chưa chặt chẽ; nhiều đối tượng nghiện mới, nghiện lâu nay mới phát hiện.

150719c.JPG
 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn (thứ hai từ phải qua) trao đổi với các đại biểu bên lề kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa IX.

Đề cập giải pháp cho tình hình mua bán và sử dụng ma túy, quản lý người nghiện, Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh cho rằng, trước hết, các cấp ủy, chính quyền cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào công tác phòng, chống ma túy. Chú trọng công tác phòng ngừa, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy, nhất là ở các địa bàn trọng điểm. Tập trung nắm tình hình, quản lý chặt địa bàn, đối tượng; triệt phá các đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy đã lập hồ sơ. Cần quyết liệt triệt xóa các tụ điểm phức tạp về ma túy. Bên cạnh đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác cai nghiện tại các trung tâm cai nghiện và cai nghiện tại cộng đồng.

Tập trung chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1

Đại biểu Lê Ngọc Minh (Tổ đại biểu TP.Biên Hòa) đặt câu hỏi: “Việc di dời, chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được Chính phủ chấp thuận 10 năm nay, vì sao chậm trễ, vướng cơ chế chính sách hay do những nguyên nhân khách quan. Và giải pháp thời gian tới ra sao?”.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Văn Hà cho biết, tháng 10-2009, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị thương mại dịch vụ. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh giao cho Tổng công ty cổ phần phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) tiến hành khảo sát, xây dựng phương án di dời, đồng thời UBND tỉnh không cấp phép cho các dự án mới. Tuy nhiên, do đây là dự án di dời khu công nghiệp đầu tiên của cả nước, chưa có tiền lệ nên việc xây dựng đề án còn lúng túng. Năm 2014, Luật Bảo vệ môi trường ban hành và có hiệu lực thì các cơ chế không còn phù hợp, nên mất nhiều thời gian điều chỉnh đề án.

Đến cuối năm 2017, Sonadezi hoàn chỉnh và trình UBND tỉnh đề án khắc phục ô nhiễm và chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 nhưng theo quy định của Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Môi trường và các quy định có liên quan, phương án thực hiện không còn phù hợp.

Ông Hà nhấn mạnh: “Đây là dự án đặc thù có quy mô lớn, liên quan đến nhiều cơ quan, ban, ngành, ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp và người dân, người lao động nên cần nhiều thời gian để triển khai thực hiện. Do đó, UBND tỉnh sẽ tập trung thực hiện đề án, sớm di dời, bàn giao mặt bằng để thực hiện đấu giá đất trong thời gian sớm nhất, trên tinh thần tích cực và khẩn trương”.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Huỳnh Văn Tịnh cho biết, theo quy định mới của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 mỗi tỉnh chỉ có 1 cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở này không được vượt quá 1 ngàn người. Đồng Nai đã có cơ sở này tại xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc). Do đó, sắp tới phải đẩy mạnh mở các cơ sở cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, giúp người nghiện tiếp cận với các hình thức cai nghiện tự nguyện. Ngoài ra, có thể khuyến khích mở các cơ sở cai nghiện tự nguyện ngoài công lập để giảm áp lực.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá, phần trả lời chất vấn của 3 lãnh đạo sở, ngành được Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền đã đi đúng trọng tâm câu hỏi của đại biểu, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của đơn vị phụ trách nhiệm vụ. Bên cạnh đó, các sở, ngành đã đưa ra được phương hướng và giải pháp cho những vấn đề đại biểu nêu ra và không có nhiều đề nghị của đại biểu yêu cầu người trả lời phải giải trình thêm sau khi trả lời. Điều đó cho thấy lãnh đạo các sở, ngành đã nắm chắc được vấn đề của ngành mình, đơn vị mình phụ trách.

Công Nghĩa

 

Tác giả: Công Nghĩa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây