(ĐN) – Ngày 21-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “4.0 thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp".
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chủ trì tại điểm cầu Đồng Nai.
Ảnh: Phan Anh
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, trong 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông, lâm thủy sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt khoảng 5 đến 7%/năm với hơn 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu.
Cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi góp phần nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.
Công nghiệp chế biến nông, lâm thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu “đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới” vào năm 2030; trở thành trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu; tốc độ tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến sâu đạt 7 đến 8%/năm. Đối với lĩnh vực cơ giới hóa mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 80 đến 100%.
Hội nghị dành rất nhiều thời gian lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp về những nút thắt khiến nông nghiệp Việt Nam chưa xứng tầm và xứng với tiềm năng như: Nông sản chủ yếu là sản phẩm thô hoặc sơ chế do chế biến sâu chưa phát triển; chất lượng vùng nguyên liệu chưa đáp ứng được yêu cầu cho cả thị trường xuất khẩu và cho ngành chế biến; thương hiệu nông sản còn yếu và thiếu…
Dịp này, doanh nghiệp cũng tập trung hiến kế để khuyến khích đầu tư vào chế biến, phát triển cơ giới hóa trong nông nghiệp như: xem ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là chìa khóa để phát triển; phải đưa khoa học, công nghệ hiện đại, nhất là khoa học quản trị để thay đổi tư duy của cả doanh nghiệp và nông dân; quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp trở thành đầu tàu trong lĩnh vực chế biến, cơ giới; cần xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn nông sản quốc gia; hỗ trợ phát triển về khâu giống; đào tạo nguồn nhân lực…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phát triển ngành xuất khẩu tươi quan trọng nhưng phát triển công nghiệp chế biến sâu còn quan trọng hơn vì giúp gia tăng giá trị, giải bài toán tiêu thụ vì chủ động hơn với thị trường toàn cầu. Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn chủ trì, cùng các bộ ngành sớm nghiên cứu, soạn thảo và trình Thủ tướng chỉ thị về chiến lược phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp đến năm 2030; nghị định về chính sách cho công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp… Thời gian tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội về việc tích tụ đất đai vì đây là khúc mắc lớn cho sự phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương, các bộ ngành cần lắng nghe, tiếp thu, vận dụng phù hợp, tháo gỡ, tạo điều kiện cho hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển. Cụ thể, Ngân hàng nhà nước sớm nghiên cứu chính sách hỗ trợ, kéo dài thời gian vay, giảm lãi suất cho vay nông nghiệp. Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu nông sản; đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ quản lý; liên kết 5 nhà cần tiếp tục khuyến khích…đều cần được chú trọng.
Các địa phương phải quan tâm, tìm ra cách làm phù hợp để phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để xây dựng được một nền nông nghiệp tín nhiệm bằng sự minh bạch về chất lượng. Vai trò triển khai của các địa phương rất quan trọng vì bên cạnh các chính sách của Trung ương thì việc chủ động ứng dụng, triển khai chính sách phù hợp với thực tế mới phát huy được hiệu quả.
Phan Anh