Đồng Nai sản xuất công nghiệp xanh

Thứ sáu - 21/02/2020 07:43
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Hơn 10 năm nay, các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh thu hút đầu tư có chọn lọc. Đồng Nai đã đi trước cả nước nhiều năm trong việc lựa chọn các dự án, với mong muốn sẽ tạo ra một nền công nghiệp xanh để phát triển bền vững, lâu dài.
Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, hiện Đồng Nai là một trong những tỉnh thành có công nghiệp phát triển nhất cả nước với 31 KCN đang hoạt động. Các dự án thu hút vào KCN có ngành nghề đa dạng gồm, giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ, cơ khí chế tạo, sản phẩm gốm sứ, điện tử, linh kiện điện tử, máy móc thiết bị và phụ tùng...
Chọn những dự án xanh
3. (H1) cty Kaneko.jpg?t=1753174688
Sản xuất tại Công ty TNHH Việt Nam Kaneko
ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch III giai đoạn 2
Tính đến nay, các KCN của tỉnh đã thu hút được gần 1.770 dự án trong nước và 43 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với tổng vốn đăng ký khoảng 27,6 tỷ USD. Trong đó có gần 1,3 ngàn dự án của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và gần 470 dự án của doanh nghiệp trong nước. Từ năm 2006, UBND tỉnh đã ban hành quy định trong thu hút đầu tư các dự án vào KCN phải có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Theo đó, những dự án ô nhiễm, có nguy cơ gây ô nhiễm cao đều bị tỉnh từ chối. Mục tiêu của tỉnh là phát triển phải đi đôi với bảo vệ môi trường.
Ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết: “Hơn một thập niên qua, những dự án tỉnh cấp phép vào KCN đều có công nghệ hiện đại. Quá trình xây dựng và đi vào hoạt động  của các doanh nghiệp đều được giám sát chặt chẽ. Nước thải trong sản xuất, sinh hoạt của doanh nghiệp được đấu nối vào Nhà máy xử lý nước thải tập trung trong từng KCN để kiểm soát”. Hiện trong các KCN của tỉnh có gần 1,5 ngàn dự án đang hoạt động và mỗi KCN đều có nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Bên cạnh đó, những dự án tỉnh thu hút được từ năm 2006 trở về trước, có những doanh nghiệp công nghệ đến giai đoạn này bắt đầu lạc hậu đã được các công ty từng bước tiến hành thay thế dần bằng máy móc hiện đại. Trong đó, có doanh nghiệp đã bỏ vốn ra thay đổi dây chuyền, từng bước ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất.
Ông Lê Đức Vinh, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH máy tính Fujitsu Việt Nam ở KCN Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) cho hay: “Gần đây, công ty đầu tư vài chục triệu USD vào để mở rộng sản xuất, thực chất là mua thêm nhiều loại máy móc mới, thay thế các máy móc cũ. Sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử công ty làm ra hơn 90% xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và một số nước khác”.
Thực tế, các khách hàng đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc... ngày càng đòi cao về mẫu mã, chất lượng sản phẩm nên nhiều doanh nghiệp muốn phát triển ổn định lâu dài, có những đơn đặt hàng tốt buộc phải thay đổi máy móc, công nghệ cũ. 
Cần chính sách rõ ràng
3. (H2) Kaneko.jpg?t=1753174688
Sản xuất tại Công ty TNHH Việt Nam Kaneko
ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch III giai đoạn 2
Máy móc công nghệ trong sản xuất công nghiệp luôn có sự thay đổi theo từng giai đoạn và giai đoạn sau luôn hiện đại hơn. Theo yêu cầu phát triển của xã hội, các nhà sản xuất ngày càng chú trọng đến các yếu tố về môi trường, tiện lợi để cạnh tranh. Do đó, máy móc sản xuất công nghiệp của các công ty có thể giai đoạn này đầu tư vào là loại có công nghệ mới hiện đại nhất, nhưng qua 5-10 năm đã trở thành lạc hậu. Do đó, Chính phủ, tỉnh cần chính sách rõ ràng, cụ thể cho từng giai đoạn để thu hút đầu tư và khuyến khích, yêu cầu doanh nghiệp từng bước thay thế các loại máy móc đã cũ, lạc hậu góp phần bảo vệ môi trường, từng bước xây dựng nền công nghiệp xanh.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, trong xây dựng đô thị thông minh, tỉnh sẽ ứng dụng công nghệ 4.0 để quản lý các KCN và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý sản xuất để từng bước kết nối với đô thị thông minh.
Một số chuyên gia về môi trường cho rằng, mỗi giai đoạn ngành tài nguyên- môi trường nên phối hợp với Sở Khoa học - công nghệ, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đánh giá lại công nghệ sản xuất của các nhà máy. Như vậy sẽ kịp thời phát hiện những doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm. Từ đó, kiến nghị UBND tỉnh có những chính sách cụ thể yêu cầu doanh nghiệp có những đầu tư máy móc thiết bị mới cho phù hợp. Bởi hiện nay, cũng có nhiều công ty trên địa bàn tỉnh tự thay đổi công nghệ, đưa vào ứng dụng công nghệ 4.0, song mới chỉ tùy theo nhu cầu phát triển của từng công ty để đáp ứng đòi hỏi của khách hàng.
                                                                Vi Quân

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây