Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai vừa biểu diễn và giới thiệu nhiều trích đoạn và vở diễn cải lương mới phục vụ khán giả trong và ngoài tỉnh.
Trong đó nổi bật là các trích đoạn: Thân phận nữ nhi; Chuyện tình Hoa Sơn; Huyền thoại một tình yêu; vở cải lương Khơi nguồn. Đây là các trích đoạn và vở diễn có đề tài về lịch sử, văn hóa…với những thông điệp giàu ý nghĩa, là món ăn tinh thần đặc sắc, hấp dẫn phục vụ công chúng mùa cuối năm.
Trích đoạn cải lương Thân phận nữ nhi được công chiếu trực tuyến, phục vụ khán giả trong và ngoài tỉnh
Đưa văn hóa, lịch sử vào cải lương
Vào vai Lý Long Tường, con thứ 7 của vua Lý Anh Tông trong trích đoạn Chuyện tình Hoa Sơn, nghệ sĩ Linh Khánh đã thể hiện câu chuyện của người con Đại Việt tha hương với nhiều cung bậc cảm xúc. Lớn lên khi triều Lý suy vong, triều Trần dần thay thế, Lý Long Tường đã cùng tôn thất nhà Lý vượt biển sang Cao Ly lánh nạn truy sát. Ông được vua Cao Ly ưu ái phong tước hiệu, cùng nhân dân Cao Ly đánh bại 2 cuộc xâm lăng của Mông Cổ.
Mặc dù ở Cao Ly nhưng ngày ngày Lý Long Tường vẫn tưởng vọng về nơi chôn nhau cắt rốn, ông thường lên đỉnh núi ngồi trông về phương Nam mà khóc. Ông rất kỳ vọng con trai của mình sẽ trở về cố hương, khôi phục lại triều Lý. Tuy nhiên, con trai của ông là Lý Nhất Thanh (nghệ sĩ Đông Nguyên vào vai) lại có tình yêu say đắm với Huệ My (công chúa Cao Ly) và mong muốn được ở lại vùng đất Hoa Sơn để lập nghiệp. Nghệ sĩ Linh Khánh đã thể hiện diễn biến về chiều sâu tâm lý, sự giằng xé của nhân vật, giữa trách nhiệm của gia tộc họ Lý, quê hương với gia đình, tình yêu của con trai…
Với trích đoạn Thân phận nữ nhi, nghệ sĩ Hoài Minh vào khá tròn vai Từ Hải - nhân vật trong tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du. Sau khi giúp Thúy Kiều thoát khỏi lầu xanh, Từ Hải với Thúy Kiều chung sống hạnh phúc. Nhờ uy thế Từ Hải, Kiều được trả ân, báo oán. Từ Hải hùng cứ một vùng ven bể được 5 năm, thì Tổng đốc Hồ Tôn Hiến thừa lệnh triều đình đem binh đi đánh dẹp. Biết thế lực của Từ mạnh, không dễ gì hạ nổi, họ Hồ tính kế dụ hàng. Dưới nhiều áp lực đến từ trong và ngoài, lại thêm Thúy Kiều khuyên nhủ, bàn tính lẽ thiệt hơn, nên hay không nên ra hàng… khiến Từ Hải quyết ý quy thuận.
Trong vở cải lương Khơi nguồn, khán giả được xem câu chuyện về những bộ tộc thời nguyên thủy. Bên cạnh gìn giữ và chia sẻ nguồn tài nguyên thiên nhiên, các bộ tộc đã biết đoàn kết để giúp đỡ nhau chống lại cái xấu, cái ác của một số tộc trưởng với mưu đồ “bá chủ” và độc chiếm nguồn đất, nguồn nước… Kịch bản Khơi nguồn bám sát vào đời sống văn hóa, lịch sử của các bộ tộc, bộ lạc nhưng mang hơi thở cuộc sống hiện đại với những câu chuyện, những vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, độc lập của dân tộc.
Trích đoạn cải lương Chuyện tình Hoa Sơn được công chiếu trực tuyến, phục vụ khán giả trong và ngoài tỉnh
Biểu diễn trực tuyến
Vài năm trở lại đây, sân khấu cải lương Đồng Nai xây dựng nhiều kịch bản đề tài xã hội. Hầu hết các vở cải lương phản ánh những vấn đề “nóng” của hiện thực xã hội đương đại. Trong đó nổi bật là công tác phòng, chống tệ nạn ma túy; hiến mô tạng cứu người; cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19; xây dựng nông thôn mới Đồng Nai… Song song với đề tài xã hội, nhà hát cũng làm mới các đề tài lịch sử, văn hóa. Hầu hết các vở diễn, trích đoạn đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả.
Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khá phức tạp, nhất là vào những tháng cuối năm. Bởi vậy, các nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát không thể trực tiếp đưa các vở cải lương về cơ sở để phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa, công nhân các khu công nghiệp. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, nhà hát đã ghi hình và đưa nhiều trích đoạn cải lương lên Facebook, YouTube. Các vở diễn, trích đoạn cải lương thu hút từ vài trăm đến vài ngàn lượt xem, bình luận và chia sẻ. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng cho sân khấu nghệ thuật truyền thống Đồng Nai.
Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai Nguyễn Việt Bắc chia sẻ: “Ngoài các vở diễn, trích đoạn cải lương, nhà hát còn đưa các chương trình ca múa nhạc nhiều chủ đề livestream trực tuyến phục vụ công chúng trong và ngoài tỉnh. Đây là cách để anh chị em nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát tiếp tục giữ lửa với nghệ thuật và sân khấu truyền thống phù hợp với tình hình dịch Covid-19. Qua đó, tiếp thêm lửa để làm nghề, có những sáng tạo mới, đưa văn hóa tinh thần phục vụ khán giả trong và ngoài tỉnh”.
Thanh Thanh