Giữ vai trò kết nối 2 đầu mối kinh tế - xã hội của Việt Nam

Thứ ba - 14/12/2021 12:46
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
TTĐT – Tại Hội nghị quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ tổ chức trực tuyến với các tỉnh, thành thuộc vùng Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung và 6 tỉnh, thành Đông Nam bộ xác định các vùng trên có vai trò kết nối 2 đầu mối kinh tế - xã hội lớn của Việt Nam.
z3019985883598_5bc921ea2e13c70789cf356e53d6bdce141221.jpg 
Chủ tịch UBND tỉnh tham dự Hội nghị trực tuyến với Chính phủ về quy hoạch.
Cụ thể, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung gồm 20 tỉnh, thành có dân số khoảng 20,45 triệu người, GDP chiếm 14,9% cả nước và 6 tỉnh, thành Đông Nam bộ có 18,13 triệu người dân, GDP chiếm 32,4% cả nước. Các vùng trên có vai trò kết nối 2 đầu mối kinh tế - xã hội lớn nhất của cả nước là Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng Đông Nam bộ, đồng thời có vị trí chiến lược quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Vùng Đông Nam bộ là trung tâm công nghiệp, cảng biển và logistics lớn nhất cả nước đảm nhận 45% tổng lượng hàng hóa, 60% hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam. Các vùng đều nằm trên hành lang vận tải Bắc – Nam với đầy đủ 5 phương thức vận tải là đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không. Do đó, lập quy hoạch tỉnh cho giai đoạn 10 năm tới để phát triển kinh tế- xã hội là rất cần thiết.
 Tại hội nghị trực tuyến, 5 bộ ngành đã góp ý về công tác lập quy hoạch, thẩm định phê duyệt. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải công bố quy hoạch và lộ trình thực hiện nhiều tuyến giao thông quan trọng gồm đường cao tốc, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không sẽ triển khai trong giai đoạn 2021-2030 để các tỉnh, thành biết để lập quy hoạch, khai thác.
z3019986333556_111d7c1f83eefef36c30e933e164bcbe141221.jpg 
Phó giám đốc Sở KH-ĐT Trần Vũ Hoài Hạ phát biểu tại hội nghị trực tuyến.
 Tại Đồng Nai, công tác quy hoạch, tỉnh đang thực hiện thủ tục đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy hoạch tỉnh gặp một số vướng mắc về phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng, theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện nên cần Chính phủ sớm tháo gỡ để địa phương tổ chức thực hiện. Đồng Nai cũng đề xuất Chính phủ, Bộ KH-ĐT chấp thuận cho tỉnh thuê đơn vị tư vấn nước ngoài lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hình thức xã hội hóa kinh phí lập quy hoạch tỉnh. Nhà đầu tư tài trợ sẽ thanh toán kinh phí trực tiếp cho đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh kiến nghị Bộ KH-ĐT nghiên cứu, tham mưu Chính phủ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của cả nước giai đoạn 2021-2030, Quy hoạch cấp quốc gia (quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia), quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030 để làm căn cứ lập quy hoạch tỉnh. 
Nhiều tỉnh, thành tham gia hội nghị trực tuyến cũng nêu lên những khó khăn trong lập quy hoạch tỉnh như: phương pháp tích hợp quy hoạch, các quy hoạch chưa đồng bộ, quy hoạch quốc gia, vùng chậm, trong toàn bộ quá trình lập quy hoạch tỉnh còn nhiều bất cập trong lấy ý kiến một số bộ ngành và các tỉnh, thành lân cận…
 Ghi nhận những đề xuất của các tỉnh, thành Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông yêu cầu, các tỉnh, thành nên phối hợp với các bộ, ngành trao đổi thông tin để triển khai nhanh quy hoạch tỉnh và góp ý cho quy hoạch cấp vùng, quốc gia để sớm hoàn thiện và trình phê duyệt và triển khai. Các địa phương chủ động xây dựng báo báo đánh giá tác động môi trường và lấy ý kiến các bộ ngành cùng lúc để rút ngắn thời gian thực hiện quy hoạch. Tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh thành khác thực hiện quy hoạch còn chậm, trong thời gian tới nhanh chóng lựa chọn đơn vị tư vấn để hoàn thành quy hoạch và trình phê duyệt trong quý I-2022 

                                                       Vi Quân

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây