Hiện nay, Đồng Nai tập trung rất nhiều lao động làm việc trong các nhà máy, riêng các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh có hơn 614 ngàn người lao động và số công nhân có nhu cầu về nhà ở rất lớn. Những năm qua, dự án nhà ở công nhân (NƠCN) xây dựng còn rất ít chưa đáp ứng được nhu cầu.
Khu nhà ở cho công nhân mua, thuê ở TT.Hiệp Phước (H.Nhơn Trạch)
Qua rà soát của các địa phương trong tỉnh, nhu cầu quỹ đất nhà ở cho công nhân gần 310ha. Đến nay, quỹ đất đã quy hoạch cho NƠCN có khoảng 75ha, còn thiếu 235ha cần phải quy hoạch bổ sung để đáp ứng nhu cầu về nơi ở cho công nhân.
Đang sinh sống trong phòng trọ
Đến nay, trên địa bàn tỉnh mới hoàn thành được 1.581 căn NƠCN, hiện còn 3 dự án đang triển khai và khi hoàn thành sẽ có thêm gần 2,9 ngàn căn. Như vậy, tính tất cả số lượng căn NƠCN đã có và đang xây dựng mới được gần 4,5 ngàn căn, so với nhu cầu thực tế còn quá ít. Do đó, nhiều công nhân phải sống trong những phòng trọ chật hẹp.
Qua tìm hiểu thực tế tại TP.Biên Hòa, H. Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom rất nhiều các khu nhà trọ được xây dựng san sát nhau, hai dãy đối mặt, cách nhau đường đi giữa chỉ từ 1,5-2m, hầu hết các phòng có diện tích từ 12-16m2. Trong đó, cũng có phòng xây mới, nhiều phòng được các chủ hộ cải tạo từ các chuồng nuôi heo.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh: “Trong thời gian xảy ra đợt dịch lần thứ tư, tôi đã xuống một số khu nhà trọ khảo sát tình hình của công nhân để có biện pháp hỗ trợ kịp thời thì thấy 4-6 người sống trong một phòng 12-14m2, điều kiện vật chất, tinh thần đều thiếu thốn. Có nhiều công nhân 3 tháng liền không đi làm, suốt ngày phải ở trong phòng trọ, không thấy ánh nắng mặt trời, ảnh hưởng đến sức khỏe và nguy cơ bị lây lan dịch bệnh rất cao khi trong khu xảy ra 1 ca F0. Thiếu NƠCN để cho họ phải ở phòng trọ chật chội, chính là món nợ lớn chính quyền tỉnh phải trả trong thời gian tới”. Cũng theo ông Dũng, Đồng Nai có hơn 400 ngàn công nhân đang có nhu cầu về nhà ở, vì thế tỉnh đang thiếu hơn 200 ngàn căn NƠCN. Nếu trong nhiệm kỳ này không xây dựng được để nhiệm kỳ sau thì nhiều công nhân đã già mà vẫn không có nơi ở ổn định. Do đó, trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ ưu tiên đất, vốn để làm NƠCN.
Ưu tiên đầu tư nhà ở công nhân
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhắc nhở, để đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển công nghiệp, tỉnh nên ưu tiên triển khai nhanh các dự án NƠCN cho người lao động, thuê, mua, có nơi ở ổn định họ sẽ yên tâm làm việc lâu dài trên địa bàn tỉnh.
Qua rà soát của các huyện, thành phố, giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh cần khoảng 310ha để làm NƠCN, nhưng quỹ đất quy hoạch dành cho phát triển các dự án trên lĩnh vực này mới đạt 75ha, còn thiếu 235ha cần bổ sung trong quy hoạch sử dụng đất.
Theo Phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Lê Mạnh Dũng, trong các KCN của tỉnh có 132ha đất để làm thương mại dịch vụ đang bỏ trống nên tỉnh đề nghị Chính phủ cho chuyển đổi sang đất ở để đầu tư NƠCN, không phải tách ra khỏi KCN và xây dựng đường riêng để kết nối với khu đô thị, khu dân cư bên ngoài. Quỹ đất trên được Chính phủ chấp thuận cho xây dựng NƠCN, tỉnh có thể mời gọi đầu tư nhanh nhiều căn nhà để cho công nhân thuê.
Vi Quân
Mới đây, trong chuyến khảo sát, làm việc với Đồng Nai về NƠCN, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị lưu ý, Đồng Nai muốn phòng chống dịch bệnh tốt để phát triển công nghiệp bền vững, phải chú trọng đầu tư NƠCN. Tỉnh nên rà soát lại đất công, ưu tiên dành quỹ đất cho dự án NƠCN và kêu gọi DN bỏ vốn đầu tư.
Vừa qua, một số DN tại Đồng Nai có sẵn quỹ đất đã đề xuất UBND tỉnh chấp thuận cho họ ký hợp đồng với DN đang có nhu cầu về nơi ở cho công nhân, thuê lại đất để làm NƠCN. DN thuê đất sẽ tự bỏ vốn xây dựng nhà ở, thời hạn thuê đất từ 20-25 năm, do hai bên tự thỏa thuận. Sau thời gian thuê đất, DN thuê lại đất làm NƠCN sẽ trả lại đất và bàn giao công trình lại. Đây là mô hình có thể giúp tỉnh giải quyết nhanh nhu cầu về NƠCN.