Thầy giáo tâm huyết với hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật

Thứ tư - 08/12/2021 15:25
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Tại Trường THCS Nguyễn Công Trứ (xã Trung Hòa, H.Trảng Bom), thầy Thân Trúc Điệp là giáo viên trẻ có nhiều sáng tạo trong dạy học và có nhiều thành tích trong việc hướng dẫn học sinh tham gia các sân chơi KHKT.
Thầy cũng là giáo viên trẻ năng động, nhiệt huyết trong mọi công việc, trong đợt dịch vừa qua, thầy đã tham gia công tác tình nguyện gần 3 tháng.
b288877b3ef6f5a8ace7.jpg
Thầy Phan Trúc Điệp cùng với học sinh do thầy hướng dẫn tham gia Cuộc thi
khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học
* Cần đầu tư dài hơi
Năm học 2018-2019, thầy Điệp bắt đầu hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng. Kết quả, học sinh do thầy hướng dẫn đã đoạt giải ba cấp tỉnh. Năm học 2019-2020, thầy hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi và đoạt giải nhì cấp tỉnh. Năm nay, thầy tiếp tục hướng dẫn học sinh và hiện có 2 sản phẩm được chọn đi thi cấp tỉnh.
Đối với cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học, năm học 2019-2020, dự án do thầy hướng dẫn đoạt giải 3 cấp tỉnh; năm học 2020-2021, dự án Thiết bị hỗ trợ đọc sách cho người khuyết tật do thầy hướng dẫn đã đoạt giải nhất cấp tỉnh và giải ba cấp quốc gia.
Hiện nay, thầy tiếp tục tham gia hướng dẫn học sinh tham gia các “sân chơi” khoa học kỹ thuật này. Thầy Điệp cho biết: “Thông qua các cuộc thi KHKT, học sinh có thể trải nghiệm, nghiên cứu sâu hơn về vấn đề các em yêu thích. Hơn nữa, các cuộc thi này không giới hạn về kiến thức nên các em có thể phát huy năng lực tự học, tìm hiểu những kiến thức ngoài chương trình đang học, từ đó tìm ra hướng giải quyết các vấn đề mà cuộc sống đặt ra”.
Cũng xuất phát từ những lợi ích nêu trên, thầy Điệp rất mong muốn tổ chức sân chơi KHKT, STEM bài bản hơn để học sinh của trường tham gia bằng cách thành lập CLB KHKT dành cho học sinh. Tuy nhiên, khi ý tưởng này đang trong quá trình thực hiện thì dịch Covid-19 bùng phát nên đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.
“Việc thành lập CLB để các học sinh đam mê KHKT có môi trường làm việc nhóm, hỗ trợ lẫn nhau là điều cần thiết. Thông qua đó, CLB có thể giúp học sinh duy trì niềm đam mê khoa học, nhà trường cũng tìm được nhân tố nổi bật để bồi dưỡng, phát triển” - thầy Điệp chia sẻ.
Từ ý tưởng của thầy Điệp, hàng năm Liên đội nhà trường tổ chức cuộc thi ý tưởng sáng tạo để chọn ra ý tưởng hay, khả thi để hướng dẫn nghiên cứu và tham gia các cuộc thi KHKT. Thông thường, mỗi dự án mà thầy Điệp hướng dẫn sẽ có tổng thời gian làm việc khoảng 8 tháng. Trong đó, 2 tháng cuối là thời gian thực nghiệm sản phẩm trong thực tế để tìm ra thiếu sót, lấy ý kiến người sử dụng nhằm điều chỉnh, cải tiến cho phù hợp.
“Nếu so về ứng dụng công nghệ thì học sinh trường mình khó so sánh được với các trường bạn. Tuy nhiên, chúng tôi thấy học sinh của mình có ưu điểm về ý tưởng sáng tạo: phong phú, mới mẻ và hướng đến tính nhân văn. Chính sự chuẩn bị kỹ và sự đam mê của học sinh đã góp phần mang đến những thành công bước đầu khi tham gia các cuộc thi KHKT dành cho học sinh” - thầy Điệp chia sẻ.
* Giáo viên nhiệt huyết, năng động
Ngoài tích cực hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, thầy Điệp còn thường xuyên học hỏi, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Thầy đã chủ động học cách dùng các phần mềm hỗ trợ dạy học để thu hút, hấp dẫn học sinh hơn trong từng giờ học. Thầy cũng chịu khó đầu tư thời gian, công sức để soạn giảng E-learning.
Để làm được điều đó, thầy tham gia các diễn đàn dành cho giáo viên trên mạng xã hội và chủ động học tập kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Thầy Điệp cho rằng, nếu biết chọn lọc thì mạng xã hội đem lại cho giáo viên cơ hội học tập, rèn luyện rất tốt, đặc biệt trong đổi mới giáo dục và ứng dụng công nghệ thông tin.
“Điều quan trọng khi tham gia các diễn đàn dành cho giáo viên chính là mình được truyền lửa từ các đồng nghiệp trên khắp mọi miền Tổ quốc. Họ là những người nhiệt huyết, yêu nghề và sẵn sàng chia sẻ, học hỏi lẫn nhau. Từ đó, bản thân mình cũng được tiếp thêm tinh thần để gắn bó và nỗ lực hơn trong dạy học” - thầy Điệp tâm sự.
Cô Nguyễn Thị Thanh Thảo, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ nhận xét: “Thầy Thân Trúc Điệp rất nhiệt tình, làm việc có trách nhiệm; hướng dẫn học sinh tận tình, không nề hà. Đồng thời, thầy luôn khiêm tốn nên được đồng nghiệp và học trò yêu mến. Là giáo viên trẻ chịu khó học hỏi, cập nhật ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học nên thời gian qua, thầy Điệp cùng với giáo viên phụ trách công nghệ thông tin đã nhiệt tình hỗ trợ cho giáo viên toàn trường, góp phần giúp nhà trường đáp ứng được yêu cầu dạy học trực tuyến trong đại dịch”.
Không chỉ tâm huyết trong chuyên môn, thầy Điệp còn năng động, nhiệt tình trong mọi hoạt động của nhà trường. Thầy Thân Trúc Điệp tham gia đội nhập liệu Covid-19 từ tháng 8 đến tháng 10-2021. Đầu tháng 11, cả gia đình thầy Điệp đều bị nhiễm Covid-19 và tự điều trị tại nhà. Đến ngày thứ 7, thầy Điệp bị trở nặng, ho nhiều, nồng độ oxy trong máu thấp nên phải nhập viện điều trị. Sau 10 ngày nằm viện, sức khỏe hồi phục và kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 nên được xuất viện, tiếp tục cách ly tại nhà theo quy định. Những ngày cách ly tại nhà, thầy vẫn làm việc online, hướng dẫn học sinh hoàn thành sản phẩm để tham gia Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học trong thời gian tới.
Hoàng Giang

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây