Từng bước khắc phục bất cập trong quản lý F0

Thứ năm - 09/12/2021 14:53
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Hiện nay, dù tỉnh đã ban hành quy trình xử lý người nhiễm Covid-19 trong cộng đồng cũng như quy trình xử lý F0, F1 trong doanh nghiệp, nhưng thực tế hiện nay, nhiều cá nhân, doanh nghiệp không tuân thủ đúng quy trình trên, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

img-1-9-12-2021-nam.jpg?t=1752456061Các F0 P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) hoàn thành thời gian cách ly tại nhà được test nhanh kiểm tra, nếu âm tính sẽ được cấp giấy chứng nhận. Ảnh: Hạ Di

Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, làm gì để khắc phục những bất cập trong quản lý, điều trị F0 tại nhà hiệu quả, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan có những giải pháp cho vấn đề này…

* Phó Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Duy Tân: Tăng cường nhân lực tham gia phòng, chống dịch

Trước tình hình số ca F0 điều trị tại nhà tăng nhanh, các cấp, ngành, đơn vị, phường, xã của thành phố đang nỗ lực để từng bước đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh; đồng thời xây dựng các kênh kết nối để những F0 không triệu chứng yên tâm cách ly tại nhà và được kịp thời đưa tới các cơ sở y tế khi chuyển nặng.

Để tăng cường nhân lực tham gia phòng, chống dịch, giảm bớt quá tải, áp lực cho nhân viên y tế, thành phố đã vận động 160 bác sĩ về hưu, sinh viên y khoa ra trường chưa có việc làm tham gia CLB chăm sóc F0 tại nhà. Bên cạnh những thuận lợi, việc cách ly F0 tại nhà cũng gặp phải một số khó khăn liên quan đến kinh phí hỗ trợ hoạt động của trạm y tế lưu động; việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với các trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly tại nhà; vấn đề thu gom, vận chuyển rác thải của các trường hợp F0, F1 đang cách ly tại nhà… Những vấn đề này thành phố cũng đã đề xuất tỉnh để được giải quyết.

Ngoài ra, TP.Biên Hòa cũng triển khai nhiều giải pháp kéo giảm sự gia tăng F0 như: tăng cường tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch và nguy cơ quá tải y tế để người dân biết và cảnh giác phòng bệnh, giữ gìn sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh, thực hiện tốt 5K. Đẩy mạnh việc tiêm chủng nhất là những trường hợp bệnh nền, người bị liệt nằm tại nhà để giảm tỷ lệ tử vong; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định phòng, chống dịch. Ngoài ra, thành phố cũng thành lập CLB tư vấn theo dõi điều trị Covid-19 trực tuyến; phối hợp với các doanh nghiệp thành lập các  trạm y tế lưu động tại 6 khu công nghiệp.

* Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Lê Văn Danh: Xây dựng các khu cách ly tập trung dành riêng cho người lao động

Quy trình xử lý F0, F1 trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh ban hành đã tạo thuận lợi rất nhiều cho các doanh nghiệp, đây chính là cơ sở pháp lý để xử lý các ca nhiễm Covid-19 phát sinh trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo phản ánh từ phía doanh nghiệp, quá trình triển khai cũng phát sinh khó khăn do mối quan hệ trao đổi thông tin hiện nay giữa doanh nghiệp và trung tâm y tế địa phương chưa tốt nên đôi khi việc phối hợp xử lý F0 còn chậm.

Rất mừng là vừa rồi UBND tỉnh đã triển khai trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp, việc này đã giảm áp lực cho trạm y tế địa phương rất nhiều. Để đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch trong các doanh nghiệp và cộng đồng, mới đây Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã kiến nghị UBND tỉnh xây dựng khu cách ly tập trung theo khu vực hoặc theo từng địa bàn huyện, thành phố dành riêng cho người lao động. Đối tượng sẽ là những F0 có nguyện vọng được cách ly tại đây do đang ở nhà trọ hoặc không đủ điều kiện để cách ly tại nhà. Đây cũng là phương án dự phòng đảm bảo việc cách ly, hỗ trợ điều trị nếu số F0 tiếp tục gia tăng trong các khu công nghiệp.

* Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, nhân viên Trạm y tế xã Hưng Lộc (H.Thống Nhất): Nâng cao ý thức phòng dịch để hạn chế F0

Đồng Nai đang trong trạng thái bình thường mới, nhiều hoạt động được mở cửa trở lại. Không còn giãn cách, tâm lý mọi người thoải mái hơn nên xuất hiện sự chủ quan trong phòng dịch, điều này rất nguy hiểm bởi nó làm gia tăng các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Hiện nay, cường độ làm việc của các nhân viên y tế rất lớn khi số lượng ca mắc mới có chiều hướng tăng, số người phải cách ly, xét nghiệm tăng... Ngoài áp lực công việc, các bác sĩ, y tá, điều dưỡng cũng gặp không ít áp lực về tâm lý khi phải thường xuyên nghe những lời trách móc của bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân khi chưa kịp thời phục vụ do quá tải. Bên cạnh đó, nhân viên y tế còn phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm rất cao do phải thường xuyên tiếp xúc với người bệnh. Họ không chỉ lo lắng bản thân mình mắc bệnh mà lo lắng sẽ lây nhiễm cho gia đình… Nguồn lực về cán bộ y tế cơ sở không thể có được trong một sớm một chiều và cũng không thể nào đáp ứng đủ nếu số lượng các ca F0 cứ tăng lên.

Trong thời gian chờ các chiến lược phát triển y tế cơ sở, trước mắt theo tôi nên tăng cường tuyên truyền, xử phạt các cá nhân, tập thể thiếu ý thức trong việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 vì nếu siết chặt công tác phòng ngừa thì sẽ giảm ca bệnh, giảm áp lực cho lực lượng tuyến đầu và nâng chất lượng điều trị cho bệnh nhân.

Nhật Huy (ghi) 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây