Khảo sát mới đây của Cục Phòng vệ thương mại (PVTM), số lượng doanh nghiệp (DN) đã tìm hiểu kỹ về PVTM chỉ khoảng 2%, 20% tìm hiểu sơ qua, 63% có nghe nhưng không hiểu rõ và 16% gần như không biết về PVTM. Trong hội nhập sâu, DN không nắm rõ về chính sách, thông tin ngành hàng và thị trường mình sẽ xuất khẩu rủi ro rất lớn.
Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương với nhiều quốc gia trên thế giới. Theo quy định của các hiệp định, thuế xuất nhập khẩu của nhiều mặt hàng sẽ giảm về 0%. Hàng hóa xuất khẩu không còn thuế tăng sức cạnh tranh, nhưng nhiều nước sẽ dựng lên hàng rào kỹ thuật, PVTM để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước.
Doanh nghiệp minh bạch trong nguồn gốc xuất xứ hàng hóa
Hạn chế vụ điều tra phòng vệ thương mại
Bà Phạm Châu Giang, Phó cục trưởng Cục PVTM cho hay: “Để giảm nguy cơ đối mặt với các vụ điều tra về PVTM, các DN phải chủ động tìm hiểu, trang bị kiến thức về lĩnh vực này, quy định PVTM trong các hiệp định thương mại giữa Việt Nam với các đối tác để nắm rõ quyền và nghĩa vụ của DN. Ngoài ra, các hiệp hội, DN nên chủ động nắm bắt thông tin, các biểu hiện gian lận thương mại trong lĩnh vực của mình, phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ vụ việc để cạnh tranh công bằng”.
Tham gia vào hội nhập sâu, PVTM là vấn đề các nước đều quan tâm và sẽ tiến hành điều tra khi có những dấu hiệu khả nghi. Mục đích là để bảo vệ DN, hàng hóa trong nước, đảm bảo việc cạnh tranh công bằng trong cùng ngành hàng, hạn chế việc bán phá giá, trợ cấp để cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho nền kinh tế. Thời gian qua, không chỉ hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các nước phải đối mặt với điều tra, áp thuế để PVTM. Việt Nam cũng tiến hành điều tra hàng nhập khẩu vào để áp dụng các biện pháp PVTM chính đáng, bảo vệ các ngành sản xuất, giúp tăng thu ngân sách và bào vệ việc làm cho người lao động. Đây cũng là một trong giải pháp giúp DN Việt Nam xuất khẩu hàng hóa tránh được nguy cơ bị điều tra lẩn tránh các biện pháp PVTM.
Cần bảo vệ hàng hóa trong nước tốt hơn
Trong 10 năm qua, Việt Nam mới khởi xướng điều tra được gần 20 vụ PVTM với hàng hóa nhập khẩu, bằng gần 10% số vụ DN Việt xuất khẩu phải chịu nguy cơ điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM.
Ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai cho biết: “Các DN sản xuất theo hình thức gia công theo đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài và xuất khẩu ít phải đối mặt với các biện pháp PVTM của các nước, chỉ những DN tự sản xuất sản phẩm và đưa đi xuất khẩu nguy cơ mới cao. DN tham gia vào hội nhập sâu đi kèm với các lợi thế trong xuất khẩu, cũng phải chấp nhận những rủi ro về điều tra, áp dụng PVTM. Do đó, DN phải chủ động trong sản xuất, xuất khẩu, minh bạch nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm để bảo vệ mình”.
PVTM là các biện pháp các nước tham gia vào hội nhập đều thực hiện để chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ. Đây được xem là công cụ hữu hiệu để bảo vệ lợi ích hợp pháp của các mặt hàng sản xuất trong nước. Hiện nay, DN, hiệp hội ngành hàng nhiều nước thực hiện khá tốt các biện pháp về PVTM, còn các DN và hiệp hội ở Việt Nam biết về chính sách PVTM để sử dụng hiệu quả công cụ trên chưa nhiều. Việc DN, hiệp hội trong nước chưa quan tâm nhiều đến PVTM sẽ làm mất đi những những cơ hội để bảo vệ DN, nhóm hàng mình đang sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh với mặt hàng cùng loại đến từ các nước. Đồng thời, tăng nguy cơ khi một số DN nước khác sẽ mượn Việt Nam là nước thứ 3 để đưa hàng hóa vào lắp ráp, đóng gói, lấy xuất xứ Việt Nam xuất khẩu nhằm hưởng các ưu đãi về thuế quan. Như vậy, mặt hàng cùng loại sản xuất tại Việt Nam có nguy cơ lớn bị mất thị trường hoặc bị áp thuế cao.
Hiện các DN Đồng Nai cũng như cả nước đang trong giai đoạn gấp rút phục hồi sản xuất, xuất khẩu sau làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư thì việc chủ động để phòng tránh PVTM là việc cần kíp không thể xem nhẹ.
Vi Quân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập