Tích cực chuẩn bị cho dự án Sân bay quốc tế Long Thành

Thứ hai - 11/05/2015 11:05
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Tự động phát:
​Chuẩn bị cho việc Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Sân bay quốc tế Long Thành vào kỳ họp sắp tới, đối với Đồng Nai, việc lập đề án giải phóng mặt bằng, tái định cư, đào tạo nghề và giải quyết việc làm… cho người lao động phải gấp rút được hoàn thành.
 
Mong chờ dự án sớm triển khai
 

Là dự án đã quy hoạch từ khoảng 10 năm trước đây và được coi là một công trình đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế -xã hội khu vực phía Nam và của cả nước, dự án Sân bay quốc tế Long Thành đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Đặc biệt là sau khi Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI khẳng định sự cần thiết, đúng đắn của chủ trương đầu tư xây dựng và coi đây là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ người dân trong vùng dự án để thông tin, phổ biến các quyết định của cấp trên và người dân rất phấn khởi khi thông tin về một sân bay quốc tế mới quy mô, hiện đại đang được xem xét xây dựng. Khảo sát cư dân trong vùng ảnh hưởng của dự án cho thấy 100% đồng tình với chủ trương giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư của tỉnh và mong muốn được tái định cư tại chỗ (khu vực lân cận dự án).
 

Khi dự án triển khai xây dựng sẽ có 6 xã thuộc huyện Long Thành với hàng ngàn hộ dân cần được tái định cư, đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Để phục vụ cho việc lập phương án bồi thường, GPMB, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, năm 2014, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác bao gồm lãnh đạo các sở, ngành liên quan cùng với huyện Long Thành tiến hành thống kê nắm bắt lại các số liệu về diện tích đất đai, dân cư, độ tuổi lao động… tạo cơ sở xây dựng đề án.
 
Đoàn công tác của Quốc hội trong một lần về khảo sát địa điểm xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành
 
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, người dân và chính quyền Đồng Nai mong muốn dự án sớm được Quốc hội thông qua và triển khai thực hiện. Đồng Nai vốn có nhiều kinh nghiệm trong việc GPMT các dự án hạ tầng lớn, liên quan đến nhiều người dân như đường cao tốc, các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn, điều đó sẽ  giúp ích rất nhiều cho các công việc tương tự của dự án Sân bay quốc tế Long Thành.
 
Cũng vì tầm quan trọng của dự án này nên cuối năm 2014, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Phúc cũng đã cùng với đoàn công tác của tỉnh ra Sơn La học tập kinh nghiệm của tỉnh bạn về giải phóng mặt bằng, an sinh xã hội trong quá trình triển khai dự án xây dựng thủy điện Sơn La. Là một công trình quy mô có ý nghĩa tương tự Sân bay quốc tế Long Thành nên rút kinh nghiệm từ dự án thủy điện Sơn La sẽ giúp Đồng Nai hạn chế thấp nhất những sai sót có thể xảy ra.
 
Chuẩn bị sẵn sàng để giải trình Quốc hội khi có yêu cầu
 
Công việc lập đề án GPMT, tái định cư và giải quyết việc làm cho người lao động đang được Đồng Nai gấp rút thực hiện. Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Phúc vừa yêu cầu tổ công tác của tỉnh phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án kịp phục vụ kỳ họp giữa năm của Quốc hội.
 
Đối với công tác tái định cư, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, tổ công tác của tỉnh đã lên kế hoạch cụ thể. Do quy hoạch ban đầu của dự án được thực hiện trên diện tích 5.000 ha, UBND tỉnh đã lên phương án chuẩn bị 2 khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn và Bình Sơn để giải quyết chỗ ở cho người dân, đồng thời tạo việc làm, an sinh xã hội cho khoảng 15.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Song song đó, với khoảng 30 trường đào tạo nghề từ trung cấp đến đại học và hàng chục khu công nghiệp tập trung lân cận dự án, tỉnh Đồng Nai khẳng định sẽ đảm bảo tốt cho vấn đề giải quyết việc làm, điều mà người dân trong vùng dự án rất quan tâm.
 
Sau khi rà soát lại, Bộ Giao thông - vận tải (GT-VT) đã đề nghị Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh quy mô xây dựng xuống còn 2.700 ha nên các công việc trên cũng được tính toán lại. Theo đó, chỉ còn khoảng 5.600 nhân khẩu bị ảnh hưởng nên cũng chỉ cần một khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn là đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Do đó công tác tái định cư, bố trí việc làm cho người dân sau giải tỏa cũng thuận lợi hơn cho địa phương nơi có dự án triển khai.
 
Đề xuất trên của Bộ GT-VT đang được Quốc hội xem xét nên UBND tỉnh vẫn chỉ đạo tổ công tác thực hiện đề án chuẩn bị cả 2 phương án với quy mô 5.000 ha và 2.700 ha, phục vụ việc giải trình Quốc hội khi cần thiết. Việc xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cũng như xây dựng đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và ổn định đời sống các hộ dân có đất bị thu hồi phải hoàn thành vào cuối tháng 5 để tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.  ​
 
Gia Văn

 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sân bay
Chuyển đổi số
Pháp luật
Đăng ký
Thông tin khởi nghiệp
Đánh giá
Bộ pháp điển
Thư viện
Thống kê truy cập

Hôm nay

67,523

Tổng lượt truy cập

555,560,669
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây