Qua hơn một năm thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại tại Đồng Nai, hoạt động của các văn phòng thừa phát lại đang gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tống đạt các văn bản của cơ quan thi hành án và tòa án.
Trong thời gian qua, các văn phòng thừa phát lại ở Đồng Nai đã thực hiện việc tống đạt được hơn 13 ngàn văn bản các loại. Kết quả này cho thấy vai trò của thừa phát lại trong việc xã hội hóa hoạt động thi hành án đã được ghi nhận.
Nhân viên Văn phòng thừa phát lại Biên Hòa kiểm tra hồ sơ.
*Hiệu quả tống đạt văn bản chưa cao
Tống đạt các loại văn bản của cơ quan thi hành án dân sự hoặc của tòa án cho các đương sự là một trong 4 nhiệm vụ của thừa phát lại Tuy nhiên, thực tế hoạt động tống đạt văn bản của thừa phát lại cho thấy hiệu quả của hoạt động này chưa cao. Nhiều văn bản tống đạt còn chậm, văn bản tống đạt chưa đúng địa chỉ… dẫn đến công tác thi hành án, hoạt động tố tụng còn bị ảnh hưởng. Những hạn chế đó được xác định do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự phối hợp của chính quyền các địa phương, lực lượng công an chưa thật sự có hiệu quả, ý thức trách nhiệm của thừa phát lại trong việc tống đạt chưa cao…
Ông Huỳnh Văn Lưu, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, cho biết thời gian qua có nhiều đương sự đến tòa phản ánh, thể hiện bức xúc vì bị hoãn các phiên tòa do không tiếp nhận hoặc tiếp nhận chậm các văn bản được tống đạt. Ông Lưu nêu ví dụ, theo quy định, quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được tống đạt cho bị cáo, người liên quan trước khi mở phiên tòa 10 ngày. Nhưng nhiều trường hợp, bị cáo, người liên quan chỉ nhận được các văn bản này trước khi đưa ra xét xử chỉ 1-2 ngày. Nguyên nhân chậm trễ trong quá trình tống đạt văn bản là do không tìm được địa chỉ, hoặc sau nhiều lần hẹn không gặp đương sự thì thừa phát lại giao văn bản tống đạt cho trưởng ấp, cán bộ xã… và văn bản sau đó đã không đến tay đương sự kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, cho rằng do một bộ phận nhân viên thừa phát lại chưa được đào tạo nghiệp vụ nên còn hạn chế trong việc thực hiện tống đạt văn bản. Trước đây, việc tống đạt văn bản được thực hiện bằng nhiều hình thức, như: gửi thư điện tử, chuyển phát nhanh qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp… Hiện nay, việc tống đạt chuyển qua thừa phát lại nên gây áp lực và hiệu quả sẽ không cao; những trường hợp ở các vùng sâu, vùng xa hiệu quả tống đạt còn rất thấp.
Nói về những khó khăn này, bà Trần Thị Thu Thủy, Trưởng văn phòng thừa phát lại Biên Hòa, đã nêu ví dụ cụ thể: “Chỉ là đi xác minh một văn bản ở huyện Nhơn Trạch tôi phải mất 3 tháng mới nhận được kết quả vụ việc.
*Đừng xem là việc xin cho, nhờ vả
Trước những bất cập trong hoạt động thừa phát lại, nhiều ý kiến cho rằng chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan phải nhìn nhận lại hoạt động này để tháo gỡ những vướng mắc nhằm hỗ trợ người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cho rằng, vấn đề giải quyết án dân sự trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn tồn tại nhiều vấn đề. Việc thực hiện thí điểm thừa phát lại sẽ góp phần thực hiện nghiệp vụ thi hành án dân sự. “Đây là công việc góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước để làm cho xã hội ngày càng văn minh” - ông Thái nhận định.
Cũng theo ông Đinh Quốc Thái, những tồn tại trong hoạt động thừa phát lại xuất phát từ nhận thức của một số lãnh đạo chính quyền địa phương về hoạt động này chưa cao, có nơi còn thờ ơ. Để khắc phục tình trạng này, chính quyền các địa phương phải xem đây là hoạt động phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội, tránh tình trạng xin cho, nhờ vả.
Ông Nguyễn Sơn, Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó trưởng Ban chỉ đạo thí điểm chế định thừa phát lại Trung ương, cho rằng thực chất của việc thí điểm chế định thừa phát lại là xã hội hóa thi hành án dân sự. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã có nhiều văn bản chỉ đạo với quyết tâm thực hiện có hiệu quả việc thí điểm này, nhưng thực tế vẫn còn nhiều tồn tại cần phải được giải quyết trong thời gian tới.
Để góp phần khắc phục những tồn tại của hoạt động thừa phát lại ông Huỳnh Văn Lưu cho biết, thời gian qua Tòa án nhân dân tỉnh đã lập ra bộ phận thư ký chuyên phụ trách và tổng hợp các văn bản trước khi tống đạt. Cục Thi hành án dân sự tỉnh cũng đang xem xét triển khai một đầu mối để thực hiện việc tống đạt văn bản có hiệu quả hơn.
Danh Trường