Thời gian gần đây, huyện Cẩm Mỹ đã tập trung phát triển các hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp như hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ năng suất cao… Nhờ đó, bước đầu nông dân có điều kiện tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất để nâng cao thu nhập.
Những ngày này, đa số thành viên của Tổ hợp tác cây tiêu ấp 2 ở xã Lâm San đều có niềm vui trúng mùa và nhất là bán được giá. Ông Vũ Văn Ân, một thành viên tổ hợp tác chia sẻ: “Trước đây do sản xuất nhỏ lẻ, phân tán nên tiêu làm ra thường bị thương lái ép giá. Từ ngày tham gia tổ hợp tác, chúng tôi đã liên kết lại với nhau, nên thương lái không thể ép giá mà buộc phải thu mua theo giá thị trường”.
Nhiều vườn cà phê ở huyện Cẩm Mỹ đạt năng suất cao từ việc thay thế vườn cây già cỗi bằng giống mới
Ngoài cây tiêu, ở các xã trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ đã hình thành một số mô hình làm ăn rất hiệu quả như: Tổ hợp tác gà thả vườn ấp 10, xã Sông Ray, Tổ hợp tác dâu tằm ấp 8, xã Sông Ray, Tổ hợp tác sầu riêng xã Nhân Nghĩa… Ðây là cơ sở để huyện triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất như chương trình cây trồng chủ lực, chương trình phát triển rau quả an toàn, dự án cánh đồng lớn…
Hiện nay toàn huyện Cẩm Mỹ có 17 câu lạc bộ (CLB) năng suất cao với 336 hộ tham gia. Ngoài ra, huyện đã hình thành 63 tổ hợp tác thu hút 995 thành viên với diện tích tham gia hơn 724 ha. Các hình thực liên kết này được hình thành trên cơ sở tự nguyện, dân chủ, bình đẳng giữa các thành viên nhằm trao đổi kinh nghiệm sản xuất, từ đó nâng cao tính cạnh tranh và khả năng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.
Ðặc biệt, việc liên kết trong sản xuất đã giúp địa phương hình thành các vùng chuyên canh cây trồng chủ lực, tạo điều kiện để đưa các giống mới vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp tăng năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi.
Ông Trần Văn Ðông, ấp Tân Hạnh, xã Xuân Bảo cho biết, từ khi tham gia tổ hợp tác liên kết cây sầu riêng, ông thường xuyên được Hội Nông dân xã cử đi tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về canh tác, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Qua tập huấn, nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi và mạnh dạn áp dụng nên năng suất vườn sầu riêng của gia đình liên tục tăng, hiện đạt 11 tấn/ha, cao hơn 1,5 lần năng suất bình quân toàn huyện.
Kỹ sư Trần Việt Cường, Trưởng trạm Khuyến nông Cẩm Mỹ cho hay, nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật từ Trạm Khuyến nông huyện, tại các CLB cây cà phê năng suất cao, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn cải tạo các vườn cây già cỗi, năng suất thấp bằng các giống mới chất lượng cao. Ðặc biệt, nhiều hộ đã áp dụng giải pháp ghép cải tạo vườn cà phê già cỗi với các giống mới như : TR4, TR5, TR9, kết quả mang lại rất tốt, năng suất vườn cà phê đã đạt 2,5 tấn/ha. Hiện mô hình này đang được triển khai nhân rộng.
Theo UBND huyện Cẩm Mỹ, để đạt được kết quả trên, ngoài việc chú trọng vận động nông dân tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác, CLB năng suất cao, huyện còn thành lập Ban quản lý dự án nông nghiệp huyện để chỉ đạo xuyên suốt quá trình thực hiện, từ khâu họp dân, khảo sát điều kiện sản xuất để lựa chọn xây dựng mô hình, xây dựng hệ thống tưới tiêu phù hợp cho từng loại cây trồng, đất trồng…
Lê Văn