Sáng 5-5, Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã được ký kết. Như vậy, sau hơn 2 năm đàm phán, hiệp định cũng đã đi đến đích và mở ra một chương mới cho thương mại hai quốc gia.
Người Hàn Quốc tiêu thụ cà phê trung bình mỗi người 1kg/năm, Đây là thị trường tiêu thụ cà phê khá hấp dẫn.
Trong ảnh: Cà phê đóng bao xuất khẩu của Công ty Volcafe tại Khu công nghiệp An Phước (huyện Long Thành).
Theo các chuyên gia kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc thuộc loại ít bị cạnh tranh dạng “đối đầu” hàng hóa. Chính vì vậy, đây là cơ hội hai bên phát huy tốt lợi thế của mình để cùng thắng lợi.
THÊM SỨC CẠNH TRANH
Hiện nay, mỗi tháng Công ty TNHH Gia Ân (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) xuất sang thị trường Hàn Quốc gần 40 ngàn chiếc chày gỗ. Anh Hà Thế Vinh, chủ doanh nghiệp (DN), còn cho biết ngoài sản phẩm chày gỗ, mỗi tháng công ty còn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc vài chục ngàn sản phẩm phục vụ nội trợ, như: con lăn bột, đồ lót nồi, thớt làm bếp... tất cả đều bằng gỗ. Thông tin Việt Nam và Hàn Quốc ký kết hiệp định thương mại tự do đã khiến anh Vinh hy vọng sắp tới sản phẩm của DN tại Hàn Quốc có giá bán rẻ hơn do không còn phải chịu thuế, nhờ vậy hàng sẽ tiêu thụ tốt hơn.
Giám đốc một DN ở phường Tân Biên, TP.Biên Hòa chuyên sản xuất viên nén mùn cưa (dùng để đốt lò) xuất khẩu sang Hàn Quốc hiện đang bị tồn kho cả chục tấn sản phẩm cũng kỳ vọng khi FTA được thực thi, việc tiêu thụ nguồn hàng của DN có thể được cải thiện hơn. Theo phân tích của vị giám đốc này, nguyên nhân khiến giá sản phẩm viên nén mùn cưa xuất khẩu sang Hàn Quốc tuột dốc thảm hại trong thời qua là do giá dầu giảm, các nhà máy sử dụng chất đốt chuyển sang dùng dầu. Thêm vào đó, các DN của Trung Quốc và Indonesia cũng sản xuất sản phẩm viên nén với giá thành thấp hơn nên bán sang Hàn Quốc rất mạnh. Với việc được miễn thuế, hy vọng sản phẩm sẽ giảm giá bán và cơ hội cạnh tranh tốt hơn.
Bà Ngô Yến Vân, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Vân (phường Tân Biên), cũng cho rằng, nếu DN có khả năng khai thác tốt thì đây còn mang lại lợi kép nhờ vào nguồn nguyên phụ liệu các DN nhập khẩu từ Hàn Quốc về không chịu thuế, giá sẽ thấp hơn hiện nay.
Không chỉ là ngành công nghiệp, mà ngành nông nghiệp cũng kỳ vọng nhiều vào hiệp định này. Hiện tại một số DN của tỉnh cũng đang tìm hướng liên kết với DN Hàn Quốc để sản xuất sản phẩm nông sản, như: chuối, xoài... nhằm cung cấp cho xứ sở Kim Chi.
SẢN PHẨM KHÔNG ĐỐI ĐẦU
Theo nội dung FTA được ký, Hàn Quốc tự do hóa hơn 95% số dòng thuế nhập khẩu các loại sản phẩm từ Việt Nam, trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực của nước ta, như: trái cây nhiệt đới, tôm, cua, cá, đồ gỗ, hàng dệt may, sản phẩm cơ khí. Mới đây, Hàn Quốc cũng cho phép nhập khẩu xoài tươi từ Việt Nam, đây cũng là sản phẩm mà Đồng Nai có thế mạnh về diện tích cũng như sản lượng.
Ngược lại, Việt Nam sẽ cắt giảm thuế quan gần 90% dòng thuế từ Hàn Quốc xuất khẩu sang. Các mặt hàng chủ yếu thuộc nhóm hàng công nghiệp, như: nguyên phụ liệu dệt, may; nguyên liệu nhựa; linh kiện điện tử; phụ tùng ô tô; điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cáp điện...
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP.Hồ Chí Minh, nhận định phần lớn các ngành hàng trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc không bị “đụng nhau” mà mang tính hỗ trợ. Đây cũng là điều tốt để thêm cơ hội phát triển. Ông Liêm cũng lưu ý, một số sản phẩm ngành hàng công nghiệp sắt thép hay hàng tiêu dùng các DN trong nước sẽ bị cạnh tranh trực tiếp với hàng từ Hàn Quốc sang khi không còn thuế.
Ở một góc nhìn khác, đại diện Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai (Donimexa) cho rằng, tham gia FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc không chỉ đơn thuần là khai thác thị trường để bán sản phẩm của đôi bên mà còn là cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư. Phân tích từ Donimexa, hiện các DN của Hàn Quốc có nguồn lực khá tốt có xu hướng đầu tư ra nước ngoài, nhất là đầu tư vào các quốc gia Đông Nam Á. Khi các dòng thuế được cắt giảm, những nhà đầu tư nhìn thấy lợi thế sẽ đổ vốn vào.
Vân Nam