Ðã thành thông lệ, Ban Liên lạc truyền thống Tuyên huấn Biên Hòa - Bà Rịa - Long Khánh lại tổ chức chương trình họp mặt cựu cán bộ tuyên huấn qua các thời kỳ. Năm nay, từ ngày 23 đến 24-11, nhân dịp họp mặt lần thứ 17, những người đồng chí, đồng đội làm công tác tuyên huấn được trở về Ðảo Ó-Ðồng Trường, mảnh đất chiến khu D anh hùng để ôn lại truyền thống công tác tuyên huấn trong kháng chiến cũng như trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Các đồng chí: Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Ðồng Nai; Trần Văn Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu; Ðặng Mạnh Trung, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh; Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bảo cùng 500 cán bộ, nhân viên Tuyên huấn Biên Hòa - Bà Rịa- Long Khánh đã tham dự buổi họp mặt.
Ký ức hào hùng
Theo Trưởng ban liên lạc truyền thống tuyên huấn Biên Hòa - Bà Rịa - Long Khánh Trần Minh Thấu, tuy chưa xác định được thời điểm cụ thể ra đời của ngành Tuyên huấn tỉnh Biên Hòa - Bà Rịa - Long Khánh (nay là tỉnh Ðồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) song các hoạt động tuyên huấn đã được bắt đầu từ rất sớm. Qua các thời kỳ, công tác tuyên huấn đã góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị các điều kiện về tinh thần để thành lập Chi bộ Ðảng Phú Riềng (năm 1929), Bình Phước (năm 1935), Tỉnh ủy Biên Hòa lâm thời (năm 1937)... và có những đóng góp quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
Đoàn văn công Tuyên huấn năm xưa biểu diễn tại buổi họp mặt.
Những năm kháng chiến chống Mỹ là thời kỳ mà hoạt động tuyên huấn phát triển mạnh mẽ nhất nhưng cũng chịu nhiều mất mát. Trên địa bàn các tỉnh Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Bà Rịa, Long Khánh, Trung ương Cục và Khu ủy miền Ðông Nam bộ đã căn cứ vào thực tế chiến trường, nhất là nhiệm vụ bao quanh các cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn, Biên Hòa, đã nhiều lần cho nhập, tách cơ sở để kịp thời chỉ đạo phù hợp. Các Tỉnh ủy được nhập và chia tách thì Ban Tuyên huấn cũng đều nhập, tách theo để phục vụ hoạt động tuyên huấn của Tỉnh ủy, bám sát địa bàn.
Từ 1967 đến cuối năm 1971, Ban Tuyên huấn các tỉnh miền Ðông Nam bộ hoạt động trong hoàn cảnh như nhau. Suốt khoảng thời gian này, địch thay đổi chiến thuật, dùng lực lượng nhỏ lẻ, tung biệt kích đánh sâu vào vùng rừng núi, gài mìn, phong tỏa gắt gao các ấp chiến lược. Ðây là thời gian mà số anh chị em ngành Tuyên huấn bị thương vong nhiều nhất. Ở tỉnh Biên Hòa, bao gồm phân khu 4 hy sinh 74 người, Bà Rịa - Long Khánh hy sinh 175 người, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương) hy sinh 124 người.
Với lòng trung thành với Ðảng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn gian khổ, những người làm công tác tuyên huấn của tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa - Long Khánh thời chống Mỹ cứu nước đã để lại nhiều bài học quý. Ðó chính là tình yêu, sự tâm huyết, lòng đam mê và sắt son với nghề. Ðồng thời, cũng là kết quả của nỗ lực vượt khó, không ngừng trau dồi, rèn luyện đạo đức cách mạng, nắm vững, nắm chắc phương châm “công tác tư tưởng là then chốt”.
Trong từng thời kỳ, ngoài mũi quân sự, Ban Tuyên huấn còn chủ trương đẩy mạnh công tác chính trị và binh địch vận. Nhà in phải thức xuyên đêm để in nhiều khẩu hiệu, truyền đơn, đưa sâu vào thị trấn, thị xã, vùng địch kiểm soát. Ngoài các loại truyền đơn, hiệu triệu, khẩu hiệu phải đưa bằng con đường bất hợp pháp, Ban Tuyên huấn còn in các tài liệu tuyên truyền, kêu gọi binh lính, sĩ quan ngụy trở về với cách mạng bằng tài liệu hợp pháp…
“Thời kỳ chiến tranh ác liệt, đội ngũ cán bộ, nhân viên tuyên huấn Biên Hòa - Bà Rịa - Long Khánh đã không ngại hiểm nguy, gian khổ, tích cực tuyên truyền nhân dân quyết tâm kháng chiến, giành độc lập dân tộc. Ðã có hàng trăm cán bộ, nhân viên tuyên huấn anh dũng hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ. Quá trình công tác, chiến đấu, hy sinh của cán bộ, nhân viên làm công tác tuyên huấn Biên Hòa - Bà Rịa - Long Khánh mãi mãi là hình ảnh đẹp, đáng trân trọng”, Trưởng ban liên lạc truyền thống tuyên huấn Biên Hòa - Bà Rịa - Long Khánh Trần Minh Thấu nhấn mạnh.
Tiếp nối truyền thống
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, năm 1976 Tỉnh ủy Ðồng Nai được thành lập (bao gồm cả tỉnh Ðồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay). Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy được xây dựng trên nền tảng Ban Tuyên huấn miền Ðông Nam bộ, sau đó hình thành thêm Ban Nghiên cứu lịch sử Ðảng và Ban Khoa giáo. Ðến năm 1983, các ban này sáp nhập thành Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Các cán bộ, nhân viên Tuyên huấn năm xưa trong buổi họp mặt truyền thống năm 2018 tại Đồng Nai.
Năm 1991, khi thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trên cơ sở tách từ tỉnh Ðồng Nai thì hai Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ðồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập. Tuy nhiên, những đóng góp của đội ngũ cán bộ, nhân viên Tuyên huấn Biên Hòa - Bà Rịa - Long Khánh mãi mãi là hình ảnh đẹp, đáng trân trọng, được các thế hệ tuyên giáo sau này nối tiếp, tri ân.
Trong ngày họp mặt truyền thống lần thứ 17, được gặp gỡ lại đồng chí, đồng đội một thời cùng “nằm gai nếm mật”, sẻ chia khó khăn trong hoạt động, cựu cán bộ tuyên huấn Nguyễn Thị Thanh (73 tuổi, ngụ phường Bửu Long, TP. Biên Hòa) cho biết, bà vẫn mang trong mình nhiệt huyết của tuổi thanh xuân. Dù hầu hết các cựu cán bộ tuyên huấn tuổi đã cao nhưng ai nấy đều cố gắng đóng góp cho địa phương và giúp đỡ lẫn nhau khi trở về cuộc sống đời thường. Bà cũng nhắn nhủ lớp cán bộ tuyên giáo ngày nay cần phải giữ được phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng thì nói dân mới nghe, làm dân mới tin. Trong bối cảnh hiện nay có rất nhiều cám dỗ, nếu không có nền tảng đạo đức, lập trường vững vàng thì rất khó để làm tốt công tác được giao.
Chung vui cùng các cựu cán bộ tuyên huấn khi được gặp gỡ lại đồng chí, đồng đội của mình và đồng cảm với những trăn trở của các thế hệ cán bộ lão thành, Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Nai Nguyễn Phú Cường khẳng định: trong bất cứ thời kỳ nào, công tác tuyên giáo luôn được coi là một trong những lĩnh vực quan trọng hàng đầu của Ðảng. Các thế hệ ngành tuyên giáo và cán bộ Ðảng của 2 tỉnh Ðồng Nai cũng như Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục nối bước truyền thống. Tỉnh ủy Ðồng Nai và Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, có kiến thức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu công tác tuyên giáo trong tình hình mới. “Những tấm gương hy sinh khi đang làm nhiệm vụ của các đồng chí, cô chú trong kháng chiến và đóng góp của các thế hệ cán bộ tuyên huấn sẽ luôn được tầng lớp cán bộ trẻ noi theo, gìn giữ và tiếp bước với truyền thống quý báu của ngành”, Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Nai Nguyễn Phú Cường khẳng định.
P.V
Tác giả: P.V
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập