​Tuyên huấn Biên Hòa - Bà Rịa - Long Khánh: Một thời hào hùng

Thứ hai - 26/11/2018 08:37
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Trong 2 ngày 23 và 24-11, tại Khu du lịch Đảo Ó - Đồng Trường (huyện Vĩnh Cửu), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu và Ban Liên lạc truyền thống Tuyên huấn Biên Hòa - Bà Rịa - Long Khánh phối hợp tổ chức họp mặt lần thứ 17 để ôn lại truyền thống công tác tuyên huấn Biên Hòa - Bà Rịa - Long Khánh trong kháng chiến cũng như trong xây dựng chủ nghĩa xã hội.

 5B.jpg
Cán bộ Tuyên huấn Biên Hòa - Bà Rịa - Long Khánh trong lần họp mặt truyền thống lần thứ 17 tại Đồng Nai.
Tuy chưa xác định được thời điểm cụ thể ra đời của ngành Tuyên huấn tỉnh Biên Hòa - Bà Rịa - Long Khánh (nay là tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) song các hoạt động Tuyên huấn đã được bắt đầu từ rất sớm. Trong đó, công tác Tuyên huấn đã góp phần rất lớn vào việc chuẩn bị các điều kiện về tinh thần để thành lập Chi bộ Đảng Phú Riềng (năm 1929), Bình Phước (năm 1935), Tỉnh ủy Biên Hòa lâm thời (năm 1937)... và có những đóng góp quan trọng ở 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Hoạt động trong bí mật
Theo ông Trần Minh Thấu, nguyên Ủy viên Ban TVTU, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Liên lạc truyền thống Tuyên huấn Biên Hòa - Bà Rịa - Long Khánh, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tất cả cán bộ, đảng viên phải tuân thủ nguyên tắc bí mật, việc ai làm, ở đâu chỉ người đó và người phụ trách trực tiếp biết.
Việc ăn ở, đi lại phải “quần chúng hóa” triệt để, chỉ quan hệ với những người trực tiếp công tác với mình. Những lúc học tập phải cố gắng nghe và cố nhớ, tuyệt đối không ghi chép. Việc truyền đạt vấn đề gì cho người khác chỉ bằng miệng, bằng trí nhớ của mình để cán bộ lỡ có lọt vào tay địch thì địch không có được tài liệu của ta. Cán bộ tuyên huấn phải kiêm cả công tác tổ chức và ai cũng phải thuộc “5 bước công tác cách mạng” (điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, đấu tranh) để hướng dẫn cho cán bộ tuyến dưới, nhất là cán bộ cơ sở, nắm chắc và thực hiện một cách chặt chẽ, bài bản các bước vận động cách mạng trong quần chúng.
Lúc này, mỗi đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động phải xây dựng cho mình một hệ thống bí mật gồm: nòng cốt, tích cực và cảm tình. Đây là một hệ thống xâu chuỗi như các rẻ quạt. Mỗi hệ thống bí mật bao gồm từ 2-4 nòng cốt; mỗi nòng cốt có 2-4 tích cực; mỗi tích cực nắm từ 2-4 cảm tình. Vì thế, trước những âm mưu xảo quyệt của kẻ thù, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, các hệ thống bí mật này vẫn rỉ tai hằng ngày cho nhau về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tuyên truyền vận động nhân dân quyết tâm kháng chiến, vượt qua gian khổ ác liệt để đánh thắng kẻ thù xâm lược.
Công tác tư tưởng là then chốt
Cũng theo ông Trần Minh Thấu, từ những năm 1967 đến cuối năm 1971, địch thay đổi chiến thuật, dùng lực lượng nhỏ lẻ, tung biệt kích đánh sâu vào vùng rừng núi, gài mìn, phong tỏa gắt gao các ấp chiến lược, do đó lực lượng của ta bị đói cơm, thiếu muối, thiếu các nhu yếu phẩm tối thiểu cần thiết cho cuộc sống nên thời gian này, số cán bộ, nhân viên tuyên huấn bị thương vong nhiều nhất. Trong đó, ở tỉnh Biên Hòa có 74 cán bộ, nhân viên tuyên huấn đã hy sinh; tỉnh Bà Rịa - Long Khánh hy sinh 175 người; ở Thủ Dầu Một - Bình Dương, hy sinh 124 người.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, năm 1976 Tỉnh ủy Đồng Nai được thành lập (bao gồm cả tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay). Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy xây dựng trên nền tảng Ban Tuyên huấn miền Đông Nam bộ, sau đó hình thành thêm Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng và Ban Khoa giáo. Đến năm 1983, 3 ban này sáp nhập thành Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Năm 1991, khi thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trên cơ sở tách từ tỉnh Đồng Nai thì 2 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập. Tuy nhiên những đóng góp của đội ngũ cán bộ, nhân viên Tuyên huấn Biên Hòa - Bà Rịa - Long Khánh mãi mãi là hình ảnh đẹp, đáng trân trọng, được các thế hệ tuyên giáo sau này nối tiếp, tri ân.
Ông Võ Minh Quang, nguyên Ủy viên Ban TVTU, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai nhận định, những người làm công tác Tuyên huấn của tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa - Long Khánh thời chống Mỹ cứu nước đã để lại nhiều bài học lớn cho cán bộ tuyên giáo ngày nay. Công tác Tuyên giáo trong giai đoạn hiện nay tuy có nhiều khó khăn, thách thức nhưng nếu làm bằng tâm huyết, đam mê với nghề như các thế hệ đi trước thì sẽ thành công. Quá trình làm phải luôn nghiên cứu, đúc kết thực tiễn để bổ sung cho lý luận, có đường lối đúng. Đồng thời, phải luôn cố gắng, không ngừng trau dồi, rèn luyện đạo đức cách mạng, nắm vững, nắm chắc phương châm “công tác tư tưởng là then chốt” để công tác Tuyên giáo của Đảng luôn đạt hiệu quả cao.
Theo ông TRẦN MINH THẤU, Trưởng ban Liên lạc truyền thống Tuyên huấn Biên Hòa - Bà Rịa - Long Khánh, định kỳ 2 năm/lần lại diễn ra họp mặt truyền thống Tuyên huấn Biên Hòa - Bà Rịa - Long Khánh. Lần họp mặt thứ 17 này có hơn 500 đại biểu là cán bộ, nhân viên Tuyên huấn Biên Hòa - Bà Rịa - Long Khánh.
Phương Hằng

Tác giả: Phương Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây